Tiếng Việt | English

01/10/2021 - 10:55

Tình ca bếp củi

1. Kể ra, thời công nghiệp 4.0, nhà nào cũng có bếp gas, bếp điện với kiểu dáng ngày càng gọn, đẹp, hiện đại và tiện dụng hơn; chỉ bấm nút hay bật công tắc là nấu nướng được. Vậy mà đem chuyện bếp củi gắn liền với cái ống thổi lửa, có lỗi thời chăng? Bởi vì, ai cũng biết bếp củi phải mất công nhen lửa, lửa lại bốc khói đen cay mắt, sờ đâu cũng vấy lọ nghẹ tùm lum. Với thị dân, nhà nào cũng tường xây quét vôi và cửa kính sạch bóng, gặp bếp củi là ám khói đen sì.

Chỉ ở nông thôn còn dùng bếp củi để khỏi tốn tiền gas, tiền điện. Nhất là những ngày phải giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, không đi ra khỏi nhà, thu nhập không có thì tiết kiệm được gì hay nấy. Và bếp củi là một lựa chọn hợp lý khi nhà tôi ở ngoại ô, có đất trồng cây to, tỉa nhánh làm củi nấu nướng không hết. Có củi hoàn toàn miễn phí, vợ tôi tha hồ làm các loại bánh nếp và nấu bằng nồi áp suất, chỉ sau 15 phút đỏ lửa là có bánh chín để ăn.

2. Tôi đã đi xe du lịch trên đường Hồ Chí Minh băng qua điệp trùng núi non đại ngàn Trường Sơn, thấy hai bên đường nhựa lớn ấy nổi lên các buôn làng người Cơ Tu. Tìm hiểu, tôi biết trước kia người Cơ Tu sống sâu trong rừng Trường Sơn hoang dã, nay họ ra đây “đổi đời” nhưng vẫn giữ nét làng truyền thống: Mỗi nhà sàn tre nứa đều có một không gian bếp củi với cái kiềng sắt ba chân đặt vào cái thau nhôm. Đây là không gian sinh hoạt đầm ấm cho cả nhà. Đi đâu về, ai trong nhà cũng ngồi quây quần quanh cái bếp ấy, để sưởi ấm sự sum vầy của cả gia đình.

Trước kia, họ cất nhà sàn dài, trên sàn, tùy theo nhà đông hay ít người mà đặt nhiều hay ít bếp củi để sinh hoạt. Nay tách hộ, vẫn kiểu nhà sàn ấy nhưng ngắn hơn mà vẫn có không gian bếp. Bên trên bếp, họ treo lỉnh kỉnh những xương đầu thú rừng săn bắt được, và những vật dụng đan bằng mây, tre, nứa, càng ám khói càng bền chắc hơn. Đêm, mọi người ngồi túm tụm quanh bếp củi cháy, cùng kể cho nhau nghe đủ chuyện hoặc đem nhạc cụ ra chơi những bài bản đặc sắc của dân tộc Cơ Tu.

Mỗi bếp lửa đều có cái giàn khói, trên giàn khói chất các loại đồ dùng bằng tre như nia, trẹt, gùi, rổ rá, thúng mủng,... và thịt thú rừng hoặc cá suối, cá sông, đều nướng chín, kết từng xâu treo hun khói, vừa không bị thiu lại cho mùi thơm, giữ được lâu, đợi có khách quý là đem ra thết đãi với ché rượu cần. Bếp củi ấy không bao giờ tắt; nó như linh hồn của mỗi ngôi nhà Cơ Tu “văn minh bếp củi” mà giữ được lửa cho mỗi trái tim gắn kết yêu thương, nghĩa tình gia đạo và cộng đồng bản làng...

3. Bài thơ Tên đất nước trở thành tên chiến thắng của thi sĩ Xuân Diệu, có câu: Thấy cha đang còn khom mình cuốc vỡ/ Thấy mẹ đang còn phồng mồm thổi lửa… - hình ảnh gia đình thuở khai hoang mở đất phương Nam. “Mẹ phồng mồm thổi lửa” mà là lửa rơm dễ bị tắt, phải nhắm mắt phồng mang dồn hết hơi vào buồng phổi mà thổi qua ống thổi lửa. Nhà thơ Kiên Giang có bài thơ Ống thổi lửa đã được nhạc sĩ Tiến Luân phổ nhạc. Khi tặng tôi bản thảo bài thơ này, ông nói, có lần ông hỏi lũ trẻ ở Sài Gòn có biết ống thổi lửa không? thì đứa nào cũng lắc đầu. “Lũ trẻ bây giờ cho đó là thứ quê mùa, ai còn xài nữa đâu mà nhớ!” - ông ngao ngán nói. Ống thổi lửa xưa là một lóng tre dài chừng hai gang tay. Có thể thay lóng tre bằng ống nhựa hay ống thép, ống nhôm.

Dẫu biết thời công nghiệp 4.0 hiện đại, cũng đừng quên thời khẩn hoang của bao thế hệ trước. Bài thơ Ống thổi lửa, Kiên Giang viết về người mẹ của ông: Hơi thở mẹ nhen nùi rơm con cúi/ Thuở cha con còn trốn thuế thân/ Mẹ thổi lửa, nén hơi thành bão gió/ Đời có nghe hơi thở mẹ tảo tần/ Khi con ngủ mẹ ngồi un củi mục/ Tiếng vạc sành hòa nhạc sóng lúa reo/ Mẹ thổi lửa hết hơi, ngồi thở dốc/ Nhạc ống tre theo gió gợn ao bèo/ Ống thổi lửa nay khuyết mòn, cháy sém/ Anh em ngồi nhóm bếp trước thềm xuân/ Hơi thở mẹ vì cuộc đời bốc cháy/ Thắp sáng đời con trọn kiếp tảo tần. Kiên Giang tha thiết hoài niệm: “Ống thổi lửa dù đã lùi vào đáy sâu quá khứ, nhưng tôi vẫn muốn mượn hình ảnh mẹ tôi (dù đã mịt mù ở thế giới bên kia) để vớt lên một giá trị trầm tích quá lâu và bị đời nay quên lãng.

Và cũng từ ống thổi lửa và bếp củi đó đã cho tôi những bữa cơm rau, cá đầy mâm, cho tôi nên vai nên vóc từ tuổi ấu thơ cho tới bạc phơ mái tóc... Đã bao chục năm trôi qua, cái tiếng thổi lửa pho pho khi ngắn khi dài, khi khoan thai khi hổn hển đứt hơi vì củi ướt, mãi mãi ám ảnh tâm thức nhà thơ đất phương Nam,.../.

Tản văn của QUANG HẢO

Chia sẻ bài viết