Ai cũng có riêng một góc trời tuổi thơ. Đó có thể giản đơn là con đường, bờ tre, khóm lá hay một khu vườn nhỏ để sớm, chiều bên nhau đùa chơi. Và khi nhắc về những ký ức tuổi thơ, tôi lại nhớ da diết tiếng rao khắp các con đường, ngõ hẻm vùng thôn quê. Đó là những điệp khúc nhọc nhằn trong cuộc mưu sinh.
Những đứa trẻ mới lớn, tâm hồn trong veo thì làm gì bận tâm đến những vất vả, nhọc nhằn của người lớn. Những buổi đang chơi đùa, thấy có người gánh xôi, chè ngang qua, bọn trẻ chạy ào vào nhà xin tiền mẹ để mua. Còn bữa nào bụng no thì chẳng màng quan tâm đến, mặc những tiếng rao cứ văng vẳng bên tai. Tụi nhỏ ở quê nghe riết thành quen, loáng thoáng đằng xa là đã biết gánh chè hay xôi sắp đi qua cửa nhà mình.
Ở vùng thôn quê ngày xưa, chiếc đòn gánh dường như là công cụ thông dụng với những người làm nghề mua bán. Mỗi sớm, mỗi chiều đều thấy người ta gánh đồ đi bán, khi thì mua ve chai, khi thì bán cá, rau cải hay bánh, trái,... Khi cuộc sống còn nhiều khó khăn, cái gánh trên vai là một phần thu nhập hàng ngày để xoay sở trong gia đình. Hình ảnh mỗi ngày trên con đường trước ngõ, những gánh hàng cùng tiếng rao vì thế trở nên quen thuộc lúc nào chẳng hay.
Tôi thích cái giọng vừa thanh lại ngọt như đường của bà bán bánh lọt ở xóm trên. Cứ khoảng mười một giờ trưa, bà lại quảy gánh bánh lọt đi ngang qua nhà và cất tiếng rao “Bánh lọt tới đây! Bánh lọt vừa ngọt vừa ngon ăn cho mát lòng mát dạ bà con ơi!”. Nghe nhiều nên hồi đó, tụi con nít chúng tôi thuộc nằm lòng. Mà phải công nhận, bánh lọt bà làm ngon thiệt. Những buổi trưa mới đi làm về, nằm trên chiếc võng ngả lưng nghỉ ngơi, thấy gánh bánh lọt tới, ai cũng ngồi dậy mua ủng hộ bà một chén. Đang lúc trời nắng nóng, bưng chén bánh lọt mát lạnh mà húp thì đúng là mát lòng mát dạ. Còn tôi, tôi thấy tội bà. Lớn tuổi rồi mà vẫn phải đi bán vào buổi trưa nắng gắt, người ướt đẫm mồ hôi. Có lần tôi hỏi: “Sao bà không đi bán vào buổi sáng hay buổi chiều cho đỡ mệt?”. Bà cười, lộ rõ gương mặt hằn những nếp nhăn: “Buổi sáng, người lớn đi làm, bọn trẻ đi học nên đi buổi trưa thì mới có người ở nhà, sẽ bán được nhiều hơn”.
Vòng quay của thời gian không bao giờ đứng yên một chỗ. Những đứa trẻ ngày nào giờ đã lớn, thành gia thất và lo lập nghiệp. Người già thì cứ già thêm. Con đường thôn quê bây giờ cũng được trải nhựa, đổ bêtông. Cầu dừa, cầu tre được thay thế bằng cầu xi măng kiên cố. Cảnh vật đổi thay, lòng người cũng ít nhiều thay đổi vì mải loay hoay với những bộn bề, lo toan của cuộc sống. Để khi ngoáy lại, thương nhớ về những ngày xưa, những đứa trẻ ở xóm nghèo năm cũ như vẫn còn nghe văng vẳng đâu đó những tiếng rao thân quen - những tiếng rao trong ký ức./.
Trần Kỳ Duyên