Tiếng Việt | English

26/09/2023 - 10:32

Trao sinh kế cho người yếu thế

Với vai trò là “cầu nối”, các cấp chính quyền của huyện Bến Lức, tỉnh Long An đã kết nối nhiều đơn vị, tổ chức, mạnh thường quân,... hỗ trợ phương tiện sinh kế, giúp những người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Chính quyền địa phương, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Bến Lức, Hội Doanh nghiệp huyện Bến Lức trao bò cho gia đình ông Đặng Văn Tèo (ấp 7, xã Lương Hòa, huyện Bến Lức)

Gia đình ông Đặng Văn Tèo (SN 1964, ngụ ấp 7, xã Lương Hòa, huyện Bến Lức) có gần 10 nhân khẩu. Hiện tại, vợ chồng người con gái của ông đi làm công nhân, còn vợ chồng ông và người con trai ở nhà trồng chanh trên mảnh đất chưa đến 3.000m2 của gia đình. Ông Tèo nói: Nhờ chính quyền địa phương hướng dẫn nên việc trồng, chăm sóc chanh không quá khó. Tuy nhiên, giá chanh lên xuống thất thường, gia đình gặp khó khăn lúc giá chanh xuống thấp, phần vì nhân khẩu đông, trẻ em nhiều nên cuộc sống khó khăn, không dư dả, “thiếu trước, hụt sau”.

Cuối năm 2022, được sự hỗ trợ từ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Bến Lức, Hội Doanh nghiệp huyện Bến Lức, gia đình ông Đặng Văn Tèo nhận 1 con bò giống sinh sản làm kế sinh nhai. Theo ông Tèo, gia đình từng mong muốn nuôi bò nhưng không có tiền để mua. Ngoài được hỗ trợ bò giống, ông Tèo còn được cán bộ xã hướng dẫn cách làm chuồng trại, trồng cỏ, chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh cho bò. Khi hỏi về cách chăm sóc và hiệu quả sau vài tháng nuôi bò, đôi mắt ông Tèo ánh lên niềm vui.

Ông Tèo chia sẻ: “Vài hôm trước, có mấy người ở UBND xã đến thăm hỏi, ai cũng khen tôi khéo chăm nên bò mau lớn. Tôi sẽ chăm sóc cẩn thận để bò khỏe mạnh, sinh trưởng tốt, có điều kiện phát triển kinh tế gia đình”. Hiện nay, ngoài cắt cỏ ven đường, ông Tèo tìm nguồn cỏ thích hợp để trồng xung quanh nhà, có nguồn thức ăn lâu dài cho bò.

Nhóm thiện nguyện gồm những thành viên có chung tấm lòng vì người yếu thế

Trước đây, chị Võ Thị Mộng Tuyền (SN 1984, ngụ ấp 8, xã Lương Hòa, huyện Bến Lức) làm công nhân nhưng hiện đã nghỉ việc. Được mẹ cho miếng đất nhỏ, chị cất nhà ra riêng, sống cùng con gái đang học tiểu học. Ai thuê gì, chị làm nấy từ hái chanh, trồng mai đến làm cỏ,... Biết hoàn cảnh khó khăn của chị, xã Lương Hòa vận động mạnh thường quân hỗ trợ 1 con bò giống sinh sản.

Chị Tuyền bộc bạch: “Vừa lo cho con đi học, rồi đi làm thuê, vừa chăm sóc bò,... tuy cực nhưng vui. Cảm ơn địa phương đã quan tâm, hỗ trợ trong thời gian qua!”. Chị Tuyền vui vì có được “chiếc cần câu” để nỗ lực lao động, vượt qua khó khăn trước mắt, phát triển kinh tế gia đình, nuôi con ăn học.

Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Lương Hòa, huyện Bến Lức - Phạm Hoàng Minh cho biết: Chương trình tặng bò giống sinh sản được xem là bước tiền đề trong quá trình giúp những người có hoàn cảnh khó khăn lập nghiệp, từng bước giảm nghèo bền vững. Xã sẽ nắm những gia đình có hoàn cảnh khó khăn để hỗ trợ kịp thời, qua đó, góp phần tạo sinh kế, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Ngoài tặng bò giống sinh sản, xã Lương Hòa, huyện Bến Lức còn có nhiều mô hình hỗ trợ người yếu thế. Đó là một nhóm thiện nguyện với thành viên là phụ nữ trong xã có chung tấm lòng vì người yếu thế. Theo ông Phạm Hoàng Minh, hàng tháng, nhóm thiện nguyện này nhận bảo trợ khoảng 20 hộ là người già neo đơn, bệnh tật, có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi hộ được nhận gạo và một số nhu yếu phẩm khác, trị giá từ 250.000-300.000 đồng/phần/tháng.

Ngoài ra, từ nhiều năm nay, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, nhóm thiện nguyện này còn duy trì suất cơm trưa hàng ngày, bán cho người có hoàn cảnh khó khăn. Suất ăn trưa gồm các món chay và bán tại quán cà phê cũng là nhà của chị Nguyễn Minh Ngọc (ấp 9, xã Lương Hòa, huyện Bến Lức) với giá 2.000 đồng.

Thức ăn cho suất cơm 2.000 đồng

Chị Ngọc cho biết: “Hàng ngày, bà Huỳnh Thị Mỵ (SN 1958, ngụ ấp 8, xã Lương Hòa, huyện Bến Lức) đi chợ và nhiều chị em trong xã đến phụ sơ chế, chế biến. Khoảng 8 giờ 30 phút, các món ăn chín và được chia phần theo từng hộp. Mỗi phần cơm đều có 4-5 món và canh. Mỗi ngày, nhóm thiện nguyện nấu khoảng 100 phần ăn. Bất cứ ai cần cơm đều được nhận và mang đi tối đa 2 phần; người nhận có thể ăn tại chỗ, có thể trả tiền hoặc không. Tiền mua cơm được bỏ vào thùng”. Theo chị Ngọc, số tiền bán cơm này cùng với tiền đóng góp hàng tháng của nhóm dùng để mua thức ăn, gạo và các loại gia vị,... Tiền được ghi chép, công khai, minh bạch. Ngoài đi chợ hàng ngày, nếu bất kỳ ai trong nhóm hay ngoài nhóm có lòng tặng rau, quả hay bất cứ loại thực phẩm nào cũng được ghi chép, công khai và dùng để nấu ăn.

Tại xã An Thạnh, huyện Bến Lức, những người yếu thế cũng được UBMTTQ Việt Nam xã vận động mạnh thường quân hỗ trợ qua mô hình Trao gửi yêu thương. Theo đó, 15 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn được nhóm thiện nguyện trên địa bàn xã hỗ trợ hàng tháng. Trong đó, 10 hộ được hỗ trợ 300.000 đồng/hộ/tháng, 5 hộ có hoàn cảnh khó khăn hơn được hỗ trợ 500.000 đồng/hộ/tháng. Ngoài ra, những trường hợp khó khăn đột xuất cũng được UBMTTQ Việt Nam xã kịp thời nắm biết, hỗ trợ từ 500.000 đồng trở lên/lần.

Trao “cần câu” không chỉ giúp người yếu thế có phương tiện sinh kế mà còn tiếp thêm động lực để họ phấn đấu vươn lên trong cuộc sống./.

Gia Hân

Chia sẻ bài viết