Tiếng Việt | English

16/03/2020 - 12:20

Tiếp tục cơ cấu chuỗi giá trị, đổi mới tăng trưởng trong nông nghiệp

Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường chia sẻ với phóng viên về những định hướng trong sản xuất cũng như mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu ngành nông nghiệp.

Trái điều chín đến kỳ thu hoạch. (Ảnh: K GỬIH/TTXVN)

Các xung đột thương mại trên thế giới, biến đổi khí hậu, dịch bệnh đang tác động trực tiếp đến sản xuất, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam.

Dù vậy, ngành nông nghiệp xác định đây là cơ hội để tiếp tục cơ cấu chuỗi giá trị, đổi mới mô hình tăng trưởng.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã chia sẻ với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) về những định hướng trong sản xuất cũng như mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu ngành hàng này.

PV: Không chỉ dịch COVID-19 đang diễn ra, các cuộc xung đột thương mại trên thế giới, dịch bệnh, hạn mặn… đã tác động mạnh mẽ tới sản xuất, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Xin Bộ trưởng cho biết, ngành nông nghiệp có những giải pháp cơ cấu chuỗi giá trị, đổi mới mô hình tăng trưởng trên các lĩnh vực như thế nào?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Những tháng đầu năm nay, ngành nông nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức tác động không chỉ từ dịch COVID-19 đang diễn ra mà còn ảnh hưởng từ xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn, các tác động của biến đổi khí hậu với mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn làm cho sản xuất, xuất nhập khẩu nông sản chủ lực đứng trước những rủi ro.

Ngoài ra, các nước gia tăng áp dụng các biện pháp bảo hộ, hàng rào kỹ thuật, các quy định mới về truy xuất nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm ngày càng cao hơn. Vì vậy, một số mặt hàng chủ lực có kim ngạch xuất khẩu giảm như thủy sản, rau quả… Tuy nhiên, một số mặt hàng vẫn có giá trị xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2019 như gạo, lâm sản.

Theo đánh giá ban đầu, tình hình sản xuất các ngành thủy sản, rau quả sẽ bị ảnh hưởng trực diện từ các diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.

Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các ngành hàng như rau quả, gỗ… chuyển đổi phương thức sản xuất và kinh doanh, nắm bắt thời cơ thúc đẩy xuất khẩu. Việc chậm các đơn hàng thủy sản tuy không tác động nhiều đến sản xuất, nhưng sẽ thúc đẩy phát triển sản xuất chế biến, đóng hộp, đông lạnh.

Đối với các sản phẩm rau quả tươi, địa phương cần chủ động điều chỉnh sản xuất, vụ mùa thu hoạch phù hợp với nhu cầu thị trường để đón cơ hội sau khi dịch COVID 19 được khống chế; đồng thời đẩy mạnh chế biến, bảo quản để tiêu thụ trong nước, xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm như Hoa Kỳ, EU, ASEAN…

Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục chủ động phối hợp với các bộ, ngành, Đại sứ quán Việt Nam, Thương vụ tại các nước, địa phương triển khai toàn diện, đạt hiệu quả cao nhất về xúc tiến, phát triển thị trường tại các địa bàn trọng điểm, tiềm năng và thị trường ngách ngay từ đầu năm 2020, tạo sự đột phá trong đa dạng hóa thị trường.

Bộ cũng sẽ tập trung phối hợp với các địa phương, nghiên cứu điều chỉnh một số đối tượng cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với nhu cầu của thị trường tiêu thụ và lợi thế so sánh của từng địa phương.

PV: Xin Bộ trưởng cho biết rõ hơn việc mở cửa thị trường, xúc tiến thương mại các mặt hàng nông, lâm, thủy sản đã và đang được triển khai như thế nào trước những tác động trên?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Ngay từ đầu năm, Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành và địa phương chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Đặc biệt là thúc đẩy đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu nông sản, giữ ổn định thị trường truyền thống, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiềm năng, hạn chế thấp nhất sự phụ thuộc vào một số thị trường nhất định; thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng, còn nhiều dư địa như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, khối Liên minh Á-Âu...

Bộ sẽ hoàn tất các hồ sơ kỹ thuật xuất khẩu vào Trung Quốc với các sản phẩm như sầu riêng, thạch đen, chanh leo, bơ, bưởi, khoai lang, roi, na; Hoa Kỳ là bưởi; Nhật Bản là nhãn, bưởi, chanh leo…

Từ đầu năm đến nay, đoàn công tác do lãnh đạo Bộ dẫn đầu cùng các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đã sang Dubai (UAE) để mở rộng thị trường Trung Đông, Hoa Kỳ. Thời gian tới sẽ tiếp tục sang Brazil, Nhật Bản, Liên bang Nga, Australia và New Zealand; Hàn Quốc; châu Âu, Indonesia, Myanmar...

Thông tin thị trường là rất quan trọng, nên Bộ tiếp tục cùng các bộ, ngành, Thương vụ các nước phân tích, dự báo để có định hướng xuất khẩu vào những thị trường có lợi thế.

Từ đó, ngành định hướng, quy hoạch sản xuất trong nước, tái cơ cấu tạo ra những sản phẩm nông nghiệp đáp ứng được các yêu cầu của thị trường; trong đó, sản xuất theo chuỗi liên kết gắn với xuất khẩu, kênh phân phối nước ngoài.

PV: Việt Nam có sức sản xuất nông nghiệp tốt, nhưng dường như lại chưa xây dựng được vùng nguyên liệu bền vững. Để giải quyết nút thắt này, ngành nông nghiệp có định hướng như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Như chúng ta đã biết yếu tố nguyên liệu là điều kiện cần và đủ để doanh nghiệp chế biến nông sản duy trì sản xuất, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả.

Khi quyết định đầu tư vào chế biến nông sản, ngoài việc đã có thị trường tiêu thụ, nhà đầu tư cần phải xây dựng được vùng nguyên liệu mới quyết định đầu tư. Do vậy, nhiệm vụ xây dựng vùng nguyên liệu có thể coi là “sự sống” còn của doanh nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản.


Công nhân tại Nhà máy Lavifood, Bến Lức, tỉnh Long An, thực hiện công đoạn chế biến trái thanh long. (Ảnh: Bùi Giang/TTXVN)

Nhờ tổ chức tốt vùng nguyên liệu, bước đầu một số ngành hàng đã có được kết quả tích cực, điển hình như lúa gạo, thủy sản, càphê, rau quả, chăn nuôi...

Một số công ty, tập đoàn lớn có tiềm lực đã tự đầu tư vùng nguyên liệu như Doveco, Nafood, Vina T&T, Tanifood, Vineco... của ngành rau quả; Minh Phú, Agifish, Vĩnh Hoàn, Hùng Vương... của ngành thủy sản; TH true milk, Vinamilk, Masan… trong ngành hàng sữa, thịt...

Tuy vậy việc xây dựng vùng nguyên liệu cho chế biến còn nhiều hạn chế, chưa thực sự bền vững. Bởi, doanh nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên tiềm lực tài chính yếu.

Để có thể xây dựng vùng nguyên liệu một cách bền vững, chúng ta cần triển khai thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị, đẩy mạnh liên kết, gắn sản xuất với chế biến và thị trường, thực hiện xây dựng cánh đồng lớn, vùng nguyên liệu lớn gắn với phát triển hợp tác xã.

Hiện đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ… hay phục hồi sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, và thời gian tới cần tích cực triển khai các chính sách này.

Trên cơ sở thị trường tiêu thụ, ngành thực hiện việc rà soát quy hoạch sử dụng đất, cơ cấu sản xuất cây trồng vật nuôi, phát huy lợi thế so sánh của từng vùng, có tính đến những tác động của biến đổi khí hậu.

Trong sản xuất sẽ áp dụng các quy trình sản xuất tiến bộ về canh tác, thực hành nông nghiệp tốt VietGAP, GlobalGAP…; thực hiện đồng bộ các giải pháp về giống; kỹ thuật nuôi, canh tác, đầu tư thâm canh để đảm bảo năng suất và chất lượng nguyên liệu nông sản.

Bên cạnh đó, phát triển các cụm liên kết sản xuất-chế biến và tiêu thụ nông sản tại các địa phương, các vùng có sản lượng nông sản lớn, cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng, lao động, logistics… để trở thành động lực tăng trưởng cho cả khu vực.

Đồng thời lựa chọn các doanh nghiệp “đầu tàu” có đủ năng lực về vốn, khoa học công nghệ và thị trường để dẫn dắt chuỗi giá trị, vận hành một cách thông suốt, hiệu quả.

Ngoài ra, các bộ, ngành xây dựng khung pháp lý và có chính sách hỗ trợ giao dịch đất nông nghiệp; cho phép mua, thuê lại đất của nông dân phù hợp để cho doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất chuyên canh nông sản hàng hóa quy mô lớn đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu cho chế biến.


Thủy sản là một trong các mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhất của Việt Nam. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

PV: Doanh nghiệp đang đóng vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn và cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều mắt xích mà sự hiện diện của họ còn khá vắng bóng như cơ giới hóa, nghiên cứu giống… Theo Bộ trưởng, cần có cơ chế, chính sách như thế nào để đưa doanh nghiệp có mặt trong toàn chuỗi sản xuất?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Để ngành nông nghiệp phát triển hiệu quả, an toàn và bền vững, tôi cho rằng cần hình thành 3 trục: trục thứ nhất là các bộ, ngành hoàn thiện thể chế và cải cách thủ tục hành chính; trục thứ hai là tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng; trục thứ ba là định hướng sản xuất của 8,6 triệu hộ nông dân liên kết chặt chẽ với hợp tác xã và doanh nghiệp.

Vai trò của doanh nghiệp hết sức quan trọng là động lực chính để chuỗi giá trị sản xuất-chế biến-tiêu thụ sản phẩm nông sản được vận hành thông suốt.

Hiện nay chúng ta có khoảng 12.000 doanh nghiệp trực tiếp sản xuất trong khu vực nông nghiệp, mới chỉ đạt khoảng 1% doanh nghiệp trong tổng số doanh nghiệp của cả nước; trong đó, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, chiếm 95%. Trong số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chủ yếu là các doanh nghiệp chế biến, bảo quản, vật tư, thương mại nông sản...

Số doanh nghiệp đầu tư vào cơ giới hóa và nghiên cứu giống còn ít chưa đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của sản xuất nông nghiệp. Mức độ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp còn thấp; chưa toàn diện cho các lĩnh vực ngành hàng cũng như các công đoạn sản xuất, nhất là khâu chăm sóc. Trong khi đó, máy móc thiết bị sản xuất nông nghiệp chủ yếu nhập khẩu từ nước ngoài nên giá còn quá cao so với khả năng của nông dân.

Việc tham gia của doanh nghiệp vào nghiên cứu, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi cũng bắt đầu được quan tâm, nhất là cá tra, tôm, mía đường, lúa, rau quả… Tuy vậy, sự tham gia của doanh nghiệp chưa nhiều, mang tính chất tự cung, tự cấp trong nội bộ doanh nghiệp. Phần lớn việc nghiên cứu giống cho sản xuất nông nghiệp tập trung tại các Viện, Trung tâm giống của nhà nước.

Có thể thấy rằng, việc “vắng bóng” của doanh nghiệp trong một số mắt xích của chuỗi sản xuất nông nghiệp do hiệu quả sản xuất nông nghiệp còn thấp, rủi ro cao.

Từ đó chưa khuyến khích được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào các khâu đòi hỏi đầu tư tài chính lớn, công nghệ và nhân lực trình độ cao, thời gian dài như cơ giới hóa, nghiên cứu sản xuất giống, cơ sở hạ tầng, logistics...

Thời gian tới, ngành cũng như địa phương cần triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách đã ban hành về phát triển doanh nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, tín dụng cho nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao…

Cùng với đó, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, nhất là lĩnh vực mà doanh nghiệp đang còn đầu tư ít trong chuỗi sản xuất nông nghiệp.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết