Tiếng Việt | English

20/05/2022 - 09:24

Tiền Giang còn có tiềm năng to lớn là du lịch sinh thái biển

Với nhiều di tích văn hóa lịch sử gắn liền với con người và vùng đất phương Nam, vùng "địa linh nhân kiệt" Gò Công của tỉnh Tiền Giang còn có tiềm năng to lớn là du lịch sinh thái biển.


Khu du lịch biển Tân Thành. (Nguồn: tiengiang.gov.vn)

Với nhiều di tích văn hóa lịch sử gắn liền với con người và vùng đất phương Nam, vùng "địa linh nhân kiệt" Gò Công của tỉnh Tiền Giang còn có tiềm năng to lớn là du lịch sinh thái biển.

Cùng với biển Gò Công, các cồn bãi ven biển là những điểm khám phá lý tưởng cho những ai yêu thích du lịch sinh thái vùng biển.

Triển vọng ngành "du lịch không khói"

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang, một trong những điểm nhấn của tiềm năng du lịch sinh thái biển Gò Công là các cồn, bãi nằm ven cửa Tiểu trên sông Tiền, tiếp giáp Biển Đông bên cạnh điểm du lịch bãi biển Tân Thành. Vài năm trở lại đây, tiềm năng du lịch của các cồn, bãi ven biển này thu hút du khách trong và ngoài nước trong khuôn khổ các tour du lịch sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long.

Phát huy tiềm năng phong phú, đa dạng của biển Gò Công, huyện Gò Công Đông và Tân Phú Đông (tỉnh Tiền Giang) tập trung phát triển du lịch theo mô hình du lịch sinh thái ngập mặn, kết hợp với văn hóa, lịch sử của vùng đất vốn nổi tiếng từ xa xưa.

Bà Lê Thị Hồng Tâm, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Gò Công Đông trao đổi huyện Gò Công Đông rất có tiềm năng phát triển du lịch. Trên địa bàn có Khu du lịch biển Tân Thành, điểm du lịch Vườn táo, 1 di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia, 13 di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh; trong đó có 5 di tích du khách thường xuyên đến tham quan. Khu du lịch sinh thái biển Tân Thành được Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang phê duyệt trên diện tích 80ha, có 1 dự án được triển khai với tổng diện tích 11,6ha, đã cơ bản hoàn thành các hạng mục chính và đưa vào hoạt động.

Ủy ban Nhân dân huyện Gò Công Đông đã hoàn thành việc nâng cấp đường cặp đê láng biển ấp Cầu Muống, xã Tân Thành; cải tạo cơ sở vật chất phục vụ du lịch như xây dựng 158m kè đê biển thuộc Khu du lịch biển Tân Thành, hoàn thành trên 1.300m kè chắn sóng, đang xây dựng hệ thống đê biển và kè chắn sóng từ Khu du lịch biển Tân Thành đến giáp xã Tân Điền khoảng 2.200m.

Khu du lịch biển Tân Thành ở biển Gò Công đón bình quân trên 50.000 lượt khách/năm. Biển Gò Công là điểm đến thu hút nhiều du khách, đặc biệt là vào dịp Tết Đoan ngọ (mùng 5 tháng 5 Âm lịch). Vào những ngày này, bãi biển Tân Thành thu hút hàng ngàn du khách đến tắm biển, thưởng thức hải sản. Du khách có thể vào Khu du lịch Hàng Dương (ấp Cây Bàng, xã Tân Thành) để nghỉ ngơi, thưởng thức món nghêu luộc xả đậm đà hương vị biển phù sa và ngắm những chòi giữ nghêu mọc lênh khênh trên những đợt sóng nhấp nhô dạt vào bãi cát…

Chị Lê Thị Hoài (thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang) dẫn hai con đến biển chơi vào ngày cuối tuần. Chị Hoài chia sẻ gia đình tôi thường đến bãi biển Tân Thành để các con có không gian hòa mình với thiên nhiên, thêm hiểu biết về địa lý, về biển quê hương.

Tại huyện Tân Phú Đông, cồn Ngang có chiều dài 5,5km, rộng 2,5km với diện tích 1.617ha nằm ở xã Phú Tân, là vùng bồi tụ tự nhiên hình thành với hệ sinh thái rừng ngập mặn, đa dạng sinh học phong phú gồm cây bần, đước, mắm… cùng hệ động vật biển gồm các loại cá ngát, cá đuối, ốc hương…

Bên cạnh cảnh quan sinh thái tự nhiên lý thú, cồn Ngang còn có vành đai xanh gồm rừng cây dương, đước do Bộ đội Biên phòng tỉnh trồng từ những năm cồn vừa nổi lên để bao bọc cồn Ngang khỏi xói mòn và gió, bão. Đến với cồn Ngang, du khách không khỏi bị "hút hồn" bởi vẻ đẹp như bức tranh sơn thủy với màu xanh của rừng cây, những bãi cát trắng mênh mông; đặc biệt là vào những đêm trăng tròn, từng ánh vàng xuyên qua những hàng dương êm ả trong tiếng gió biển rì rào… Một doanh nghiệp đã đăng ký thực hiện dự án đầu tư vào Khu du lịch Cồn Ngang rộng 150ha với tổng số vốn 1.300 tỷ đồng.

Cồn ông Mão cũng là một trong những điểm thu hút du khách khi đến với Gò Công bởi hình ảnh những sân nghêu mênh mông với nhiều bãi cát trải dài thoai thoải khi thủy triều xuống, cùng các chòi canh nghêu nằm chơi vơi trên mặt biển. Cồn ông Mão nằm tiếp giáp với vùng đất liền thuộc xã Tân Thành (huyện Gò Công Đông), có chiều dài 7km, rộng 5km, diện tích 4.055ha. Theo lời truyền miệng của các bậc cao niên, tên cồn gắn liền với câu chuyện cảm động về sự thủy chung, son sắt của vợ chồng ông Mão bị thủy triều nhấn chìm khi bắt cá, nghêu sò trên biển.

Còn cồn Cống là dải đất cuối cùng của huyện Tân Phú Đông hướng ra biển. Cồn nằm giữa các cửa sông lại giáp biển, vừa thích hợp cho việc nuôi trồng và khai thác hải sản,vừa là nơi để phát triển du lịch sinh thái. Khu du lịch cồn Cống với diện tích 100ha, tổng nguồn vốn 300 tỷ đồng được một doanh nghiệp đầu tư xây dựng.

Cùng với hệ thống rừng ngập mặn khoảng 1.210ha từ xã Vàm Láng đến ấp Đèn Đỏ (xã Tân Thành) bao gồm cả rừng phòng hộ, bãi bồi ven biển, các cồn ven biển Gò Công được đánh giá là nguồn dự trữ sinh quyển quý giá của huyện Gò Công Đông và huyện Tân Phú Đông. Đây là tiền đề quan trọng góp phần hình thành nên tiềm năng du lịch sinh thái biển đặc trưng ở Gò Công cũng như khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Tín hiệu vui là sau khi cầu Mỹ Lợi đi vào hoạt động, lượng khách đến Gò Công tham quan, du lịch biển tiếp tục tăng, báo hiệu du lịch vùng biển Gò Công dần khởi sắc.

Cần một cú hích cho du lịch sinh thái biển

Với những đặc trưng của vùng biển cát đen, biển Gò Công có tiềm năng về du lịch biển phong phú cần được đầu tư đúng mức để khai thác, đáp ứng xu thế phát triển. Trong định hướng tới, cùng với việc tiếp tục đầu tư phát triển sản phẩm du lịch, phát triển tour du lịch liên kết sản phẩm trong tỉnh và Thành phố Hồ Chí Minh với vùng biển Gò Công, tỉnh Tiền Giang tăng cường mời gọi đầu tư các dự án phát triển du lịch biển, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Bà Lê Thị Hồng Tâm, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Gò Công Đông cho biết thời gian qua, việc mời gọi đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn luôn được địa phương quan tâm. Tuy nhiên, việc đầu tư chưa đến nơi đến chốn, dẫn đến dự án còn dang dở.

Trong thời gian tới, địa phương tiếp tục đẩy mạnh mời gọi đầu tư khai thác khu du lịch biển Tân Thành. Huyện kiến nghị tỉnh sớm có chủ trương cho Công ty cổ phần du lịch Tiền Giang thực hiện dự án Khu du lịch sinh thái kết hợp nhà hàng-khách sạn-phố thương mại Hương Biển diện tích 37.063,9ha ở ấp Cầu Muống, xã Tân Thành (khu du lịch Hương Biển cũ); tiếp tục mời gọi đầu tư vào Khu du lịch biển Tân Thành (tỉnh phê duyệt 80ha; đã khai thác 15,3ha, còn lại 64,7ha); hoàn chỉnh hệ thống kè đê biển toàn tuyến đê bao, nhằm thông tuyến giao thông trên hệ thống đê phục vụ cho việc tham quan cặp tuyến biển.

Cồn Ông Mão. (Nguồn: wikipedia.org)

Ngoài các khu vực gần bờ có tiềm năng phát triển du lịch rất lớn như cồn Ông Mão, khu Hàng Dương, bãi biển Tân Thành, huyện còn có hệ sinh thái rừng ngập mặn phòng hộ phân bổ ven biển và gần các cửa sông Soài Rạp, Cửa Tiểu với nhiều hệ động, thực vật sinh sống.

Ủy ban Nhân dân huyện Gò Công Đông kết hợp với Trung tâm phát triển du lịch tỉnh Tiền Giang quảng bá hình ảnh, mời gọi xúc tiến đầu tư, nhằm khai thác phát triển du lịch địa phương; mở các tour, tuyến du lịch (từ thị xã Gò Công đến tham quan Đền Trương Định-du lịch biển Tân Thành-huyện Tân Phú Đông…).

Ngoài ra, địa phương tập trung trùng tu, tôn tạo các di tích; đặc biệt là mở rộng di tích Đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định, di tích lịch sử "Đám lá tối trời," phục dựng các hầm lũy, cảnh quan của khu căn cứ nghĩa quân Trương Định… để phục vụ khách du lịch.

Đối với huyện Tân Phú Đông, ông Bùi Thái Sơn, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện cho biết tiềm năng phát triển du lịch sinh thái của cồn, bãi ven biển rất đa dạng và phong phú, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của huyện. Việc phát triển du lịch sinh thái biển sẽ nâng cao giá trị nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn và phát triển bền vững các hệ sinh thái rừng ngập mặn và các hệ sinh thái đặc thù vùng biển. Ủy ban Nhân dân huyện kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư, khai thác cồn Ngang.

Vừa qua, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang có Quyết định số 3441/QĐ-UBND phê duyệt chi tiết quy hoạch khu du lịch sinh thái Cồn Ngang là khu dịch vụ đa dạng với khu vui chơi giải trí, khu nhà nghỉ cao cấp, khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và dã ngoại vui chơi, khám phá thiên nhiên cho du khách muốn tìm hiểu về thiên nhiên miền Tây Nam bộ.

Việc lập quy hoạch chi tiết cũng như đã có doanh nghiệp đầu tư xây dựng khu du lịch ở Cồn Cống cho thấy điểm du lịch này được du khách biết đến từ lâu nhưng chưa được khai thác hết tiềm năng nhằm phát huy hiệu quả, thế mạnh vốn có của địa phương. Tiềm năng du lịch của các cồn, bãi ven biển nếu được khai thác đúng mức, đúng tầm sẽ phát huy thế mạnh của loại hình du lịch thiên nhiên hỗ trợ các mục tiêu bảo tồn môi trường tự nhiên, các giá trị lịch sử, văn hóa sở tại; đồng thời góp phần phát triển cộng đồng, tạo công ăn việc làm, tiêu thụ nông sản của người dân địa phương.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tiền Giang Võ Phạm Tân khẳng định ngành Du lịch tỉnh đang phối hợp với hai huyện Gò Công Đông và Tân Phú Đông tiến hành giai đoạn II phục dựng di tích lịch sử "Đám lá tối trời," xây dựng nơi đây thành trung tâm lễ hội khu vực phía Đông của tỉnh, kết hợp tham quan du lịch biển Tân Thành, các di tích lịch sử-văn hóa tại thị xã Gò Công như Đền thờ Trương Định, Nhà Đốc Phủ Hải, Lăng Hoàng Gia, Làng nghề tủ thờ Gò Công… và đặc sản mắm tôm chà Gò Công, được kỳ vọng trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng phía Đông tỉnh.

Trong tương lai, để trở thành một trong những điểm du lịch sinh thái được biết đến của tỉnh cũng như vùng Nam bộ, tỉnh Tiền Giang tập trung khai thác tiềm năng của biển Gò Công cùng hệ sinh thái ngập mặn ven biển, truyền thống lịch sử, văn hóa lễ hội, du lịch sinh thái nông-lâm nghiệp… để tạo ra những sản phẩm du lịch mới lạ, đặc trưng, có tính hấp dẫn cao.

Với đầy đủ những yếu tố tiềm năng và điều kiện đặc trưng hiếm có, biển Gò Công sẽ trở thành một địa điểm du lịch sinh thái đầy triển vọng với những sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách, góp phần giúp các huyện ven biển Gò Công phát triển bền vững./.

Hữu Chí (TTXVN/Vietnam+)

Chia sẻ bài viết