Tiếng Việt | English

03/07/2019 - 22:50

Tình trạng thừa cân béo phì ở học sinh tiểu học chiếm tỷ lệ cao

Kết quả của nghiên cứu cho thấy tình trạng thừa cân béo phì ở học sinh tiểu học chiếm tỷ lệ cao (29%), học sinh trung học cơ sở là 19%, học sinh trung học phổ thông là 9,5%.

Các em học sinh hào hứng tham gia chương trình Lễ phát động Ngày vi chất dinh dưỡng năm 2019. (Nguồn: Vietnam+)
Hiện nay, Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng kép về tình trạng dinh dưỡng của trẻ em, đó là tỷ lệ trẻ em thừa cân béo phì đang gia tăng nhanh và đáng lo ngại, bên cạnh đó tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm chậm.

Đáng lưu ý, học sinh chiếm 1/4 dân số của cả nước. Vì vậy, để cải thiện tầm vóc của người Việt cần có chiến lược, định hướng để tăng cường vận động, theo dõi chăm sóc thay đổi khẩu phần ăn cho học sinh hợp lý.

Phó giáo sư Trương Tuyết Mai - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã nhấn mạnh như vậy khi phát biểu tại Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu về “Tình trạng dinh dưỡng, khẩu phần ăn, tần suất và thói quen tiêu thụ thực phẩm của học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông ở một số tỉnh thành Việt Nam, diễn ra sáng 03/7, tại Hà Nội.

Tại hội thảo, đại diện Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã công bố kết quả nghiên cứu về Tình trạng dinh dưỡng, khẩu phần, tần suất và thói quen tiêu thụ thực phẩm của học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông ở một số tỉnh thành Việt Nam.

Phó giáo sư Trần Thúy Nga - Trưởng Khoa nghiên cứu Vi chất dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, nghiên cứu trên được tiến hành tại 25 xã phường (75 trường) thuộc 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Nghệ An, Sóc Trăng, trong thời gian từ 2017 đến 2018. Số lượng mẫu điều tra gồm hơn 5.000 học sinh, gồm học sinh tiểu học, học sinh trung học cơ sở, học sinh phổ thông trung học.

Phó giáo sư Trương Tuyết Mai – Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Kết quả của nghiên cứu cho thấy, tình trạng thừa cân béo phì ở học sinh tiểu học chiếm tỷ lệ cao hơn các cấp học khác. Cụ thể, tỷ lệ thừa cân béo phì ở học sinh tiểu học là 29%, học sinh trung học cơ sở là 19%, học sinh trung học phổ thông là 9,5%.

Về tình trạng dinh dưỡng ở thể thấp còi của học sinh thì tỷ lệ trẻ thấp còi chiếm tỷ lệ cao nhất là học sinh trung học sơ sở, chiếm 13%; tiếp đến là học sinh trung học phổ thông, chiếm 12% và tỷ lệ học sinh tiểu học thấp còi là 7,5%.

Kết luận được nhóm nghiên cứu đưa ra cho thấy, có sự tồn tại đồng thời cả hai vấn đề suy dinh dưỡng và thừa cân béo phì ở trẻ em, khác biệt theo vùng, với tỷ lệ suy dinh dưỡng cao ở vùng nông thôn và thừa cân béo phì tập trung chủ yếu ở vùng thành thị. Tỷ lệ thừa cân béo phì cao nhất ở trẻ tiểu học và thấp nhất ở học sinh trung học phổ thông.

Đặc biệt, khẩu phần ăn của học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông chưa đạt so với ngưỡng chung khuyến nghị về năng lượng, chưa đáp ứng ngưỡng khuyến nghị về khẩu phần canxi, sắt, kẽm, vitamin A, vitamin nhóm B, vitamin C. Khẩu phần ăn của học sinh tiểu học cao hơn nhu cầu khuyến nghị về năng lượng và protein.

Các yếu tố chế độ ăn uống và sinh hoạt liên quan đến thừa cân béo phì bao gồm thời gian ngồi màn hình, sử dụng đồ uống có đường… làm tăng nguy cơ thừa cân béo phì.

Phó giáo sư Trần Thúy Nga - Trưởng Khoa nghiên cứu Vi chất dinh dưỡng phân tích, suy dinh dưỡng và thừa cân béo phì đan xen là cửa ngõ của nhiều bệnh mạn tính có liên quan đến dinh dưỡng như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh mạch vành và một số bệnh ung thư.

Nghiên cứu đưa ra khuyến nghị cần định hướng các chương trình can thiệp phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em ở vùng nông thôn và phòng chống thừa cân béo phì cho trẻ em, đặc biệt ở khu vực thành thị. Vì vậy, chế độ ăn của trẻ cần tăng cường sử dụng rau quả, chất xơ, sử dụng các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng hoặc thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng để nâng cao chất lượng bữa ăn. Đối với trẻ suy dinh dưỡng cấp cần cho trẻ sử dụng thực phẩm có đậm độ năng lượng cao theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới.

Phó giáo sư Nga nhấn mạnh, cần tăng cường truyền thông giáo dục tại nhà trường về chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng cân đối, hợp lý phòng chống thừa cân béo phì trong đó giảm tiêu thụ đường tinh chế, sử dụng hợp lý nguồn thực phẩm giàu chất đạm, kiểm soát cân nặng, tăng cường hoạt động thể lực, giảm thời gian hoạt động tĩnh cho trẻ em cả ở trường và ở nhà./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết