Tiếng Việt | English

27/04/2017 - 14:18

Tiếp tục “giải cứu” đàn heo thịt

Giá heo hơi đang sụt giảm nghiêm trọng khiến người chăn nuôi điêu đứng, thua lỗ nặng; tình trạng đầu ra vô cùng khó khăn. UBND tỉnh Long An cùng các ngành chức năng vừa tiến hành xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho heo thịt nhằm giúp người chăn nuôi có đầu ra sản phẩm ổn định.

Người chăn nuôi điêu đứng

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - Đinh Thị Phương Khanh thông tin, ngành chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi heo chiếm vị trí quan trọng (khoảng 7% trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp). Sự tăng trưởng và phát triển về quy mô đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh góp phần tăng thu nhập cho người chăn nuôi, đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, trước tình trạng giá heo hơi sụt giảm, khó khăn trong đầu ra khiến người chăn nuôi điêu đứng. Tính từ đầu năm 2017 đến nay, người chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh lỗ khoảng 40-45 tỉ đồng.

Đàn heo nuôi theo chuẩn GAHP, an toàn thực phẩm sẽ được ưu tiên chọn mua từ VissanTổng đàn heo trên địa bàn tỉnh trên 300.000 con; trong đó, đàn heo nái giống khoảng 41.500 con. Do áp dụng tốt các biện pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, khoa học - kỹ thuật nên đàn heo năm sau thường tăng đàn trung bình khoảng 15-17% so với năm trước. Bình quân mỗi tháng, người chăn nuôi xuất chuồng từ 30.000-40.000 con heo.

Thời điểm hiện tại, người chăn nuôi chỉ bán heo hơi cho thương lái với giá bình quân từ 20.000-25.000 đồng/kg. Bình quân, mỗi con heo nặng 100kg bán ra, người chăn nuôi thua lỗ trên 1 triệu đồng. Do những khó khăn này, người chăn nuôi heo đang giảm đàn, nhưng tổng đàn vẫn còn cao hơn so với nhu cầu thực tế của thị trường.

Long An là một trong những tỉnh được hỗ trợ bởi Dự án Lifsap, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm. Xây dựng vùng GAHP là một trong các tiểu hợp phần của Dự án Lifsap nhằm hướng chăn nuôi nông hộ theo hướng phát triển bền vững, bảo đảm an toàn dịch bệnh.

Long An hiện có trên 540 hộ chăn nuôi heo tham gia vùng GAHP thuộc Dự án Lifsap trên 4 huyện: Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ, Châu Thành. Đàn heo thịt của các hộ tham gia dự án khoảng 22.000 con.

Hiện nay, có 233 hộ chăn nuôi heo được cấp giấy chứng nhận GAHP. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của người chăn nuôi heo trong vùng GAPH cũng như có chứng nhận GAHP đều phải bán heo thịt qua thương lái với mức giá sàn khá thấp.

Tham gia buổi xúc tiến thương mại với Công ty Vissan ngày 25/4/2017, ông Đặng Văn Lâm - một trong những hộ chăn nuôi heo thuộc vùng GAHP trên địa bàn xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ cho rằng: “Thời gian qua, các hộ chăn nuôi trong vùng GAHP được sự hỗ trợ từ các ngành chức năng rất nhiều trong kỹ thuật, trang thiết bị nhưng người chăn nuôi bán heo thịt cũng bằng giá heo chăn nuôi thông thường ngoài vùng GAHP nên nông dân không vui”. Nhóm GAHP của ông Lâm hiện có 20 hộ chăn nuôi khoảng 1.000 con heo thịt, từ đầu năm 2017 đến nay, xuất bán khoảng 600 con. Hiện nay, bình quân mỗi con heo, người nuôi lỗ khoảng 1,2-1,5 triệu đồng”.

Vissan thu mua heo thịt đạt chuẩn GAHP

Ngày 25/4/2017, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh cùng lãnh đạo Sở Công Thương, Sở NN&PTNT, Hội Nông dân, chính quyền địa phương các huyện có chăn nuôi heo theo Dự án Lifsap trên địa bàn tỉnh,... có cuộc gặp gỡ, đề xuất Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản - Vissan (Cty Vissan) thu mua heo thịt từ Long An.

Nghe trình bày các ý kiến từ các ngành chức năng của Long An, phía Cty Vissan cho biết, nhu cầu hàng ngày của đơn vị khoảng 1.500 con heo. Trong đó, Cty có 2 trang trại chăn nuôi và 50 trang trại liên kết với các tỉnh, thành khác: Đồng Nai, Bình Dương, Vĩnh Long,... Ngoài ra, Cty còn thu mua heo qua thương lái.

Hiện nay, nhu cầu thịt heo thành phẩm có nguồn gốc rõ ràng của thị trường tăng nên tốc độ tăng trưởng bình quân của Vissan trong năm 2017 sẽ tăng lên 15% so với năm 2016. Vì vậy, Vissan tiếp tục thu mua heo có nguồn gốc rõ ràng, đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, trong vùng GAHP của các tỉnh, thành, trong đó có Long An.

Trước yêu cầu của Long An, đại diện lãnh đạo Vissan sẽ đến Long An vào ngày 29/4/2017 nhằm khảo sát môi trường chăn nuôi tại Trung tâm Giống vật nuôi Long An, đại diện các hộ chăn nuôi trong vùng GAHP. Nếu phía Long An đáp ứng đủ các điều kiện về môi trường chăn nuôi, thực hành chăn nuôi theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, Vissan sẽ tiến hành các thủ tục cần thiết và ký hợp đồng thu mua.

Phía Vissan cho biết thêm, hiện heo thịt trong nước đang ở tình trạng cung vượt cầu, vì vậy, các tỉnh, thành, đặc biệt là Long An cần thực hiện tốt quy hoạch trong chăn nuôi, tránh đàn heo cung vượt so với nhu cầu thực tế.

Ngoài ra, để “giải cứu” đàn heo thịt, Vissan sẽ tăng lượng giết mổ hàng ngày và giảm nhập khẩu thịt để chế biến thịt thành phẩm, thịt hộp.

Lãnh đạo của đơn vị này cũng cho biết, thời gian tới, nhu cầu thu mua heo thịt đạt chuẩn về vệ sinh an toàn của Vissan sẽ tăng cao vào cuối năm 2018 - khi nhà máy giết mổ gia súc tại huyện Bến Lức đi vào hoạt động. Dự kiến nhu cầu cho giết mổ của Cty lên đến 5.000 con/ngày. Vì vậy, Long An cần tiếp tục tuyên truyền đến người dân thực hành chăn nuôi bảo đảm các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm, sẽ được ưu tiên thu mua.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kêu gọi "giải cứu" người chăn nuôi 

Cập Nhật 24-04-2017

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có buổi làm việc với các doanh nghiệp trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, chế biến thực phẩm để bàn giải pháp “giải cứu” người chăn nuôi trong bối cảnh giá thịt lợn hiện ở mức thấp kỷ lục...

Giám đốc Sở Công Thương - Lê Minh Đức cho rằng, việc lãnh đạo Vissan sẽ khảo sát vùng chăn nuôi tại Long An và ưu tiên thu mua heo thịt chăn nuôi trong vùng GAHP là tín hiệu khả quan cho việc “giải cứu” đàn heo. Việc ưu tiên chọn mua này sẽ tạo chuyển biến ý thức của người chăn nuôi rằng, sản phẩm đạt chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm mới tiêu thụ tốt.

Từ đó, người chăn nuôi sẽ chuyển từ ý thức sang thực hành, tạo vùng chăn nuôi ổn định, là vùng nguyên liệu cung cấp cho Vissan và tạo nền tảng phát triển bền vững.

Ngoài ra, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM - Nguyễn Ngọc Hòa đề nghị, tỉnh Long An thống kê cụ thể về đàn heo thịt, trong đó chú trọng đến đàn heo trong vùng GAHP. Từ đó, Sở Công Thương TP.HCM sẽ hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ theo hướng truy xuất nguồn gốc trong Đề án Truy xuất nguồn gốc thịt heo.

Với biện pháp này, TP.HCM không kỳ vọng sẽ “giải cứu” hết đàn heo thịt tại Long An, nhưng đối với các hộ chăn nuôi trong vùng GAHP, an toàn vệ sinh thực phẩm thì sẽ được ưu tiên thu mua./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết