Cờ Anh (phía trước) và cờ EU (phía sau) bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh ở London. (Ảnh: THX/TTXVN)
Ngày 12/12, hàng triệu cử tri Anh tiếp tục đi bỏ phiếu cho cuộc tổng tuyển cử lần thứ 2 trong vòng hơn 2 năm qua tại Xứ sở Sương mù.
Giống như cuộc bầu cử năm 2017, cuộc bầu cử lần này được tổ chức với một mục đích là giúp đảng Bảo thủ cầm quyền có được thế đa số cần thiết để chấm dứt những tranh cãi xung quanh câu chuyện nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU) - hay còn gọi là Brexit.
Cuộc bầu cử lần này vẫn chứng kiến sự cạnh tranh giữa hai chính đảng là đảng Bảo thủ và Công đảng.
Trong khi đảng Bảo thủ luôn một mực ủng hộ Brexit và giấc mơ nước Anh được tự do phát triển kinh tế và trao đổi thương mại bên ngoài khuôn khổ EU thì Công đảng lại hướng tới những chương trình an sinh xã hội, lấy hệ thống dịch vụ y tế quốc gia (NHS) làm trọng tâm và các dự án cải cách kinh tế gốc rễ để tác động tới tâm lý những người dân Anh bắt đầu chán nản với chủ đề Brexit và sự suy yếu của NHS.
Hai đảng này cũng đại diện cho hai lựa chọn cho viễn cảnh Brexit. Trong khi phe Bảo thủ ủng hộ đưa Anh ra khỏi EU đúng hạn vào ngày 31/01/2020 sau hai lần trì hoãn thì Công đảng lại đề xuất tổ chức trưng cầu ý dân lần hai với lá phiếu ghi rõ 2 lựa chọn: một là thỏa thuận Brexit mới, "mềm hơn," do đảng này đàm phán với EU, hai là hủy toàn bộ tiến trình này.
Trong trường hợp lý tưởng nhất với đảng Bảo thủ là Thủ tướng Johnson giành thế đa số với ít nhất 326/ 650 ghế tại Hạ viện Anh hoặc hơn.
Với kết quả này, Thủ tướng Johnson sẽ có thể thúc đẩy Hạ viện thông qua thỏa thuận Brexit mà chính phủ của ông và EU đã ký kết hồi giữa tháng 10.
Một khi được Hạ viện thông qua, việc Anh rời khỏi EU vào ngày 31/01/2020 như lời cam kết của ông Johnson là trong tầm tay.
Thủ tướng Anh Boris Johnson trong bài phát biểu công bố cương lĩnh tranh cử của đảng Bảo thủ ở Telford. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Hiện nay, Thủ tướng Johnson được cho là có một số điều kiện thuận lợi hơn so với cựu Thủ tướng Theresa May trong cuộc bầu cử năm 2017. Đó là ông có trong tay một thỏa thuận Brexit với EU vào đúng hạn chót mà ông cam kết đã giúp củng cố niềm tin của phe ủng hộ Brexit dành cho đảng Bảo thủ và đảng Brexit đã quyết định không cử đại diện tranh cử ở những vùng có đại diện của đảng Bảo thủ để tránh hai bên phải chia sẻ số phiếu của phe Brexit.
Kịch bản thứ hai là Thủ tướng Johnson không đạt được một thế đa số vững chắc, nước Anh sẽ có một quốc hội "treo" trong đó không có đảng nào giành đủ thế đa số để tự đứng ra thành lập chính phủ.
Đây sẽ là một Giáng sinh "không an lành" với lãnh đạo nước Anh. Ông Johsnon sẽ hành động đầu tiên với một trong 2 lựa chọn là thành lập chính phủ thiểu số hoặc từ chức.
Trong trường hợp ông Johnson từ chức, lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn được kỳ vọng sẽ thử thành lập chính phủ. Nếu ông Corbyn làm được điều này, các đảng nhỏ có thể sẽ ủng hộ dự định tổ chức trưng cầu ý dân lần 2 về vấn đề Brexit.
Ông Corbyn dự định đàm phán thỏa thuận mới với EU trong 3 tháng và đưa ra trưng cầu ý dân trong 6 tháng.
Do ông Corbyn không thể nhận được sự ủng hộ của các đảng nhỏ hơn với những chính sách cải cách mà Công đảng vạch ra nên một khi vấn đề Brexit được giải quyết, rất có thể ông sẽ lại tiếp tục kêu gọi tổng tuyển cử sớm để đảm bảo Công đảng giành thế đa số.
Một kịch bản khác là dù mất thế đa số, ông Johnson vẫn có thể sẽ tìm cách hợp tác với các đối thủ để tại nhiệm. Hiện ông Johnson không có đồng minh nào rõ ràng trong số các đảng nhỏ.
Tuy nhiên, ông Johnson có thể sẽ lựa chọn việc có thêm một nhiệm kỳ để thúc đẩy giấc mơ Brexit, hơn là giữ lời cam kết sẽ thực hiện Brexit đúng hạn vào ngày 31/01/2020.
Kịch bản cuối cùng mà phe Bảo thủ rất không mong đợi là Công đảng trỗi dậy với một thế đa số cần thiết. Đó là lúc ông Corbyn hoàn thành ý nguyện đưa Công đảng trở lại sau 9 năm và ông sẽ tự do thúc đẩy kế hoạch tổ chức trưng cầu ý dân lần 2 về vấn đề Brexit và tự do thúc đẩy các cải cách kinh tế gốc rễ đã cam kết.
Các thăm dò trước thềm bầu cử tới nay đều cho thấy đảng Bảo thủ hiện đang dẫn đầu với cách biệt khoảng 10 điểm % so với Công đảng đối lập. Tuy nhiên, thế đa số mà đảng Bảo thủ có thể giành được vẫn chưa chắc chắn trong khi nhiều cử tri vẫn chưa có quyết định cuối cùng.
Lượng cử tri trẻ ủng hộ EU, ủng hộ các chính sách an sinh xã hội và ủng hộ NHS, đăng ký tham gia bầu cử năm nay cao hơn hẳn năm 2017, càng tạo thêm những bất lợi cho phe Bảo thủ.
Sai số của các cuộc thăm dò cũng là một câu hỏi lớn vì chính cựu Thủ tướng Anh Cameroon đã không lường được kết cục bị đo ván trong cuộc trưng cầu ý dân về Brexit sau khi những kết quả thăm dò trước đó khiến ông tự tin về một kết quả không Brexit.
Theo kết quả thăm dò một ngày trước tổng tuyển cử, đảng Bảo thủ cầm quyền của Thủ tướng Boris Johnson vẫn dẫn đầu song có thể chỉ giành chiến thắng với đa số tối thiểu, tức là 339 ghế tại Hạ viện trên tổng số 650 ghế, chỉ vượt đa số 28 ghế, giảm so với mức vượt đa số 68 ghế trong cuộc thăm dò 2 tuần trước đó.
Khả năng này nếu xảy ra sẽ đủ để "làm khó" Thủ tướng Johnson trong nỗ lực thực hiện Brexit đúng hạn vào ngày 31/01 tới.
Năm 2016, ông Jonhson từng nổi lên như một nhà vận động tài ba khi chính ông là vị thuyền trưởng thổi căng cánh buồm Brexit, dẫn tới chiến thắng sít sao 52%-48% nghiêng về phe ủng hộ Brexit trong cuộc trưng cầu ý dân năm 2016.
Ba năm sau, một lần nữa, ông đặt niềm tin vào phe ủng hộ Brexit. Cuộc bầu cử lần này sẽ là cơn gió thuận cho cánh buồm căng thêm hay sẽ là cơn gió nghịch chôn vùi giấc mơ về một Vương quốc Anh kiêu hãnh tự chủ, câu trả lời sẽ được làm sáng tỏ khi kết quả cuộc tổng tuyển cử được công bố vào đầu giờ sáng 13/12 tới./.
Theo TTXVN