Tiếng Việt | English

06/03/2024 - 08:45

Tràn lan quảng cáo 'bẩn' trên mạng xã hội

Với lợi thế lượng người dùng lớn, chi phí rẻ hoặc miễn phí nên trên các nền tảng mạng xã hội YouTube, Facebook, TikTok,... tràn lan hoạt động quảng cáo, trong đó có nhiều quảng cáo “bẩn”, độc hại, vi phạm bản quyền, thông tin giả, nhạy cảm, trái thuần phong, mỹ tục,...

Người dân cần cảnh giác và đừng vội tin ngay những quảng cáo trên mạng xã hội kẻo “tiền mất, tật mang” (Ảnh minh họa)

Các “doanh nghiệp”, “doanh nhân” thật, giả lẫn lộn tạo lập các website, tài khoản, trang hội, nhóm trên các nền tảng mạng xã hội (Facebook, Zalo, TikTok, YouTube,...) để thực hiện hành vi quảng cáo, mua bán sản phẩm “thượng vàng hạ cám” từ bất động sản, xe cộ, giới thiệu việc làm, vay vốn, bài bạc,... Trong đó, "đậm đặc" nhất là quảng cáo, giới thiệu cung cấp các dịch vụ khám, chữa bệnh, mua bán sản phẩm thuốc chữa bệnh, thiết bị y tế,... Bác sĩ “dỏm”, “giả” chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức trong khám, chữa bệnh, kèm theo quảng cáo cho một cơ sở khám, chữa bệnh với những lời thề thốt, “cam đoan chữa khỏi” nhiều căn bệnh nan y.

Cùng với quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, vi phạm bản quyền, tạo ra ma trận sản phẩm, gây nhiễu cho người dùng, các đối tượng còn lợi dụng dịch vụ quảng cáo của Facebook, Google, YouTube để phát tán các sản phẩm cờ bạc, cá độ; đồng thời, tuyển đại lý, kênh quảng cáo vệ tinh, trung gian để khuếch tán sản phẩm cờ bạc. Ngoài các sản phẩm cờ bạc, các đối tượng còn lợi dụng mạng xã hội đẩy mạnh quảng cáo để lôi kéo, dụ dỗ người dùng vay tiền trực tuyến, “vay vốn không cần thế chấp” với thủ tục nhanh, gọn, lẹ, sau đó là cái bẫy với nhiều biến tướng về lãi suất (thu phí dịch vụ cao, nhiều trường hợp lãi suất cộng dồn lên đến 2.000%/năm).

Vì quá tin vào quảng cáo “bẩn” nên hàng vạn người “tiền mất, tật mang”, thậm chí mất mạng. Ngoài ra, nhiều quảng cáo “bẩn” còn được các nghệ sĩ vì hám tiền mà đánh giá (rieview) công dụng tốt nhằm thu hút và tạo niềm tin cho người dân để lừa đảo kiếm tiền. Người hâm mộ nhiều phen “ngã ngửa” bởi tin theo thần tượng mà "rước họa vào thân". Điều khiến dư luận bất bình lại chính là thái độ vô cảm, dửng dưng của những nghệ sĩ trong cuộc đã vì lợi nhuận mà xem thường sức khỏe, tính mạng của người dân.

Tinh vi hơn, một số quảng cáo có nội dung lệch lạc, sai sự thật, gây nhiễu thông tin xuất hiện lại gắn “mác” với logo của Đài Truyền hình Việt Nam, kênh Quốc Phòng Việt Nam, hình ảnh của người dẫn chương trình, các biên tập viên của đài để tạo lòng tin, đánh lừa người dùng. Trong đó, quảng cáo thuốc Đông y, thực phẩm chức năng, các loại sữa,... được phóng đại như “thần dược” khiến hàng triệu người “sập bẫy”.

Mục đích của quảng cáo là để thu hút sự quan tâm của khách hàng nên hiển nhiên, các kỹ thuật gây chú ý là điều rất cần thiết. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc sử dụng các chiêu trò thổi phồng, hình thức phản cảm, truyền tải nội dung sai sự thật.

Mạng xã hội ngày càng phát triển, mang lại nhiều lợi ích trong cuộc sống. Tuy nhiên, cùng với đó, người dùng cũng đối mặt với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt của các loại tội phạm. Bởi vậy, người dân cần nâng cao cảnh giác trước các hành vi dụ dỗ, lôi kéo phạm tội, lừa đảo, đừng vội tin vào những quảng cáo “bẩn” trên mạng xã hội./.

Trung Dũng

Chia sẻ bài viết