Tiếng Việt | English

16/03/2016 - 10:24

Bộ Giao thông Vận tải:

Tìm biện pháp siết chặt quản lý xe hợp đồng và xe hợp đồng trá hình

Hoạt động của các loại xe hợp đồng trá hình rất phức tạp, hầu như ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chức năng, đậu đỗ, rước khách trái phép, cạnh tranh không lành mạnh với các tuyến xe cố định.

Tình trạng xe hợp đồng, xe cá nhân hoạt động trá hình đang gây bức xúc tại nhiều địa phương, nhất là ở Hà Nội và TP.HCM. Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải (GTVT)), cả nước hiện có trên 7.000 đơn vị kinh doanh vận tải được cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng ôtô theo hợp đồng và vận chuyển khách du lịch với số lượng phương tiện trên 35.000 ôtô.

Tại Long An, theo nguồn tin của cơ quan chức năng, trên một số tuyến đường trọng yếu: Quốc lộ 62, Quốc lộ 1, Quốc lộ 50,... xe cá nhân hoạt động trá hình khá nhộn nhịp, chủ yếu là xe mang biển số TP.HCM. Hoạt động của các loại xe này rất phức tạp, hầu như ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chức năng, đậu đỗ, rước khách trái phép, cạnh tranh không lành mạnh với các tuyến xe cố định. Ngoài ra, có một số lượng không nhỏ phương tiện tham gia buôn lậu, đưa rước khách qua Campuchia đánh bạc gây mất trật tự, an toàn giao thông, thậm chí gây tai nạn giao thông.

Xe hợp đồng và xe hợp đồng trá hình đang hút dần khách tuyến cố định và tuyến buýt (ảnh chỉ có tính minh họa)

Cần sự đồng bộ trong công tác quản lý

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện nay, do quy định về điều kiện kinh doanh đối với loại hình vận tải này còn đơn giản nên nhiều đơn vị chỉ hợp thức hóa các điều kiện để được cấp giấy phép kinh doanh vận tải, lợi dụng việc vận tải hành khách theo hợp đồng để đặt chỗ cho hành khách rồi đón trả khách tại các điểm như: Bệnh viện, trường học và dọc các tuyến quốc lộ. Điều này gây ra tình trạng tranh giành khách, gây khó khăn cho việc kiểm tra, kiểm soát trong công tác quản lý nhà nước.

Thời gian qua, các địa phương siết chặt quản lý, điều kiện kinh doanh vận tải theo tuyến cố định, vận tải hành khách bằng taxi và xe buýt khiến cho loại hình vận tải hành khách bằng xe hợp đồng phát triển mạnh. Vì vậy, tình trạng xe hợp đồng cạnh tranh không lành mạnh với xe chạy tuyến cố định, hiện tượng “xe dù, bến cóc” diễn biến ngày càng phức tạp.

Kết quả kiểm tra cho thấy, việc cấp phép kinh doanh và chế tài với xe khách hợp đồng rất đơn giản (không có mẫu hợp đồng cụ thể, danh sách hành khách, ngày tháng, hành trình, nơi xuất bến, điểm đến hầu như để trống). Thực tế xuất hiện nhiều hình thức xe hợp đồng như: Xe giường nằm dưới 10 ghế được nhiều người lựa chọn cho những chuyến đi dài, xe tốc hành máy lạnh, xe đưa khách đi khám bệnh, tham quan, du lịch trọn gói,... Những xe này đang hoạt động như xe chạy tuyến cố định là sai chức năng.

Trên địa bàn tỉnh Long An, ngoài các cá nhân, đơn vị kinh doanh vận tải có đăng ký chạy hợp đồng, chạy tuyến cố định, xuất hiện một số cá nhân, tổ chức mua sắm xe, ngoài nhu cầu phục vụ cho cá nhân, gia đình còn tự ý hợp đồng với một số lái xe, khi có khách sẽ trực tiếp lái hoặc thuê lái xe ăn chia theo tỷ lệ %.

Anh T - một tài xế lái xe thuê cho biết: "Tôi hợp đồng chạy xe thường xuyên cho ông A ở phường 3, TP.Tân An. Khi có khách, ông ấy sẽ điện thoại. Thông thường, lái xe được hưởng 10-15% tổng số tiền hợp đồng hoặc  hai bên thỏa thuận".

Với hình thức xe hợp đồng trá hình này, hai bên đều hưởng lợi vì nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chức năng và không phải nộp thuế. Tuy nhiên, do hợp đồng giữa khách với chủ xe, giữa chủ xe với lái xe chủ yếu bằng thỏa thuận miệng nên đã xảy ra nhiều trường hợp đáng tiếc phải đưa nhau ra tòa.

Sửa Nghị định 86/2014/NĐ-CP

Một số địa phương, trong đó có tỉnh Long An, đề nghị Bộ GTVT bổ sung vào Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô, việc thống nhất trong hợp đồng chạy xe cần phải ghi rõ những nội dung như: Điểm đón trả khách, danh sách khách, thời gian thực hiện hợp đồng. Đặc biệt, đề nghị khi thực hiện vận tải hành khách theo hợp đồng thì không sử dụng bản viết tay mà phải theo mẫu của Bộ GTVT.

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam - Phan Thị Thu Hiền cho biết: "Trong lần sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP tới đây sẽ đưa ra biện pháp xử lý tình trạng xe hợp đồng. Trước mắt, Tổng cục Đường bộ sẽ xây dựng phần mềm quản lý xe hợp đồng trong năm 2016".

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT - Lê Đình Thọ, trong lần sửa đổi Nghị định 86 tới sẽ siết chặt điều kiện kinh doanh của xe hợp đồng. Xe hợp đồng phải có những điều kiện cao hơn xe vận tải tuyến cố định.

Phó Giám đốc Sở GTVT - Phan Minh Giàu cho biết: "Trước mắt để quản lý có hiệu quả xe hợp đồng và xử lý xe hợp đồng trá hình cần sự chung tay của các cấp, các ngành và chính quyền cơ sở. Thực tế lực lượng Thanh tra GTVT của sở không thể kiểm soát hết được tình hình. Tại các bến bãi thì lực lượng quản lý được nhưng xe hợp đồng và xe hợp đồng trá hình không hoạt động trong bến bãi nên rất khó quản lý. Mặt khác, xe chạy trên đường thì chỉ có Cảnh sát giao thông mới có thẩm quyền dừng và kiểm tra giấy tờ. Hiện nay, mức phạt xe vi phạm theo Nghị định 86/2014/NĐ-CP cũng chưa đủ sức răn đe, vì vậy cần có chế tài đủ mạnh để xử lý tình trạng này"./.

Đ.Lâm

Chia sẻ bài viết