Tiếng Việt | English

26/04/2021 - 08:56

Trận Mương Trám lịch sử

Nhắc đến xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức, tỉnh Long An là chúng ta nhớ đến mảnh đất anh hùng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước với trận đánh đình Mương Trám nổi tiếng. Ngày 27/4/1964, tại khu vực này, Tiểu đoàn 1 Long An và Đại đội 2 Độc Lập cùng quân, dân Thạnh Lợi đã lập nên chiến công tiêu diệt Tiểu đoàn 38 biệt động ngụy, một trong những trận đánh tiêu biểu trên chiến trường Long An trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Đình Mương Trám đã được UBND tỉnh công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh ngày 18/12/2000

Trở về Thạnh Lợi trong những ngày tháng 4, xe chúng tôi bon bon trên những con đường được trải nhựa thẳng tắp, 2 bên được trồng hoa rực rỡ. Được cán bộ xã dẫn đến nhà nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Thạnh Lợi - Nguyễn Thanh Văn, qua cuộc trò chuyện với ông, chúng tôi mới thấy hết khó khăn, vất vả, mất mát, hy sinh và sự kiên cường của người dân Thạnh Lợi trong suốt những năm tháng kháng chiến chống Mỹ.

Nhấp một ngụm trà, ông kể, trận đánh tại đình Mương Trám diễn ra ngày 27/4/1964 là một trận chiến thắng vang dội của quân, dân Long An, một trong những chiến công quan trọng để củng cố vùng giải phóng và giữ thế chủ động của ta trên chiến trường, mở màn cho những chiến thắng liên tiếp sau này.

Sáng ngày 27/4/1964, địch sử dụng nhiều đợt trực thăng đổ quân xuống cánh đồng Thạnh Lợi từ kinh Bà Chủ đến rạch Bà Hạt (kéo dài khoảng 4.000m). Tất cả có trên 40 chiếc trực thăng đổ quân xuống, bọn chúng là Tiểu đoàn 38 biệt động quân thuộc lực lượng Tổng trù bị quân ngụy Sài Gòn. Đây là tiểu đoàn khét tiếng gian ác và tàn bạo với biệt danh “Hắc Báo”.

Trước lúc đổ quân, địch sử dụng máy bay ném bom “dọn bãi” tàn phá toàn bộ cây cối, nhà cửa người dân. Đợt đầu tiên, chúng đổ quân xuống khu vực kinh Bà Chủ, lực lượng ta gồm Tiểu đoàn 1, Đại đội 2 Độc Lập sử dụng đại liên, trung liên, tập trung hỏa lực tiêu diệt trực thăng nhưng chưa trúng mục tiêu. Đợt thứ hai, chúng thả quân xuống khu vực đình Mương Trám liền bị quân ta nổ súng bắn rơi 3 chiếc trực thăng tại chỗ. Đợt thứ ba và thứ tư, chúng sắp đổ quân xuống, quân ta nổ súng bắn hỏng 3 chiếc trực thăng.

Sau khi chúng đổ quân xuống, Tiểu đoàn 1 Long An, Đại đội 2 Độc Lập, quân, dân, du kích xã Thạnh Lợi tổ chức tiêu diệt từng bộ phận địch. Cuộc chiến diễn ra trong suốt buổi sáng đến gần 14 giờ, quân ta đẩy lùi nhiều đợt tiến công của địch, ngăn không cho chúng thực hiện ý đồ chiếm trận địa của lực lượng ta và ta đã làm tiêu hao hơn 50 tên địch.

Diện mạo nông thôn xã Thạnh Lợi thay đổi từng ngày

Với sự đánh trả quyết liệt của quân ta, Tiểu đoàn 38 biệt động quân buộc phải rút lui một cách bị động, chúng tập trung lại ở khu vực đình Mương Trám để sang sông.

Trước tình hình đó, khoảng 15 giờ, Ban Chỉ huy Tiểu đoàn 1 nhận được một bức thư của Ban Quân sự tỉnh gửi xuống với nội dung địch sẽ rút lui tại đình Mương Trám để qua sông; đồng thời, bộ phận trinh sát kỹ thuật của Tiểu đoàn 1 cũng được báo cáo địch sẽ rút quân tại đình Mương Trám. Lập tức, Ban Chỉ huy Tiểu đoàn 1 liền ra lệnh tổ chức mọi lực lượng để tập kích đánh địch khi chúng rút lui.

Ban Chỉ huy trận đánh bố trí lực lượng thành 3 cánh: Cánh thứ nhất và cánh thứ hai (gồm 2 đại đội của Tiểu đoàn 1) làm 2 mũi chính hành quân từ rạch Cần Xé (giáp ranh xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ) dọc theo mé sông Vàm Cỏ Đông, dần dần tiếp cận mục tiêu khu vực đình Mương Trám. Cánh thứ ba gồm 1 đại đội của Tiểu đoàn 1 Long An xuất phát từ rạch Bà Hạt hành quân tiến công sau lưng địch.

Sau khi tiếp cận gần tiêu điểm (còn khoảng 500m) thì trời chạng vạng tối (khoảng 18 giờ). Lúc này, địch tập trung ở khu vực Mương Trám rất đông để chuẩn bị sang sông Vàm Cỏ Đông. Lợi dụng trời tối và địa hình che chắn, ta càng áp sát mục tiêu. Còn khoảng 200m, bộ phận trinh sát của chúng ta đã phát hiện địch tại khu vực đình Mương Trám rất đông. Ban Chỉ huy cho lệnh dàn súng cối, đại liên, trung liên, các loại hỏa lực nổ súng làm cho địch hoàn toàn bất ngờ vì khoảng cách quá gần, bọn địch chống trả yếu ớt. Sau đợt nổ súng, quân ta xung phong chiếm lĩnh toàn bộ trận địa, Tiểu đoàn 38 biệt động quân đã bị tiêu diệt hoàn toàn.

Kết quả trận đánh, ta tiêu diệt và làm bị thương gần 250 tên địch, thu được trên 100 khẩu súng các loại, gần 40 thùng đạn, bắt hơn 20 tù binh. Đặc biệt, sau trận đánh này, phiên hiệu tiểu đoàn “Hắc Báo” mất đi khoảng 2 tháng, sau đó chúng mới khôi phục lại.

Sau trận thắng này, vùng giải phóng của ta được củng cố và mở rộng. Lực lượng ta đã đánh thắng chiến thuật “trực thăng vận” của Mỹ - ngụy, kế hoạch “Bình định có trọng điểm” của địch trên chiến trường Long An đã bị bẻ gãy và sau này bị phá hủy hoàn toàn. Ông Nguyễn Thanh Văn thổ lộ, có được thắng lợi trên là nhờ vào tinh thần đoàn kết quân - dân keo sơn, gắn bó, quyết tâm chiến đấu đến cùng của quân và dân ta đã đập tan mọi âm mưu của kẻ thù.

Nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Thạnh Lợi - Nguyễn Thanh Văn kể về trận chiến lịch sử

Vùng đất bị địch đánh phá ác liệt, tự do dội bom, rải chất độc hóa học biến thành “vùng trắng”, thế nhưng quân, dân Long An nói chung, Thạnh Lợi nói riêng đã kiên trì bám trụ giữ vững vùng giải phóng, khai hoang phục hóa,... Và sau bao nhiêu năm dựng xây, xã Thạnh Lợi anh hùng ngày nào đã “thay da, đổi thịt”. Những con đường liên xóm, ấp được nâng cấp và mở rộng; trạm y tế, trường học,... được xây dựng khá đồng bộ, làm cho bộ mặt địa phương trở nên khang trang hơn. Tính đến cuối năm 2020, xã chỉ còn 42 hộ nghèo, chiếm 1,74%; thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng/năm.

Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Lợi - Lê Anh Kiệt cho biết, với những chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, xã Thạnh Lợi từng bước xây dựng thành công xã nông thôn mới để cuộc sống của người dân ngày càng giàu đẹp hơn, xứng đáng với mảnh đất anh hùng./.

Trà Long

Chia sẻ bài viết