Tiếng Việt | English

18/07/2019 - 10:29

Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao sự hài lòng của người dân

Những năm gần đây, Long An có sự bứt phá ngoạn mục trong công tác cải cách hành chính (CCHC), hướng đến xây dựng nền hành chính kiến tạo, phát triển. Vụ trưởng Vụ CCHC (Bộ Nội vụ) - Phạm Minh Hùng dành cho phóng viên (PV) Báo Long An cuộc phỏng vấn xoay quanh vấn đề này.

Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Phạm Minh Hùng tập huấn kiến thức về công tác cải cách hành chính cho đại diện lãnh đạo, cán bộ chuyên môn sở, ngành tỉnh và UBND cấp huyện trên địa bàn tỉnh Long An

PV: Ông có nhận xét gì về hoạt động CCHC của Long An trong những năm gần đây?

Ông Phạm Minh Hùng: Hoạt động CCHC được Long An quan tâm chỉ đạo, thực hiện tương đối đồng bộ, đạt nhiều kết quả tích cực; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng lên, góp phần quan trọng trong phát triển KT-XH, thu hút đầu tư. Công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật được quan tâm, chỉ đạo từng bước đi vào nề nếp. Cơ chế một cửa, một cửa liên thông tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng về giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), hạn chế hồ sơ trễ hẹn; giảm phiền hà, chi phí và thời gian đi lại của tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp.

Long An cập nhật, đăng tải kịp thời trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, Cổng thông tin điện tử của tỉnh. Đến nay, 100% cơ quan, đơn vị trong tỉnh sử dụng mạng nội bộ (mạng LAN) trao đổi công việc; 100% sở, ngành, UBND các cấp triển khai phần mềm Quản lý văn bản và điều hành, đồng thời kết nối với hệ thống của Văn phòng Chính phủ và cấp tài khoản sử dụng đến hầu hết cán bộ, công chức cấp xã.

Công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước cũng được địa phương quan tâm thực hiện; kịp thời rà soát về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, biên chế của UBND và các cơ quan chuyên môn. Đến nay, tỉnh hoàn thành việc triển khai, thực hiện sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, thúc đẩy KT-XH của tỉnh phát triển.

PV: Theo ông, điểm nổi bật nhất của Long An trong những năm gần đây về công tác cải cách TTHC là gì?

Ông Phạm Minh Hùng: Bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, Long An chủ động xây dựng chương trình, bố trí nguồn lực, mạnh dạn đưa vào ứng dụng hiệu quả mô hình Trung tâm hành chính công, góp phần giảm tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn, nâng cao Chỉ số CCHC (PAR INDEX: hạng 7), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI: hạng 3) vào năm 2018. Đây có thể xem là bước đột phá ngoạn mục của Long An so với nhiều địa phương trong cả nước. Việc thành lập các trung tâm hành chính công góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ; khắc phục những bất cập trong việc phối hợp giải quyết TTHC tại các sở, ngành; tạo lập môi trường làm việc công khai, minh bạch, thuận tiện, văn minh, hiện đại.

Long An quyết tâm đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, góp phần duy trì, nâng cao chỉ sốcải cách hành chính

PV: Bên cạnh kết quả đã đạt, Long An còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế nào trong công tác CCHC cần tiếp tục tập trung khắc phục trong thời gian tới?

Ông Phạm Minh Hùng: Hiện nay, công tác rà soát, cập nhật, niêm yết TTHC trên địa bàn Long An chưa thật sự đầy đủ, đúng nơi quy định; còn tình trạng tiếp nhận hồ sơ không đúng nội dung, yêu cầu, dư thành phần, số lượng hồ sơ và đặt thêm giấy tờ ngoài quy định TTHC; chưa thực hiện nghiêm túc việc xin lỗi cá nhân, tổ chức khi có hồ sơ trễ hẹn. Việc ứng dụng công nghệ thông tin chưa khai thác sử dụng triệt để các phần mềm đã triển khai; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 còn ít; thực hiện chữ ký số còn thấp; sử dụng hộp thư điện tử chưa thường xuyên; trang thiết bị ở một số bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã chưa được trang bị đầy đủ; chưa thường xuyên rà soát, duy trì, cải tiến hệ thống quản lý chất lượng ISO; việc triển khai, thực hiện tiếp nhận, trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích còn chậm,...

PV: Vậy Long An cần làm gì để khắc phục những tồn tại, hạn chế, hướng đến xây dựng nền hành chính kiến tạo, phát triển, thưa ông?

Ông Phạm Minh Hùng: Long An là một trong số ít địa phương có sự biến động tăng về chỉ số CCHC (năm 2018 xếp hạng thứ 7 (81,02 điểm), tăng 5 hạng so với năm 2017 - hạng 12). Tuy nhiên, hiện nay, chỉ số hài lòng của tỉnh còn thấp, chỉ đạt hơn 76% (kế hoạch chung của cả nước là 80% vào năm 2020). Vì vậy, để góp phần hoàn thành mục tiêu chung của Chính phủ về CCHC, Long An phải tăng cường hơn nữa kỷ luật, kỷ cương hành chính; nêu cao vai trò, trách nhiệm và quyết tâm chính trị của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp; đẩy mạnh công tác kiểm tra, theo dõi, đánh giá CCHC, sử dụng hiệu quả công cụ Chỉ số CCHC; thường xuyên khảo sát sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính.

Đồng thời, tỉnh cần gắn chặt chẽ giữa CCHC và ứng dụng công nghệ thông tin; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, đạo đức công vụ của công chức; cải cách tiền lương; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị chung tay thực hiện CCHC, hướng đến xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp.

PV: Xin cảm ơn ông!

Sông Măng

Chia sẻ bài viết