Tiếng Việt | English

01/08/2024 - 14:42

Trở về với gốm Nam Bộ xưa

Một lần tôi đi du lịch và dùng bữa tại một quán ăn được bày trí theo phong cách Nam Bộ xưa. Từ những chiếc đèn bão treo lơ lửng trên những xà ngang thấp, chiếc cối xay đặt trong chái bếp chụm củi than đến cái cà ràng nấu siêu thuốc bằng ấm đất. Những dụng cụ nhà bếp bằng mây tre đan, những cái ghế, cái bàn mang đậm dấu ấn làng quê miền Tây một thuở. Trong không gian đó, tôi như được trở lại thời thơ ấu, được ngồi dưới mâm cơm ấm nóng đủ đầy ba thế hệ.

Ảnh minh họa: tuoitre.vn

Đó cũng là những món đồ dùng một thời nằm trong gian bếp nhỏ nhà tôi. Cái thời ông bà nội tôi vẫn còn vài bộ chén dĩa bằng gốm vẽ bướm, hoa mai, con gà,… được nâng niu như báu vật. Bà kể, cái thời bà còn trẻ vẫn ăn cơm bằng gáo dừa. Nên khi có đồ gốm và sành sứ, những món ăn dân dã thường ngày dường như cũng trở nên đặc sắc hơn. Tôi còn nhớ đó là dòng gốm Lái Thiêu mà người xứ tôi cứ quen gọi là gốm Nam Bộ.

Một thời, dòng gốm này có sức sống vô cùng rực rỡ, không nhà nào ở miền Tây Nam Bộ là không sử dụng. Sự hiện diện hàng ngày trong đời sống khiến gốm Lái Thiêu dần dà trở thành nét đặc trưng văn hóa Nam Bộ xưa. Ba tôi kể gốm có nguồn gốc từ người Hoa di dân nhưng khi du nhập vào đã có sự giao thoa để trở thành nét đặc trưng riêng. Qua hàng trăm năm định danh và gắn bó trong đời sống vật chất lẫn tinh thần của người Nam Bộ, những sản phẩm gốm không những khiến cho đời sống sinh hoạt dễ dàng và tiện nghi hơn mà còn góp phần tô điểm cho ẩm thực phong phú của xứ này.

Đã từng là kỷ niệm, mang giữ hồn Việt cùng những giá trị vô cùng tươi đẹp, khi cầm trên tay chiếc chén ăn cơm vẽ hoa văn xưa, có một niềm xúc động dâng lên trong tôi. Tôi có cảm giác như mình đang gặp lại một người bạn cũ. Người bạn một thời gắn bó, đã chứng kiến những ngày đói no của những bữa cơm nhà quê ở cái thời còn thiếu trước hụt sau.

Như được đánh thức miền ký ức cũ, tôi trở về nhà và tìm lại bộ chén dĩa bằng gốm thuở xưa. Má tôi vẫn còn cất kỹ trong chiếc khạp da bò bởi nhiều lần muốn bỏ nhưng cứ hoài tiếc. Xếp bộ chén dĩa ra ngoài, tôi mang đi lau rửa thật sạch. Bây giờ mỗi ngày, tôi dùng bộ chén dĩa ấy để bày biện bữa cơm gia đình. Cả nhà đều có đôi chút bất ngờ nhưng sau đó đều đón nhận một cách thật đặc biệt như đón người khách quý trở về thăm nhà mình sau chuyến nhàn du. Và tôi hiểu ra rằng, mỗi chúng ta chưa bao giờ quên bỏ những điều cũ xưa nếu điều ấy vẫn còn mang những giá trị đẹp./.

Hiền Dương

Chia sẻ bài viết