Tiếng Việt | English

24/09/2020 - 12:35

Trồng sen giúp người dân tăng thu nhập

Là một trong những địa phương thuộc vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An, ngoài trồng lúa chất lượng cao, người dân huyện Tân Thạnh còn duy trì nghề trồng sen lấy ngó và lấy gương. Đây là cây trồng có nhiều ưu điểm, phù hợp với vùng đất trũng, bị ngập nước, không thể canh tác lúa.

Thu hoạch ngó sen

Toàn huyện có hơn 652ha sen, tập trung chủ yếu ở các xã: Nhơn Hòa, Tân Lập, Tân Bình, Kiến Bình, trong đó có hơn 22ha sen lấy gương ở xã Tân Lập. Người dân trồng chuyên canh sen hoặc trồng xen canh 1 vụ lúa - 1 vụ sen. Trồng sen tuy vất vả nhưng có lợi nhuận cao hơn gấp 2-3 lần so với trồng lúa trên cùng diện tích đất phèn, trũng. Anh Bùi Thanh Hoài (ấp Hải Hưng, xã Tân Lập) có kinh nghiệm hơn 10 năm trồng sen lấy ngó. Anh cho biết, chi phí (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhân công) cho một vụ sen khoảng 30 triệu đồng/ha. Với 2ha sen, cứ cách ngày, anh thu hoạch khoảng từ 150-200kg ngó sen, sau khi trừ chi phí, lãi từ 30-40 triệu đồng/ha/vụ. Tuy nhiên, cũng tùy thuộc vào từng thời điểm, giá cao hay thấp mà người dân lãi nhiều hay ít. Còn trồng sen lấy gương thì một vụ kéo dài hơn 5 tháng và lãi nhiều hơn so với sen ngó vì ở giai đoạn đầu (khoảng hơn 1 tháng sau khi trồng), người dân có thể thu hoạch ngó sen để điều chỉnh mật độ sen lấy gương, bảo đảm sen sinh trưởng và phát triển tốt, cho gương sen to, đều hạt. Theo ông Đặng Văn Tài (ấp Hải Hưng, xã Tân Lập) thì giá gương sen cao gấp 2 lần ngó sen, đợt rồi, ông bán được 30.000 đồng/kg, lợi nhuận khoảng 80 triệu đồng/1,6ha, còn đợt này giá 20.000 đồng/kg, lãi ít hơn nhưng tính ra, thu nhập vẫn cao hơn so với trồng lúa. Trồng sen còn tạo việc làm cho một số lao động ở địa phương với tiền công 200.000 đồng/buổi.

Gương sen được bán với giá, 20.000 - 30.000 đồng/kg

Hiện nay, việc trồng sen cho năng suất và chất lượng cao không còn là chuyện khó khăn đối với người dân huyện Tân Thạnh vì chủ động hơn trong sản xuất, quản lý được mực nước trên đồng ruộng kết hợp phòng ngừa sâu, bệnh và duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, giúp sen sinh trưởng tốt và đạt năng suất cao. Hiện nay, một số cơ sở sản xuất, tổ hợp tác trên địa bàn huyện còn thực hiện sơ chế ngó sen và chế biến các sản phẩm từ sen như trà sen, sữa sen, hạt sen sấy khô,… góp phần đa dạng hóa sản phẩm từ sen và tăng thêm thu nhập cho người dân./.

Duy Thanh

Chia sẻ bài viết