Thời gian gần đây, qua thông tin của báo chí và sự lan truyền trên mạng xã hội, nhiều người bàng hoàng, phẫn nộ trước nạn xâm hại tình dục trẻ em. Mới đây, nghi án người cha dâm ô với chính con ruột 10 tuổi, xảy ra tại xã Phước Lý, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Vụ việc này tiếp tục gióng lên hồi chuông về vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em. Trẻ em có thể bị xâm hại ngay trong ngôi nhà của mình, bởi những người thân trong gia đình.
Tuy phải trả giá trước pháp luật, sự phán xét của tòa án lương tâm nhưng tội ác xâm hại tình dục trẻ em để lại nỗi đau dai dẳng, ám ảnh đến suốt cuộc đời các em. Do vậy, cần quan tâm phòng ngừa tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Gia đình, nhất là người mẹ phải chú ý quá trình phát triển của trẻ em gái, quan tâm dạy bảo, hướng dẫn các em những kiến thức, kỹ năng để bảo vệ mình trước nạn xâm hại tình dục; nên bố trí cho các em một không gian sinh hoạt riêng. Cha mẹ phải gần gũi để trẻ tự tin chia sẻ tâm tư, tình cảm,... Thông qua các môn học tích hợp, giờ học ngoại khóa, thầy cô truyền đạt cho các em những kiến thức về giới tính, kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ, cách xử lý trong những tình huống xấu,... Ngoài xã hội, các em phải được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh,...
Trẻ em còn non nớt về thể chất và trí tuệ, dễ bị xâm hại, bạo hành nên cần được chăm sóc và bảo vệ đặc biệt. Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em, Luật Trẻ em của nước ta khẳng định, trẻ em có quyền được bảo vệ và chăm sóc; quyền được sống trong môi trường lành mạnh; quyền được bảo vệ chống lại sự ngược đãi;... Trong Tháng hành động Vì trẻ em, cần làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để Công ước và Luật Trẻ em đi vào cuộc sống./.
Kim Quy