Cơ sở nào khẳng định không có đăng kiểm, không an toàn?
Vừa qua, TAND TP HCM đã ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung lần 2 đối với vụ án chìm ca nô ở huyện Cần Giờ, TP HCM xảy ra vào tháng 8/2013.
Theo quyết định số 176/2015/HSST-QĐ của TAND TP HCM, cơ quan này yêu cầu Viện kiểm sát cùng cấp làm rõ một số vấn đề.
Cáo trạng truy tố hai bị can Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết tội “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn” thì cần phải trưng cầu giám định và có kết luận giám định ca nô ký hiệu BP 12-04-02 (do ông Phạm Duy Phúc điều khiển) không đảm bảo an toàn khi đưa vào sử dụng.
Trước đó, Công văn số 637/CV-P1A ngày 26/5/2015 của Viện kiểm sát Nhân dân TP HCM trả lời quyết định trả hồ sơ lần 1 của TAND TP HCM nêu: “Ca nô BP 12-04-02 được Công ty Việt Séc đóng mới và bán cho Biên phòng Bà Rịa – Vũng Tàu khi chưa được Cục Đăng kiểm Việt Nam cho phép đăng kiểm, rõ ràng là không đảm bảo an toàn khi đưa vào sử dụng”.
Theo TAND TP HCM, để khẳng định quan điểm: “Không được Cục Đăng kiểm Việt Nam cho phép đăng kiểm là không đảm bảo an toàn” thì VKS phải giải thích vì sao không công nhận kết quả của Phòng Đăng kiểm Hải quân - Bộ Tư lệnh Hải quân đăng kiểm và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật cho ca nô BP 12-04-02 vào ngày 16/7/2013.
Tòa án đặt vấn đề, nếu VKS khẳng định “ca nô BP 12-04-02 khi chưa được Cục Đăng kiểm Việt Nam cho phép đăng kiểm, rõ ràng là không đảm bảo an toàn khi đưa vào sử dụng” thì VKS vận dụng quy phạm pháp luật để đưa ra lý lẽ trên.
Ca nô, thuyền buồm đóng bằng vật liệu mới PPC đã được Đăng kiểm Việt Nam chứng nhận
|
Kết luận vụ án và nguyên nhân tai nạn không logic
Trong công văn trả hồ sơ lần thứ hai của TAND TP HCM, đơn vị này tiếp tục nêu, cáo trạng của VKS viện dẫn báo cáo điều tra của Cục Hàng hải Việt Nam – Bộ GTVT để kết luận nguyên nhân gây ra vụ tai nạn như: Sử dụng ca nô sai mục đích, ca nô chở số người gấp 2,5 lần cho phép, ca nô hành trình trong vùng có cấp sóng vượt quá giới hạn cho phép, người điều khiển ca nô đã điều động ca nô chưa phù hợp với tình huống thực tế, người điều khiển ca nô không có chứng chỉ chuyên môn lái phương tiện thủy loại 2 tốc độ cao, ca nô rời cầu bến không được công bố cho việc đón, trả khách (phía Tiền Giang).
Với nguyên nhân dựa trên kết luận của Cục Hàng hải Việt Nam, theo tòa án, VKS dựa vào tiêu chí nào để kết luận nguyên nhân tai nạn như trên.
Còn ông Phạm Văn Phúc điều khiển ca nô bị nạn, tòa xác nhận trong hồ sơ vụ án, tài công có bằng lái tàu.
Ngoài ra, tòa cũng yêu cầu VKS làm rõ khi đưa nguyên nhân: Việc rời cầu bến không thông báo liên quan như thế nào đến nguyên nhân vụ chìm ca nô ở huyện Cần Giờ.
Viện kiểm sát đang lúng túng trong lý lẽ truy tố
Liên quan đến vụ án, ngày 25/6/2015 vừa qua, Cục Đăng kiểm Việt Nam – Bộ GTVT đã có Công văn số 2411/ĐKVN-TB về việc sản xuất và đăng kiểm tàu thuyền bằng vật liệu Polypropylen Copolymer (PPC).
Theo đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam khẳng định, phương tiện BP 12-04-02 do Công ty Cổ phần Việt Séc sản xuất và đơn vị sử dụng là cơ quan cửa khẩu Biên phòng Bà Rịa – Vũng Tàu, việc đăng kiểm này thuộc quy định của Bộ Quốc phòng.
Thực tế phương tiện này đã được Phòng Đăng kiểm Hải quân thực hiện đăng kiểm và cấp giấy chứng nhận để đưa vào sử dụng, Cục Đăng kiểm Việt Nam không có thẩm quyền.
Văn bản của Cục Đăng kiểm Việt Nam được gửi đến Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Séc mà còn được gửi đến Công an TP HCM, Viện Kiểm sát Nhân dân TP HCM, TAND TP HCM.
Vụ án chìm ca nô BP 12-04-02 xảy ra ở huyện Cần Giờ, TP HCM vào tháng 8/2013 khiến 9 người tử nạn.
Do ông Phạm Duy Phúc- tài công điều khiển ca nô tử nạn nên cơ quan điều tra không khởi tố tội Vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường thủy.
Tuy nhiên, người sản xuất ca nô là ông Vũ Văn Đảo và giám đốc Công ty Vũng Tàu Maria Vũ Văn Quyết bị cơ quan điều tra khởi tố tội: Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn theo điều 214 Bộ luật hình sự.
Ngay sau đó, ông Đảo kêu oan. Vụ việc được các chuyên gia pháp lý, các cá nhân tổ chức lên tiếng cho rằng cần xem xét thận trọng, tránh oan sai.
Cuối tháng 4 vừa qua, TAND TP HCM đã ra quyết định trả hồ sơ yêu cầu làm rõ kết luận giám định ca nô BP 12-04-02 để chứng minh việc không đảm bảo an toàn. Đồng thời làm r việc nguyên nhân vụ tai nạn như cáo trạng truy tố nêu không liên quan đến việc truy tố theo điều 214 Bộ luật hình sự.
Tuy nhiên, VKS Nhân dân TP HCM sau đó có công văn trả lời, việc chưa được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp đăng kiểm chứng tỏ không đảm bảo an toàn.
Công văn của VKS chưa trả lời đúng trọng tâm của TAND TP HCM yêu cầu có giám định về sự an toàn của ca nô trong thời điểm gây tai nạn.
Đồng thời nếu dựa trên việc ca nô không được đăng kiểm Việt Nam cấp đăng kiểm thì VKS phải bác bỏ Đăng kiểm Hải quân đối với ca nô BP 12-04-02 là không có giá trị pháp lý. Bởi vậy, TAND TP HCM quyết định trả hồ sơ lần thứ 2.
Việc Tòa án nhân dân TP.HCM lần thứ hai trả lại hồ sơ vụ án cho thấy các luận cứ buộc tội của Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM thực sự không thuyết phục.
Vụ án này lại thêm dây dưa kéo dài, gây ảnh hưởng không tốt trong dư luận. Bản thân ông Vũ Văn Đảo đã liên tục kêu oan và cương quyết không nhận tội kể từ khi bị bắt cũng như trong thời gian dài bị tam giam.
Thông tin về vụ việc này sẽ tiếp tục được cập nhật./.