Tiếng Việt | English

28/01/2020 - 08:55

Tình yêu, hạnh phúc vẫn “nở hoa” bên dòng Cái Cỏ

Cách đây 5 năm, Báo Long An đăng bài viết về câu chuyện anh kỹ sư trẻ bỏ phố về chốn heo hút ở xã biên giới Hưng Điền, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An cưới cô gái bị bại liệt chân. Kể từ đó, chàng trai trẻ quyết định ở lại vùng đất này lập nghiệp, chăm vợ và mẹ vợ bị mù lòa. Đến nay, tình yêu đó vẫn bền chặt và hạnh phúc được nhân lên khi vợ chồng đã sinh được một bé gái kháu khỉnh, khỏe mạnh.

Câu chuyện tình yêu của anh kỹ sư phố thị và cô gái tật nguyền cứ thế, chưa bao giờ cũ, được nhiều người cảm phục, kể cho nhau nghe. Hạnh phúc của cặp đôi được lan truyền như một câu chuyện tình yêu cổ tích giữa đời thường.

Yêu là không tính toán

Từ một cô gái trẻ trung, xinh xắn với nhiều ước mơ của tuổi mới lớn, bỗng dưng năm 2006, chị Nguyễn Thị Tuyết Mai, ngụ ấp biên giới Cây Me, xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng, bị liệt cả hai chân do ảnh hưởng của căn bệnh xuất huyết tủy. Bà Tám - mẹ của chị đã già và cũng bị mù cả hai mắt nhiều năm trước. Ngày ngày, hai mẹ con tật nguyền nương tựa vào nhau, sinh sống trong túp lều dựng tạm trên đất của một người quen sát bên dòng kênh Cái Cỏ - nơi phân định đường biên giới Việt Nam và Campuchia. 

Thương hoàn cảnh éo le của 2 mẹ con tật nguyền, thỉnh thoảng, hàng xóm đến giúp đỡ, cho ít gạo, rau để sống lay lắt qua ngày. Cứ thế, cuộc sống của hai mẹ con trôi qua trong nghèo khó và vô vọng cho đến năm 2009, khi đó Mai tròn 22 tuổi. 

Cách đó cả trăm cây số, anh Nguyễn Văn Đặng (cùng tuổi với Mai), ngụ quận Tân Bình, TP.HCM, đang là kỹ sư trẻ làm việc cho một công ty ở tỉnh Bình Dương với mức lương cả chục triệu đồng mỗi tháng, nghe được hoàn cảnh của Mai qua lời kể của một người bạn. Thế rồi, anh quyết định đến Hưng Điền thăm Mai, sau nhiều lần như thế, hai người càng có sự đồng cảm, rồi tình cảm cũng nảy nở. 

Câu chuyện tình yêu, hạnh phúc tựa cổ tích của Đặng và Mai làm nhiều người nể phục

Một ngày cuối năm 2009, anh Đặng về nhà xin phép bà nội ở thành phố cho cưới Mai làm vợ. Nghe hết câu chuyện, lại biết tâm tính thằng cháu nên bà không cản mà chỉ nhắc “đã thương thì thương cho trót, chứ đừng bỏ giữa chừng làm khổ người ta là có tội”. Mấy ngày sau, anh xuống gặp bà Tám xin hỏi cưới Mai. Nhân ngày giỗ của ba Mai vào đầu năm 2010, gia đình làm mâm cơm và kính báo với tổ tiên, ông bà cho đôi trẻ thành vợ, thành chồng. Khi nghe tin anh kỹ sư đẹp trai, cao 1m8, sống ở thành phố về đây lấy Mai làm vợ, ai cũng bất ngờ.

Sau ngày cưới, anh quyết định bỏ việc thu nhập cao ở thành phố, về sống hẳn tại ấp Cây Me để chăm sóc người vợ tật nguyền và mẹ vợ mù lòa. Tổ ấm của 3 người vẫn là túp lều nhỏ ngày nào bên sông Cái Cỏ, tuy nhiên đã có bàn tay anh Đặng lợp, sửa lại, không còn dột nát như trước. Dù cả hai đã nên duyên vợ chồng nhưng thời gian đầu, vì không tin trên đời có người như thế nên có lúc, Đặng bị nghi ngờ là tội phạm trốn về vùng biên giới này để ở ẩn. Thế nhưng chuyện này cũng được xóa bỏ khi ngành chức năng xác minh rõ lai lịch của anh là hoàn toàn trong sáng. 

Hạnh phúc nhân đôi

Đã thành vợ chồng nhưng thời gian đầu, nhiều người cũng nghi ngại, sợ anh sẽ “dứt áo ra đi”, để lại nỗi đau cho cô gái trẻ. Nhưng qua thời gian, chàng rể phố vẫn ngày ngày hết mực chăm sóc vợ, mẹ già của vợ. Để giờ đây, nói đến anh Đặng thì hàng xóm láng giềng đều tấm tắc khen “thằng Đặng sống rất tử tế, tốt bụng, hết mực yêu thương vợ, có hiếu với mẹ già. Ở gần nhưng chưa bao giờ nghe thằng Đặng nặng lời với vợ, mẹ vợ. Đúng là gia đình này có phước lắm mới có được thằng rể như Đặng!”.

Từ một kỹ sư ở chốn thành thị nhưng về với vùng biên giới Hưng Điền, anh Đặng trở thành nông dân chính hiệu, làn da đen nhẻm vì cái nắng cháy ở miền biên ải. Ngoài nuôi bò, anh còn trở thành “thợ đụng” khi nào không hay bởi cái gì cũng làm được. Từ bắt cá, bắt ếch, làm thuê, anh làm còn giỏi hơn cả dân bản xứ. “Làm gì hợp pháp để có tiền trang trải chi phí sinh hoạt của gia đình, thuốc thang trị bệnh cho vợ và mẹ vợ là mình không ngần ngại” - anh nói.

Chuyện tình yêu tựa như cổ tích, cảm động của đôi vợ chồng được lan truyền xa. Năm 2014, một mạnh thường quân biết được đã tìm đến nơi và quyết định xây tặng gia đình một ngôi nhà nhỏ 40m2, sau khi người hàng xóm tốt bụng ở địa phương cho hẳn thửa đất. Ngày vào ở nhà mới, đông đảo hàng xóm láng giềng, chính quyền địa phương đến chung vui. Có người cho vợ chồng gạo, người tặng bộ tách trà, cái quạt điện nên ngôi nhà cũng bớt trống trải. Cứ thế, cuộc sống của gia đình cũng ổn hơn, không phải sợ mưa tạt, gió lùa như trước. Tiếng cười hạnh phúc vẫn luôn hiện hữu trong căn nhà nhỏ ở miền biên viễn. 

Khi đến với nhau, cả hai đã nghĩ rằng, sẽ chẳng bao giờ có con. Thế nhưng, niềm hạnh phúc vỡ òa, nhân lên khi cả hai đã được làm cha, làm mẹ. Ngày bé Nguyễn Thị Tuyết Nhung ra đời, chị Mai khóc hết nước mắt vì vui mừng khi ẵm đứa con trắng trẻo trên tay, bởi chưa bao giờ nghĩ bản thân tật nguyền như thế lại có thể sinh con.

“Ngày anh đến cưới người tật nguyền như tôi làm vợ, tôi đã nghĩ cuộc sống này thật tuyệt vời. Và ngày nhìn thấy con gái do mình sinh ra, tôi lại tin, cuộc đời này có phép màu. Ngày ngày, thấy con lớn lên khỏe mạnh mà vợ chồng tôi như quên hết những khó khăn, gian khổ” - chị Mai thủ thỉ nói, ánh mắt hiện lên niềm hạnh phúc vô bờ.

Mới đó mà tết này, bé Nhung tròn 2 tuổi, biết đi lững chững, cười khúc khích, miệng bập bẹ gọi cha, mẹ. Anh Đặng nói rằng: “Từ ngày làm cha, mình càng phải cố gắng làm lụng kiếm tiền lo cho gia đình, mua sữa cho con”. Nhưng con cá, con tôm ngày càng khan hiếm, cạn kiệt dần theo mỗi con nước, trong khi việc làm thêm cũng ít. Để tính kế làm ăn lâu dài, ổn định hơn, mấy tháng trước, vợ chồng quyết định bán cặp bò. Số tiền có được, anh trả hết nợ cho hàng xóm. Còn dư hơn 15 triệu đồng, anh mua chiếc xe lôi máy ba bánh cũ về sửa lại để chở bò thuê cho các trại bò mới mở trong vùng. Nhưng khi sử dụng, anh mới biết thùng hàn quá nhỏ nên chỉ chở được bò con chứ không chở được bò lớn. Vậy là, anh lại phải bán chiếc xe cho người khác, lỗ mất 3 triệu đồng. 
Đang phân vân chưa biết làm gì để lo cho gia đình, cách đây hơn 2 tháng, anh được một người chú quen ở TP.HCM gọi lên chạy xe ba gác chở hàng thuê. Dù không an tâm nhưng khi suy nghĩ cặn kẽ, anh quyết định tạm thời xa vợ, con, mẹ già để lên thành phố một thời gian làm mướn kiếm tiền trang trải sinh hoạt gia đình. Từ việc chạy xe ba gác, mỗi ngày, anh kiếm được vài trăm ngàn đồng. Mỗi tháng, anh đều bắt xe đò về thăm nhà và đưa tiền cho vợ trang trải cuộc sống.

Đã 10 năm tròn anh về làm chồng cô gái tật nguyền ở miền biên viễn còn nhiều khó khăn, cuộc sống gia đình cũng còn nhiều vất vả, gian khổ nhưng tình yêu, sự thủy chung vẫn bền chặt như ngày nào. Tết sắp đến gần, trò chuyện với chúng tôi, anh cười và bảo: “Tôi chỉ mong có thật nhiều sức khỏe để lo cho vợ con, mẹ già”. Hạnh phúc ấy qua thời gian như đang khẳng định, minh chứng cho câu nói “Một túp lều tranh, hai quả tim vàng”, thậm chí trường hợp này còn hơn thế nữa, nhiều người đã gọi đó là câu chuyện cổ tích tình yêu có thật./.

"Vợ chồng Đặng, Mai những năm qua vẫn sống rất hạnh phúc. Đặng siêng năng lao động, chăm lo cho gia đình, yêu thương vợ con, có hiếu với mẹ vợ. Dù cuộc sống đỡ hơn trước nhưng nhìn chung còn khó khăn nên chúng tôi vẫn thường xuyên quan tâm, giúp đỡ, động viên gia đình. Tết này, có người vừa gửi một phần quà nhờ chúng tôi chuyển đến cho gia đình Đặng”.

Chủ tịch UBND xã Hưng Điền - Trương Đông Hồ

Lê Đức

Chia sẻ bài viết