Tiếng Việt | English

01/02/2017 - 13:35

Tí tách bếp quê

Nhớ quá bếp quê! Nơi đó có người bà, người mẹ suốt đời nhen nhóm tình yêu thương bằng những điều giản dị nhất!

Rời quê hương miền sông nước Đồng Tháp Mười, gia đình tôi lên thành phố mưu sinh. Gần 20 năm ở chốn phồn hoa, đô hội, cuộc sống bận rộn, hối hả; bếp củi được tôi thay thế bằng bếp ga, bếp từ, nồi cơm điện,... thuận lợi, sạch sẽ.

Vì vậy, tiếng nổ tí tách của từng thanh củi dừa, củi tràm, những cuộn khói nghi ngút từ những nùi rơm khô thơm thơm mùi bùn đất, cùng những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán mẹ, trán ngoại để cho chị em tôi những bữa cơm nóng hổi, ngon lành với những món ngon dân dã từ ruộng đồng hoặc quanh vườn nhà như cá lia thia, cá rô bí kho quẹt; canh rau tập tàng nấu với cá trào cửng và vài tai nấm tràm ngọt ngất; rau hẹ nước, bông súng, rau dừa chấm mắm lóc đồng chưng;... chỉ còn trong ký ức.

Minh họa: HP

Càng nhớ hơn, khi mùa sen về, sắc hồng rực rỡ một góc trời, hương sen bát ngát khắp cánh đồng quê. Lũ con gái chúng tôi thi nhau hái sen: Hoa sen cài lên mái tóc, hoa sen chưng lên bàn thờ tổ tiên; ngó sen mẹ bóp gỏi thịt gà, rau răm; hạt sen già nấu bung, béo béo, ngọt ngọt, đắng đắng, thơm thơm - món ăn chơi mà bất cứ ai đến Đồng Tháp Mười cũng vương vấn khi về.

Những ngày giáp tết, tiết trời lành lạnh, ngồi trước mâm cơm với nhiều món ăn chế biến sẵn được bán nhiều trong siêu thị, âm thanh tí tách từ bếp quê lại vọng về nhiều hơn trong tâm trí những người con xa quê. Từ khi ngoại và ba mẹ về với tổ tiên, tôi ít trở về vùng quê sông nước với bao kỷ niệm vui, buồn. Nỗi nhớ quê trong tôi vơi đi đôi chút khi ra đường, thỉnh thoảng thấy những chiếc xe đẩy trưng bảng bán “Sen Mộc Hóa” với những gương sen, hạt sen, tim sen, ngó sen, hoa sen mà người bán cũng mang dáng dấp chân chất, quê mùa.

Qua hình ảnh ấy, tôi như chỉ tìm lại được một chút kỷ niệm tuổi thơ với hình ảnh sen quê; thế nhưng hồn sen, hương sen, vị sen với vị ngai ngái của bùn non vẫn không thể nào tìm thấy được giữa thành phố náo nhiệt này. Và tiếng tí tách của bếp quê cứ mãi vang vang gọi về trong tâm thức; bởi bếp quê đối với tôi không đơn giản chỉ là cái bếp vô tri, vô giác mà nó là phong tục, tập quán, cội nguồn, truyền thống của quê hương, dân tộc.

Nhớ quá bếp quê! Nơi đó có người bà, người mẹ suốt đời nhen nhóm tình yêu thương bằng những điều giản dị nhất!

Với tôi, bếp quê còn là biểu tượng cho sự ấm no, hạnh phúc, sự ấm áp, sum họp của gia đình. Tạm biệt bếp lửa hồng, tạm biệt dòng sông, tạm biệt rơm rạ thơm hương lúa mới, tạm biệt cánh đồng sen bát ngát,... tôi xa quê mang theo biết bao kỷ niệm không dễ phai mờ. Ngôi nhà lá đơn sơ, giản dị; chái bếp bảng lảng làn khói quanh quẩn, bay bay.

Bếp lửa hồng tí tách reo vui mỗi sáng, mỗi trưa, mỗi chiều với khuôn mặt đỏ hồng của chị em tôi trong những ngày cận tết, chầu chực bên mẹ để đợi “thử” những món mứt đồng quê của mẹ làm rồi tấm tắc khen mứt dừa béo ngậy, mứt bí giòn thơm, mứt mãng cầu deo dẻo, chua chua, ngọt ngọt; xúm xít cùng ngoại, cùng mẹ canh nồi bánh tét đêm giao thừa;...

Những ngày cận tết, ngồi bên gian bếp khang trang, bóng loáng, ánh lửa xanh không khói lạnh lùng, căn bếp càng thêm xa lạ! Lúc này, tôi lại muốn thấy làn khói bếp quê, mong được nghe tiếng tí tách từ bếp quê; muốn hít đầy lồng ngực làn khói thơm mùi rơm rạ. Tôi cũng muốn bàn tay mình được dính đầy lọ nghẹ, để đôi lúc nhớ nhớ, quên quên, bôi cả bàn tay ấy vào mặt để được mẹ trách yêu: “Con gái sao vô ý, vô tứ quá!”.

Lâm Thôn 

Chia sẻ bài viết