Tiếng Việt | English

26/10/2019 - 14:35

Tìm giải pháp để hạn chế các vi phạm trong xét xử án hình sự

Thông qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử án hình sự vẫn còn để xảy ra vi phạm, sai sót trong lập hồ sơ kiểm sát, áp dụng pháp luật, dẫn đến nhiều vụ bị kháng nghị, kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm, nhiều bản án sơ thẩm bị cải sửa, hủy án, điều tra, xét xử lại chiếm tỷ lệ cao. Do đó cần những giải pháp đồng bộ để hạn chế những vi phạm này.

Nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử án hình sự góp phần đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, không để xảy ra oan, sai

Vẫn còn những vi phạm

Theo Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Long An, thực hiện Chỉ thị số 01/CT-VKSTC, ngày 28/12/2018 của Viện trưởng VKSND Tối cao về công tác của ngành KSND năm 2019, trong đó chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm là nhiệm vụ xuyên suốt, quan trọng hàng đầu của ngành. Thời gian qua, VKSND tỉnh triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để thực hiện hiệu quả.

Thông qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử án hình sự từ đầu năm đến nay có thể nhận thấy, bên cạnh những kết quả đã đạt là đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, không để xảy ra oan, sai; quyền con người, quyền công dân được bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật thì vẫn còn để xảy ra vi phạm nhất định như sai sót trong lập hồ sơ kiểm sát, áp dụng pháp luật, dẫn đến nhiều vụ bị kháng nghị, kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm, nhiều bản án sơ thẩm bị cải sửa, hủy án, điều tra, xét xử lại chiếm tỷ lệ cao và chiếm 60,55% trên tổng số thụ lý do cấp sơ thẩm. Nguyên nhân dẫn đến những vi phạm này chủ yếu do quá trình thu thập không đầy đủ về nhân thân, lý lịch, các tình tiết làm căn cứ tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; nhiều vụ án, quá trình điều tra thu thập chứng cứ chưa đầy đủ, sai sót trong giám định tỷ lệ thương tật, định giá tài sản bị chiếm đoạt, định tội danh,… Việc cấp phúc thẩm cải sửa, hủy án đã kéo dài thời gian tiến hành tố tụng khiến niềm tin của công dân vào phán quyết của tòa án bị giảm.

Thống kê của VKSND tỉnh cho thấy, những sai sót trong thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử thường xảy ra ở một số dạng: Vi phạm việc không áp dụng hoặc áp dụng không đúng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (Điều 51 Bộ luật Hình sự); Vi phạm việc không áp dụng hoặc áp dụng không đúng các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự (Điều 52 Bộ luật Hình sự); áp dụng điểm, khoản của điều luật chưa đúng quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự. Đối với trường hợp bản án tuyên không đầy đủ hoặc tuyên thiếu điều luật, 6 tháng đầu năm 2019, có 24 bản án sơ thẩm cấp huyện vi phạm trong áp dụng khoản 3, Điều 329 Bộ luật Tố tụng Hình sự. Trong đó, có bản án tuyên tiếp tục tạm giam bị cáo nhưng không nêu tạm giam bao nhiêu ngày và kể từ ngày nào, có bản án không tuyên tiếp tục tạm giam, có bản án tuyên cải tạo không giam giữ nhưng không nêu giao cơ quan giám sát, giáo dục và thời hạn giám sát, giáo dục,... Một số trường hợp bản án tuyên cho bị cáo hưởng án treo nhưng việc áp dụng Điều 65 Bộ luật Hình sự về án treo chưa chính xác; việc xử lý vật chứng trong một số vụ án cũng không theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, trong quá trình xét xử án hình sự vẫn còn một số thiếu sót, vi phạm khác như buộc bị cáo nộp lại tiền và tuyên tịch thu sung vào ngân sách nhà nước trong vụ án đồng phạm mà có một bị cáo trong quá trình điều tra đã bồi thường toàn bộ cho bị hại; hoặc bị hại, người có quyền lợi liên quan không yêu cầu bồi thường, hoàn trả lại; giám định tỷ lệ thương tật người bị hại chưa chính xác;...

Những vi phạm, thiếu sót nêu trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Theo đó, nguyên nhân khách quan do tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, VKSND 2 cấp đã thụ lý giải quyết 1.357 vụ/1.726 bị can; hành vi phạm tội của các bị can có nhiều thủ đoạn mới làm cho việc thu thập chứng cứ để chứng minh tội phạm gặp khó khăn; công tác hướng dẫn, giải thích pháp luật của cấp trên còn nhiều bất cập và quan điểm của các ngành tư pháp về một số quy định của pháp luật có lúc chưa thống nhất. Về chủ quan, hiện nay một bộ phận cán bộ, kiểm tra viên, kiểm sát viên chưa cập nhật, nghiên cứu những quy định pháp luật mới để vận dụng trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ, có đôi lúc còn yếu kém về năng lực, nôn nóng trong giải quyết vụ án, quá tin vào lời nhận tội của bị can, bị cáo dẫn đến việc thu thập, đánh giá chứng cứ chưa thật sự đầy đủ, khách quan và toàn diện.

Tìm giải pháp để hạn chế các vi phạm trong xét xử án hình sự

Từ thực tế trong xét xử án hình sự hiện nay và để nâng cao hơn nữa chất lượng quyết định truy tố của VKSND, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp truy tố thiếu căn cứ, sai tội danh, sai khung hình phạt, bảo đảm bản án của tòa án tuyên đúng các quy định của pháp luật, xây dựng nền tư pháp công khai, minh bạch, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.

Do đó, đối với VKSND 2 cấp thời gian tới cần nâng cao toàn diện chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, thực hiện đầy đủ quyền năng pháp lý của Viện Kiểm sát được quy định trong các giai đoạn tố tụng, đặc biệt là trong giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Trong thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra phải bảo đảm khi kết thúc điều tra thì tất cả vấn đề cần phải chứng minh trong vụ án phải được giải quyết một cách khách quan, toàn diện và triệt để.

Đối với vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo các đơn vị trong quản lý, chỉ đạo, điều hành và giải quyết án hình sự, trước hết, cần kiện toàn bộ máy làm công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử hình sự theo hướng sắp xếp và tăng cường kiểm sát viên cho cấp huyện và phòng nghiệp vụ còn yếu; phân công nhiệm vụ phù hợp với sở trường, chuyên môn của từng kiểm sát viên cũng như tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là đối với các đơn vị để xảy ra vi phạm, thiếu sót trong việc giải quyết các vụ án hình sự; xử lý nghiêm minh cán bộ, kiểm sát viên vi phạm pháp luật và quy chế của ngành.

Bên cạnh việc thực hiện nghiêm túc các quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành, cần tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, thực hiện nghiêm quy chế phối hợp đã ký kết giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trên cơ sở tôn trọng chức năng, nhiệm vụ của mỗi ngành theo quy định của pháp luật và quy định của các Thông tư liên tịch của VKSND Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quy định việc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự về trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Ngoài ra, một trong những yếu tố quan trọng góp phần quyết định chất lượng truy tố của Viện Kiểm sát chính là việc nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ kiểm sát viên. Trong đó, mỗi kiểm sát viên đề cao tinh thần trách nhiệm, tự học tập, tự rèn luyện, đúc kết kinh nghiệm để nâng cao bản lĩnh chính trị, kỹ năng nghiệp vụ; đẩy mạnh nghiên cứu, nắm vững các quy định của pháp luật, đặc biệt là những quy định mới của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành để phục vụ tốt công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Đồng thời, lãnh đạo từng đơn vị phải có những đánh giá thực chất về kết quả thực thi nhiệm vụ của từng kiểm sát viên, kịp thời khen thưởng, biểu dương những thành tích tốt trong công tác; nhắc nhở, kiểm điểm, tổ chức rút kinh nghiệm chung những trường hợp để xảy ra vi phạm, thiếu sót trong quá trình giải quyết án. Kiểm sát viên phải thường xuyên tự mình đánh giá lại kết quả hoạt động sau mỗi giai đoạn tố tụng, nghiêm túc rút kinh nghiệm những thiếu sót, tiếp thu ý kiến góp ý của đồng nghiệp với thái độ cầu thị để không ngừng hoàn thiện kỹ năng nghiệp vụ, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao./.

Võ Thành Đủ - Chánh Văn phòng VKSND tỉnh Long An 

Chia sẻ bài viết