Tiếng Việt | English

17/12/2020 - 10:06

Trầm cảm học đường và áp lực từ cha mẹ

Cả ngày học bán trú, đến chiều, cha mẹ rước về, ăn vội dĩa cơm hay tô hủ tiếu ở những hàng quán rồi lại đến lớp học thêm. Có em vừa ở lớp học thêm ra lại được đưa đến lớp học tiếng Anh.

Ảnh minh họa: Internet

Về đến nhà đã 21 giờ, vệ sinh cá nhân, nghỉ ngơi đôi chút rồi lại tiếp tục ngồi vào bàn học chuẩn bị bài cho ngày hôm sau, đến hơn 22 giờ, các em mới được ngả lưng. Trong giấc ngủ có khi chập chờn nỗi lo vì chưa chuẩn bị bài đầy đủ. Đó là “điệp khúc” vẫn thường thấy ở các em học sinh. Với lịch học dày đặc và những áp lực về điểm số đã khiến một số em bị trầm cảm mà có khi gia đình cũng không nhận ra.

Áp lực điểm số

Tại các lớp học thêm buổi chiều, không khó để bắt gặp hình ảnh một số học sinh vẫn còn mặc bộ đồng phục, đeo khăn quàng. Vì nhà xa hoặc không có thời gian nên sau khi đón con ở trường, cha mẹ đưa thẳng đến lớp học thêm. Sau một ngày học tập mệt mỏi, liệu các em còn đủ sức tiếp thu thêm những kiến thức ở lớp học thêm? Vậy mà cha mẹ vẫn “đua” nhau cho con học thêm vì sợ con mình thua các bạn, sợ con bị điểm thấp. Có trường hợp chỉ với một môn học nhưng các em lại học thêm đến 2-3 chỗ để làm “vừa lòng” giáo viên. Chẳng hạn như với môn Toán, có em vừa theo học tại thầy cô có cách dạy phù hợp với khả năng và cách tiếp thu của mình, vừa theo học giáo viên đang dạy trong lớp và theo cả một lớp nâng cao. Thử nghĩ, chỉ với một môn học mà các em đã nhồi nhét bao nhiêu đó kiến thức và phải dành một khoảng thời gian lớn để đến các lớp học thêm thì còn đâu thời gian vui chơi, giải trí, bổ sung kiến thức xã hội, rèn luyện kỹ năng sống?

Tâm lý của các bậc cha mẹ ai cũng muốn con mình giỏi nhưng mỗi em có năng lực, khả năng tiếp thu và sở trường khác nhau nên nếu cha mẹ quá kỳ vọng lại tạo cho các em những áp lực. Từ đó dẫn đến việc trầm cảm ở học sinh. Có bao giờ cha mẹ hỏi con: Hôm nay trong lớp con vui chơi thế nào không hay chỉ hỏi hôm nay con được mấy điểm, bạn ngồi kế bên con được mấy điểm? Những câu hỏi như thế đã tạo nên một áp lực lớn bởi các em biết rằng, chỉ có điểm số cao mới làm cha mẹ vui lòng.

Trầm cảm học đường - không được xem nhẹ

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến năm 2020, trầm cảm là căn bệnh thứ hai gây hại đến sức khỏe con người (chỉ sau tim mạch). Ước tính mỗi năm có hàng chục ngàn người tự tử do trầm cảm, gấp 2,5 lần so với số người chết vì tai nạn giao thông. Ở Việt Nam, trầm cảm đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là ở giới trẻ. Còn theo nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), khoảng 8-29% trẻ em đang trong độ tuổi vị thành niên ở Việt Nam mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần. Trầm cảm là hiện tượng học sinh cảm thấy mệt mỏi và chán nản, không có hứng thú trong học tập cũng như giao tiếp. Nếu tình trạng này lặp đi lặp lại trong thời gian dài sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như suy giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ, các rối loạn tâm thần khác khiến người bệnh tìm cách tự tử. Trầm cảm học đường đang đặt ra cho ngành giáo dục và toàn xã hội những thách thức.

Áp lực trong học tập là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trầm cảm học đường. Học sinh ở lứa tuổi THCS trở lên bắt đầu có những thay đổi về tâm sinh lý, nếu không được sự quan tâm, chia sẻ kịp thời từ cha mẹ, thầy cô, cộng với những áp lực của việc học, các em thường có xu hướng thu mình lại, ngại giao tiếp. Và khi những áp lực lên đến đỉnh điểm, một số em lại chọn cách tự tử để giải quyết vấn đề.

Đã có nhiều cảnh báo về tình trạng trầm cảm học đường nhưng dường như các bậc cha mẹ còn xem nhẹ, chưa quan tâm tìm hiểu tâm tư, tình cảm của con. Điểm số chỉ phản ánh một phần trong quá trình học tập và điểm số không quyết định tất cả. Thay vì cứ quan tâm đến điểm số, tạo áp lực cho các con, cha mẹ nên thay đổi dần cách suy nghĩ, hướng đến trang bị cho con những kỹ năng sống cần thiết để con có thể vượt qua những khó khăn, suy nghĩ tiêu cực ở tuổi học đường./.

Cẩm Thúy

Chia sẻ bài viết