Tiếng Việt | English

27/08/2019 - 09:47

Triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy lùi bệnh sốt xuất huyết

Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) tiếp tục diễn biến phức tạp, các cấp, các ngành trong tỉnh Long An tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống dịch bệnh nhằm hạn chế đến mức thấp nhất số ca mắc.

Tăng cường công tác tuyên truyền, phòng, chống sốt xuất huyết, đặc biệt ở các trường mầm non, tiểu học

Hiện đang là cao điểm mùa dịch SXH, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm đến ngày 04/7/2019, cả nước ghi nhận trên 80.000 trường hợp mắc SXH, tăng gấp 3 lần so cùng kỳ năm 2018, trong đó có 6 trường hợp tử vong tại các tỉnh: Bình Phước, Bình Thuận, Khánh Hòa, Quảng Bình, Tiền Giang và TP.HCM.

Riêng tại Long An, từ đầu năm 2019 đến nay ghi nhận 3.042 ca mắc SXH, tăng 3,4 lần so cùng kỳ năm 2018, trong đó có 39 ca mắc SXH nặng, tăng 27 ca so cùng kỳ, tập trung tại các huyện: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc và TP.Tân An. Dự báo thời gian tới, tình hình dịch bệnh SXH tiếp tục diễn biến phức tạp, có nguy cơ bùng phát mạnh do đang vào mùa mưa, chỉ số côn trùng tăng cao.

Nhằm triển khai các hoạt động phòng, chống bệnh SXH hiệu quả theo Chỉ thị số 07/CT-BYT, ngày 29/7/2019 của Bộ Y tế về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh SXH, quyết tâm khống chế dịch bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất số ca mắc trong thời gian tới, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã Kiến Tường và TP.Tân An khẩn trương thực hiện công tác phòng, chống bệnh SXH.

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Long An - bác sĩ CKII Huỳnh Hữu Dũng cho biết: “Ngành y tế tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh, kịp thời báo cáo Sở Y tế nhằm tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, đơn vị tập trung phòng, chống dịch bệnh hiệu quả; phối hợp các đơn vị liên quan tăng cường công tác truyền thông trực tiếp tại cộng đồng; tổ chức diệt lăng quăng kết hợp phun hóa chất diệt muỗi tại các địa bàn có chỉ số lăng quăng,  muỗi tăng cao. Chúng tôi cũng tập trung nguồn lực; chủ động về vật tư, trang thiết bị, thuốc, hóa chất cho công tác điều trị bệnh; xử lý ổ dịch triệt để nhằm hạn chế đến mức thấp nhất số ca mắc và tử vong do bệnh SXH,...”.

Thường xuyên súc rửa, thay nước bình hoa để ngừa lăng quăng sinh sản

Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo triển khai các hoạt động phòng, chống dịch tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, các trường mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở hướng dẫn học sinh cũng như phụ huynh giữ gìn vệ sinh môi trường, diệt trừ lăng quăng, phòng tránh muỗi đốt,…

Anh Trịnh Thanh Tâm (phường 6, TP.Tân An) chia sẻ: “Được nhân viên y tế tuyên truyền, tôi úp các vỏ dừa quanh nhà xuống; cọ rửa vật dụng chứa nước sạch sẽ và đậy kín nắp để ngừa lăng quăng sinh sản; đồng thời, súc rửa bình hoa thường xuyên, phát quang bụi rậm không cho muỗi trú ngụ”.

Ngoài sự vào cuộc của ngành y tế, người dân cần chung tay phòng, chống dịch bệnh SXH, nhất là thực hiện các biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng, giữ gìn vệ sinh môi trường cũng như loại bỏ các vật dựng chứa nước không cần thiết,… Đây chính là giải pháp hữu hiệu, lâu dài trong hoạt động phòng, chống bệnh SXH, góp phần bảo vệ sức khỏe cho chính mình và cộng đồng./.

Ngọc Mận - Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết