Tiếng Việt | English

02/02/2019 - 10:15

Tỏa sáng thanh niên

Long An hiện có không ít người trẻ thành đạt, xuất thân từ những hoàn cảnh khác nhau nhưng đều có chung chí hướng là khát vọng làm giàu chính đáng. Những thành công của họ góp phần thắp lên ngọn lửa khởi nghiệp trong thanh niên (TN) thời kỳ hội nhập.

Quyết tâm khởi nghiệp

Chúng tôi đến thăm gia đình anh Phan Châu Linh (SN 1986) - Bí thư Chi đoàn ấp An Tập, xã An Lục Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An vào những ngày cận tết. Ngôi nhà được xây dựng khang trang nằm nép mình bên những cánh đồng thanh long đang vào mùa xông đèn ra hoa trái vụ. Các vật dụng trong nhà được dọn dẹp, trang hoàng ngăn nắp, chuẩn bị đón năm mới. “Cuộc sống của tôi bây giờ ổn lắm rồi! Gia đình có điều kiện ăn tết ngày càng sung túc, đủ đầy hơn. Năm nay, gà, vịt có sẵn trong chuồng, gần tết ra chợ mua thêm vài kilôgam thịt heo, bánh, mứt mang về cúng ông bà” - anh Linh bộc bạch.

Anh Phan Châu Linh (bìa phải) hướng dẫn đoàn viên, thanh niên kỹ thuật trồng thanh long

Anh Linh được biết đến là cán bộ Đoàn năng nổ, TN điển hình tiên tiến làm theo lời Bác cấp tỉnh, Trung ương. Dù bận rộn với công việc đồng áng nhưng anh vẫn dành thời gian tổ chức sinh hoạt chi đoàn đúng quy định. Bí thư Huyện đoàn Châu Thành - Trần Mạnh Hùng nhận định: “Cái hay ở anh Linh là chịu khó học hỏi, tìm tòi, sáng tạo cái mới để đoàn kết, tập hợp TN nông thôn. Hàng tháng, sinh hoạt Đoàn vào ban ngày không được, anh chuyển sang tập hợp đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) vào các buổi tối cuối tuần. Đặc biệt, mỗi lần tổ chức họp lệ kỳ, anh luôn thiết kế nội dung phong phú, mới lạ, lồng ghép nội dung sinh hoạt chi đoàn với các chương trình văn hóa - văn nghệ, mời chi đoàn bạn đến giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trồng thanh long,...”. 

Điều mà nhiều cán bộ Đoàn trong và ngoài huyện đến học hỏi ở chi đoàn của anh là xây dựng được mô hình góp vốn xoay vòng với 15 thành viên, số tiền huy động gần 10 triệu đồng/tháng. Mô hình này được Chi đoàn ấp An Tập duy trì 6 năm qua và giúp được nhiều ĐVTN có điều kiện mua sắm trang thiết bị phục vụ sản xuất. Anh Linh chia sẻ: “Sở dĩ tôi quyết tâm xây dựng, duy trì mô hình này là vì trước đây, cũng nhờ nguồn vốn hỗ trợ từ các bạn ĐVTN trong xã, tôi mới có điều kiện làm ăn, cuộc sống dần được cải thiện”.

Trước đây, gia đình anh Linh rất khó khăn, làm đủ ngành nghề: Nuôi dê, trồng quế, đu đủ,... nhưng cuộc sống vẫn thiếu trước, hụt sau. Với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ cùng niềm đam mê khởi nghiệp, anh chuyển sang trồng thanh long ruột đỏ, cuộc sống trở nên khá giả. Hiện anh sản xuất 6.000m2 với 800 trụ thanh long ruột đỏ theo hướng VietGAP, thu lợi nhuận hơn 1 tỉ đồng/năm. Anh Linh nói: “Nghề trồng thanh long ruột đỏ học ở đâu, người ta cũng chỉ y vậy thôi. Bởi nó còn tùy thuộc điều kiện đất đai, khí hậu của từng vùng mà có cách trồng riêng. Tuy nhiên, muốn mang lại năng suất cao, đòi hỏi người trồng phải có niềm đam mê, chịu khó nghiên cứu kiến thức trong sách vở cộng với kinh nghiệm thực tiễn và mạnh dạn ứng dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất”.

Hiệp lực tỏa sáng

Những ngày cuối năm, ngôi nhà của anh Đinh Bạt Quy (SN 1990), ngụ ấp Thanh Ba, xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, lúc nào cũng đông khách. Đoàn viên, thanh niên, hội viên, nông dân trong và ngoài huyện đến thăm, chúc mừng và học tập kinh nghiệm trồng dưa lưới sạch của chàng trai 9X. Bên tách trà nóng, anh Quy kể: “Tôi sinh ra ở tỉnh Nghệ An nhưng vì quá đam mê nghề trồng dưa lưới nên tạm rời xa quê hương đến Long An với khát vọng được làm chủ, làm giàu,...”.

Dưa lưới ứng dụng công nghệ cao của anh Đinh Bạt Quy được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng

Đầu năm 2018, anh Quy quyết định khăn gói đến huyện Cần Giuộc thuê đất thực hiện ước mơ lập thân, lập nghiệp trong sự ngỡ ngàng của người thân, bạn bè. Anh Quy nói: “Sở dĩ tôi chọn xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc để khởi nghiệp vì vùng đất này khá nổi tiếng với nghề trồng rau màu, nhất là những nông sản ứng dụng công nghệ cao. Người trồng dưa lưới trên địa bàn theo kiểu truyền thống nhiều nhưng trồng theo công nghệ hướng sạch Israel thì rất hiếm. Tôi sản xuất sau nên phải cố gắng tạo ra những sản phẩm mới lạ, độc quyền”.

Với số tiền tích lũy sau 5 năm làm việc tại Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), anh vay thêm bạn bè được hơn 400 triệu đồng xây dựng nhà lưới, hệ thống tưới nước tự động, trồng dưa lưới TL3 có xuất xứ từ Thái Lan. Với 1.000m2 ứng dụng công nghệ Israel, sau 65 ngày chăm sóc, dưa của anh cho năng suất 3 tấn, bán với giá trung bình 45.000 đồng/kg, thu lãi hơn 150 triệu đồng.
Nhận thấy trồng dưa lưới sạch cho năng suất cao, bảo đảm an toàn về chất lượng, không lo đầu ra, tháng 5-2018, anh Quy liên kết thêm 6 TN thành lập Hợp tác xã (HTX) Tâm Nông Việt, với diện tích 0,5ha, vốn điều lệ 1 tỉ đồng, do anh làm giám đốc. Anh Quy cho biết: “Dù vốn đầu tư ban đầu theo mô hình tương đối cao nhưng bù lại, dưa cho năng suất, chất lượng trái tốt nên chỉ cần 4 vụ/năm dưa trúng mùa, được giá, người trồng có thể thu hồi vốn, thậm chí có lãi”. 

Tháng 11/2018, dưa lưới của anh được Viện Chất lượng Việt Nam phù hợp tiêu chuẩn tặng Huy chương Vàng sản phẩm, thương hiệu chất lượng cao. Tâm Nông Việt hiện là HTX TN đầu tiên của tỉnh ứng dụng công nghệ cao, một trong những mô hình khởi nghiệp hay của tuổi trẻ tỉnh nhà. Qua đó, không chỉ góp phần mở ra hướng đi mới cho nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, bền vững mà còn tham gia giải quyết việc làm cho lao động địa phương. “Trong khởi nghiệp, đại học không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công. Dù sinh ra và lớn lên ở đâu, bạn cũng có thể làm giàu bằng chính ước mơ và nghị lực của mình, phải biết nắm bắt những cơ hội dù là nhỏ nhất” - anh Quy chia sẻ.

Có thể nói, TN muốn thành công, trước hết phải có khát vọng, dám nghĩ, dám làm, có sự quyết tâm cao. Câu chuyện khởi nghiệp của anh Phan Châu Linh, Đinh Bạt Quy đại diện cho giới trẻ Long An hiện nay ngày càng năng động, sáng tạo, biết tìm ra con đường đi mới và tự khẳng định mình trên bước đường lập thân, lập nghiệp./.

Cầu Tre

Chia sẻ bài viết