Tiếng Việt | English

13/02/2021 - 14:06

Tình hình COVID-19 ngày 13/2: Hơn 80,8 triệu người khỏi bệnh

Trong 24 giờ qua, toàn thế giới ghi nhận 421.809 ca nhiễm mới, trong đó Mỹ đông nhất với 100.288 ca, và Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19.

Tiêm vắcxin ngừa COVID-19 cho người dân tại bang Ohio, Mỹ ngày 10/2. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 9 giờ sáng 13/2, toàn thế giới ghi nhận 108.712.368 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 2.392.588 người đã tử vong do bệnh này.

Số người phục hồi hiện là 80.871.351 ca, trong khi còn 25.448.429 ca vẫn dương tính với virus, bao gồm 0,4% các ca bệnh COVID-19 cần điều trị tích cực.

Trong 24 giờ qua, toàn thế giới ghi nhận 421.809 ca nhiễm mới, trong đó Mỹ đông nhất với 100.288 ca. Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, với hơn 28,1 triệu ca nhiễm, trong đó có 492.521 trường hợp tử vong.

Tại châu Âu, dịch bệnh COVID-19 tiếp tục lây lan dù các nước trong khu vực đẩy mạnh chương trình tiêm chủng.

Trong 24 giờ qua, toàn châu lục này có thêm 143.436 ca nhiễm mới và 4.358 người tử vong. Anh ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất châu lục này (758 ca), tiếp sau là Tây Ban Nha (530 ca), Đức (523 ca).

Tại châu Á, Ấn Độ là nước chịu ảnh hưởng nặng nề thứ hai trên thế giới và lớn nhất châu lục, với tổng số ca nhiễm là 10.892.550 ca. Trong 24 giờ qua, Ấn Độ cũng ghi nhận số ca nhiễm cao nhất 12.137 ca, tiếp sau là Indonesia (9.869 ca), Thổ Nhĩ Kỳ (7.763 ca), Iran (7.298 ca).

Tại Nam Mỹ, với 49.396 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, Brazil tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất tại khu vực. Brazil cũng là nước có tổng số ca nhiễm đứng đầu châu lục (9,76 triệu ca).

Tại châu Phi, quốc gia có số ca nhiễm COVID-19 cao nhất châu lục là Nam Phi ghi nhận 2.781 ca nhiễm mới, đưa tổng số ca dương tính tại nước này lên 1.487.681 ca.

Châu Đại dương trong 24 giờ qua ghi nhận 20 ca nhiễm mới, trong đó số ca nhiễm mới tại Australia là 10 ca.

Trong một tuyên bố, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định mọi giả thuyết đều vẫn để ngỏ trong cuộc điều tra của cơ quan này về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2.

Trước đó, ngày 9/2, phái đoàn gồm các chuyên gia của WHO và Trung Quốc đang điều tra nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 gây dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Vũ Hán, thông báo không có dấu hiệu cho thấy virus này xuất hiện ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc trước tháng 12/2019, khi ca nhiễm đầu tiên được chính thức ghi nhận.

Nhóm chuyên gia của WHO đến Vũ Hán ngày 14/1 và thực hiện cuộc điều tra kéo dài nhiều tuần. WHO nêu rõ chuyến công tác này thuần túy là về khoa học để làm rõ cách thức lây nhiễm của virus SARS-CoV-2. Các nhà khoa học của WHO đã tiến hành nghiên cứu chung với các nhà khoa học Trung Quốc về nguồn gốc virus.

Trong quá trình điều tra, phái đoàn chuyên gia đã tới Viện virus ở thành phố Vũ Hán, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh động vật ở Vũ Hán, Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) Hồ Bắc, đến thăm các bệnh viện phát hiện ca mắc COVID-19 đầu tiên, cũng như các khu chợ và triển lãm về cuộc chiến chống dịch tại thành phố Vũ Hán.

Virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch COVID-19 lần đầu tiên được phát hiện vào cuối năm 2019. Các nhà khoa học ban đầu cho rằng virus lây từ động vật sang người tại chợ hải sản Hoa Nam ở thành phố Vũ Hán.

Tuy nhiên, các chuyên gia hiện nay cho rằng có thể chợ này không phải nơi phát sinh dịch bệnh, nhưng là nơi virus phát tán.

Tháng 2/2020, các nhà khoa học Trung Quốc khẳng định dịch COVID-19 không bắt nguồn từ chợ hải sản Hoa Nam mà là do một "bệnh nhân số 0" đã mang virus tới đây, sau đó khu chợ đông đúc với điều kiện vệ sinh kém này đã trở thành môi trường thuận lợi để virus SARS-CoV-2 lây lan trong cộng đồng./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết