Đến Ngày Nhà giáo Việt Nam, nhiều phụ huynh hỏi nhau tặng quà gì cho giáo viên (GV), thậm chí việc tặng quà còn được bàn bạc trong group kín dành cho phụ huynh từng lớp. Có phụ huynh còn thay hiện vật bằng hiện kim để khỏi “đau đầu” suy nghĩ phải tặng quà gì.
Không biết từ bao giờ việc tặng quà tri ân thầy, cô giáo lại được quan tâm theo hướng vật chất như thế? Còn nhớ thời trước, cứ đến ngày 20/11, học sinh (HS) phân công nhau chuẩn bị quà cho thầy cô. Đó là những tấm thiệp được các em tự vẽ, trang trí tỉ mỉ; là bó hoa rực rỡ hay những tiết mục văn nghệ dành tặng “người đưa đò” thầm lặng. GV vùng sâu, vùng xa còn nhận được những món quà đậm chất “cây nhà lá vườn” như bó rau mới hái sau vườn, con cá vừa mới câu được,…
Theo sự phát triển của cuộc sống, những món quà đơn giản năm nào được thay bằng những món quà vật chất, thậm chí “bỏ phong bì” chúc mừng để “vừa tiện, vừa lợi”. Có một GV chia sẻ, ngày 20/11, cô được ban đại diện cha mẹ HS gửi tặng chiếc phong bì trong lúc làm lễ kỷ niệm, xung quanh có nhiều HS. Cô ngại ngùng và từ chối thì người trong ban đại diện cứ giúi vào tay cô rồi năn nỉ: “Cô cầm giúp, đây là nhiệm vụ các phụ huynh khác giao cho tôi”.
Cô kể lại câu chuyện trên với tâm trạng không vui và cho biết sau đó đã gửi chiếc phong bì lại cho ban đại diện. Cách làm đó khiến GV bị tổn thương hơn là cảm giác được “tri ân”. Ai cũng biết tặng quà là một trong những cách thể hiện lòng tri ân đến GV nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam nhưng quà tặng và cách tặng lại khiến GV cảm thấy mình không được tôn trọng.
Có ý kiến cho rằng quà tặng chính là thước đo thể hiện lòng tri ân hay không tặng quà thì HS sẽ bị “đì”. Có lẽ đâu đó cũng còn những trường hợp GV o ép HS nên khiến một số người có cái nhìn phiến diện. Tuy nhiên, đó chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”, không riêng gì ngành Giáo dục và Đào tạo mà bất cứ ngành nào cũng có những “con sâu” như thế!
Ngày Nhà giáo Việt Nam là ngày tri ân thầy, cô giáo, nhắc các thế hệ HS nhớ về người thầy, người cô đã dạy bảo mình, truyền đạt cho mình kiến thức. Thật ý nghĩa biết bao khi thầy, trò cùng ngồi lại bên nhau tâm sự, ôn lại kỷ niệm. GV tự hào về những gì HS mình đã đạt, còn HS thể hiện lòng yêu thương, biết ơn bằng cả tấm lòng.
Đừng biến ngày 20/11 thành ngày “tặng quà”, đừng làm mất đi giá trị nhân văn tốt đẹp, truyền thống “tôn sự trọng đạo” của dân tộc ta và đừng biến ngày nhà giáo trở thành nỗi lo của phụ huynh và cả GV. Khi quà tặng trở thành nghĩa vụ và được giúi vội kèm theo là sự chờ đợi con mình được quan tâm thì có còn ý nghĩa của ngày tôn vinh thầy cô không hay trở thành sự đổi chác?
Có một ngôi trường đã triển khai việc làm ý nghĩa đó là thay vì tặng hoa, quà cho GV nhân ngày 20/11, trường khuyến khích sinh viên tặng sách để thành lập tủ sách. Những quyển sách này sau đó sẽ được phân loại gửi tặng HS vùng sâu, vùng xa, các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ nơi biên giới, hải đảo. Đây mà một trong những mô hình hay và ý nghĩa trong Ngày Nhà giáo Việt Nam.
Việt Nam có truyền thống “tôn sư trọng đạo”, đó là nét văn hóa đẹp, truyền cảm hứng về tinh thần hiếu học, đề cao tri thức và thầy, cô giáo xứng đáng được đón nhận những tình cảm chân thành từ HS và phụ huynh./.
Tâm An