Những gì Nguyễn Trường Tộ để lại cho đất nước thì không bàn tới bởi bao công trình nghiên cứu, hội thảo khoa học, sách vở đã nói nhiều, bài viết chỉ đề cập về nơi ông đã sinh ra, lớn lên và yên nghỉ. Người dân trong làng vẫn lưu truyền câu chuyện quy hoạch này khi kể chuyện xưa ông đưa dân làng quê mẹ mình chuyển từ chỗ ở thấp lên chỗ cao ráo hơn. Những con đường được phân bố lại khoa học hơn. Một công trình xây dựng nổi tiếng khác của ông ở quê hương mình là khu vực Nhà Chung Xã Đoài (nằm ngay Tòa Giám mục Vinh bây giờ) bấy giờ theo kỹ thuật và kiến trúc Tây phương. Trong Sự tích ông Nguyễn Trường Tộ do con trai ông là Nguyễn Trường Cửu viết thì trong 3 năm cuối đời, ông chủ trì xây dựng cơ sở Nhà Chung Xã Đoài. Các dấu tích xưa tại đây đã không còn vì chiến tranh bom đạn, song các công trình dựng lại sau đó được truyền miệng rằng mang nhiều dáng dấp cũ. Có nhiều công trạng với quê hương nên sau khi mất, ông được nhiều người kính trọng và sau này dựng mộ như một bậc tiền hiền.
Thông tin về cuộc đời danh nhân Nguyễn Trường Tộ tại khu mộ của ông
Trên bia mộ ông ngày nay khắc rõ năm sinh, năm mất nhưng theo Linh mục Trương Bá Cần (Nguyễn Trường Tộ - Con người và di thảo, ấn hành năm 1988) thì “Hiện nay, chúng ta không có đủ tài liệu để xác định một cách chắc chắn về năm sinh của Nguyễn Trường Tộ. Nhưng nếu ông mất năm Tự Đức 24, tức năm 1871 và thọ 41 tuổi, thì năm sinh phải là 1830, chứ không thể 1828. Ngày mất và tuổi thọ của một con người thường được gia đình truyền đạt một cách chuẩn xác”. Và con trai ông đã xác nhận Nguyễn Trường Tộ mất khi 41 tuổi trong cuốn Sự tích ông Nguyễn Trường Tộ.
Theo nhiều ghi chép khi ly trần, ông được an táng tại bãi đá mài là một khu đất cách khu mộ bây giờ chừng 300m về phía Tây. Khu mộ của ông hiện cách nhà thờ Giáo họ Bùi Chu khoảng 1km. Phía trước lăng là bia đá ghi công do Ban Quản lý di tích Nghệ An lập dựng và toàn bộ diện tích lăng mộ nhỉnh hơn 1.000m2. Ban đầu, mộ thấp và có phần quá đơn sơ, cho đến năm 1943, Từ Ngọc tức Giáo sư Nguyễn Lân tổ chức kêu gọi các cá nhân và tổ chức góp công sức, tiền của để xây mộ, dựng bia cho danh nhân mới có phần bia đá bằng đá Thanh Hóa như hiện nay. Như vậy, mộ và bia đá này đã có hơn 70 năm qua. Ngày 21/01/1992, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích cấp Quốc gia; đến năm 1996, huyện Hưng Nguyên đầu tư kinh phí xây dựng, nâng cấp khu di tích. Công trình tưởng niệm danh nhân bắt đầu có hàng rào, vườn hoa, cây cảnh giản dị giữa khu dân cư thôn quê.
Hàng đầu tiên khắc trên bia mộ chính là tên và tên thánh: Phao-lô Nguyễn Trường Tộ đã rõ ràng về xuất thân của ông là một tín hữu Công giáo. Trên bia ghi năm sinh của ông vào năm Minh Mệnh IX (1828) và năm mất vào năm Tự Đức XXIV (1871). Tính theo bia đề Nguyễn Trường Tộ mất khi 43 tuổi. Tổng thể bia được làm bằng đá có dáng dấp của một bia cổ nhưng lại pha trộn nét đặc trưng kiến trúc của Thiên Chúa giáo khi có cây thập giá đặt trên chóp. Ngay dưới thập giá chạm trổ hình đầu rồng và hoa văn mây, nước, hoa lá. Theo lý giải từng nghe về phần mộ bia ông thì các chi tiết chạm trổ các hình hoa mai, hoa lựu, cây bút, cuốn thư và 4 con dơi theo văn hóa người xưa chính mang hàm ý đem phúc, lộc, để lại cho muôn đời con cháu. Trên mộ cũng chạm các câu đối bằng chữ Hán và Nôm. Trên tấm bia đặt dựng đứng ngay hai bên mặt bia có hai câu đối Nôm và hai bên thành bia cũng có đôi câu đối chữ Hán.
Phía trước và mặt bên của cột trụ bia có chạm 2 câu đối bằng chữ Hán và chữ Nôm ngợi ca tinh thần chí khí của một con người tài hoa, giàu lòng yêu nước:
Câu đối phía trước chữ Nôm:
Kính Chúa yêu người yên tạc dạ
Trung vua mến nước vốn ghi lòng.
Câu đối ở mặt bên chữ Hán:
Trung quân chính sách quang tiền sử
Ái quốc tinh thần khởi hậu nhân.
Hôm đến khu lăng mộ thắp nén hương cho người danh sĩ tài hoa cũng trùng thời điểm khu mộ đang được chỉnh trang, nâng cấp gần hoàn thiện. Trước đó, phần mộ đá nằm thấp sát mặt đất từ cuối năm ngoái được nâng lên cao, xây bậc tam cấp. Được biết, hàng năm, chính quyền địa phương vẫn đều đặn tổ chức lễ dâng hương tưởng nhớ ngày sinh của ông. Những người thân cuối cùng của Nguyễn Trường Tộ sống tại làng cũng được quan tâm thăm hỏi mỗi dịp này. Hiện nay, con cháu cụ Nguyễn Trường Tộ vẫn sinh sống trong làng Bùi Chu. Tính đến nay, cụ đã có cháu đời thứ 6./.
Tài sản vô giá mà Nguyễn Trường Tộ còn để lại cho hậu thế là 58 bản di thảo hầu hết là những kiến nghị gửi lên triều đình. Các kiến nghị của ông thuộc nhiều lĩnh vực: Giáo dục, văn hóa, kinh tế, quốc phòng, ngoại giao, tôn giáo, quan lại,... Quan điểm xuyên suốt của ông là cải cách giáo dục, bỏ hủ Nho, mở mang dân trí, đào tạo nhân tài, phát triển kinh tế, mở rộng bang giao, làm cho nước giàu mạnh, đánh đuổi ngoại xâm, giữ vững nền độc lập bền vững cho đất nước. Nhiều kiến nghị xuất sắc của ông đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Là một người Tây học, Nguyễn Trường Tộ đã có công trình đóng góp cho sự hình thành Sài Gòn xưa, đó là tu viện Saint Enfance của dòng Thánh Phaolo vẫn còn tồn tại cho đến hôm nay. |
Minh Hải