Thực hiện quan trắc ở nhiều vị trí
Những năm qua, tỉnh quan tâm công tác BVMT, thực hiện phương châm không đánh đổi môi trường lấy kinh tế; chọn lọc, ưu tiên thu hút các nhà đầu tư có ý thức BVMT và những dự án “xanh”, dự án có công nghệ cao, dự án phát triển công nghiệp sạch, sử dụng năng lượng tái tạo, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) - Nguyễn Tân Thuấn, công tác BVMT được tỉnh quan tâm thực hiện. Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở triển khai nhiều giải pháp BVMT, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm.
Ngoài ra, những năm qua, công tác quan trắc chất lượng môi trường của tỉnh được duy trì thực hiện theo định kỳ, trong đó có quan trắc chất lượng môi trường nước mặt.
Quan trắc nguồn nước mặt được thực hiện thường xuyên theo định kỳ
Việc quan trắc chất lượng nước mặt nhằm theo dõi diễn biến, đánh giá hiện trạng và phản ánh kịp thời chất lượng môi trường nước mặt các tuyến sông, kênh, rạch chính thuộc địa phận tỉnh. Từ đó làm cơ sở để đánh giá tính hiệu quả của các chính sách, công cụ quản lý về BVMT đang áp dụng; đồng thời là cơ sở dữ liệu để thực hiện báo cáo hiện trạng môi trường 5 năm của tỉnh và có các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý và giải quyết, xử lý kịp thời các vấn đề về môi trường.
Căn cứ vào kết quả quan trắc qua các đợt, Sở TN&MT đều có thông báo kết quả quan trắc đến UBND các huyện và các tỉnh phối hợp liên vùng để theo dõi, thực hiện các giải pháp BVMT.
Các điểm quan trắc chất lượng môi trường nước mặt được bố trí phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển KT-XH của địa phương và kinh nghiệm quan trắc trong thời gian qua.
Mặt khác, các điểm quan trắc có tính đại diện đặc trưng cho mục tiêu quan trắc và giám sát các thành phần môi trường, đáp ứng yêu cầu quản lý môi trường. Địa điểm, đối tượng quan trắc ưu tiên tập trung các đoạn sông, rạch bị ô nhiễm và các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, khu dân cư tập trung, khu nuôi, trồng thủy sản,... có ảnh hưởng trực tiếp, sâu, rộng đến môi trường và cuộc sống của người dân.
Trong năm 2024, Sở TN&MT quan trắc chất lượng môi trường nước mặt trên địa bàn tỉnh với tần suất 6 đợt/năm tại 68 vị trí được phân bố trên 7 tuyến sông, kênh, rạch chính, gồm sông Vàm Cỏ Đông (8 vị trí), sông Vàm Cỏ Tây (12 vị trí), sông Bảo Định (5 vị trí), sông Vàm Cỏ (6 vị trí), sông Cần Giuộc (4 vị trí), kênh Thầy Cai (8 vị trí) và các tuyến kênh, rạch chính (25 vị trí).
Kết quả quan trắc ghi nhận nước mặt trên địa bàn tỉnh cơ bản ít thay đổi về chất lượng so với các năm trước. Các sông Vàm Cỏ Đông,Vàm Cỏ Tây, Bảo Định, chất lượng nước còn khá tốt, chủ yếu ô nhiễm nhẹ chất hữu cơ, dinh dưỡng.
Một số con sông có lưu lượng dòng chảy lớn, khả năng tự làm sạch cao nên chất lượng nước còn đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất nhưng phải qua công nghệ xử lý phù hợp.
Đối với các tuyến kênh, rạch như kênh T1 (huyện Đức Hòa), kênh Thầy Cai, kênh An Hạ, sông Bến Lức và một số kênh, rạch chính trên địa bàn huyện Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước, nơi tiếp nhận nước thải của hoạt động công nghiệp, khu dân cư, đô thị nên bị ô nhiễm chất hữu cơ, dinh dưỡng khá cao và kéo dài trong nhiều năm, gây ảnh hưởng mỹ quan, hoạt động sản xuất nông nghiệp và chất lượng cuộc sống của người dân.
Một số tuyến kênh, rạch bị bồi lấp, nhiều vật cản trên kênh như rác, cỏ, lục bình,... làm cho quá trình tiêu thoát nước bị hạn chế và gây ô nhiễm nguồn nước.
Quan trắc nguồn nước mặt sẽ kịp thời phát hiện những ô nhiễm để có giải pháp bảo vệ môi trường
Sông Vàm Cỏ chủ yếu bị ô nhiễm chất hữu cơ ở mức thấp, nhiễm dinh dưỡng, phèn ở mức trung bình và nhiễm mặn vào các tháng mùa khô. Nhìn chung, mức độ ô nhiễm tại các vị trí hạ nguồn sông Vàm Cỏ qua địa bàn các huyện: Cần Đước, Cần Giuộc có phần cao hơn so với các vị trí thượng nguồn qua địa bàn huyện Tân Trụ và Châu Thành.
Trong khi đó, khu vực sông Cần Giuộc, nước bị ô nhiễm chất hữu cơ, chất dinh dưỡng, nhiễm phèn và nhiễm mặn vào các tháng mùa khô.
Chất lượng nước sông Cần Giuộc khu vực thượng nguồn (giáp ranh TP.HCM) nhìn chung có phần kém hơn so với đoạn sông chảy qua địa bàn huyện Cần Giuộc.
Ngoài ra, quan trắc chất lượng nước mặt kênh Thầy Cai trong năm 2024 cho thấy bị ô nhiễm chất hữu cơ, chất dinh dưỡng, nhiễm phèn và vi sinh tại đa số vị trí khảo sát.
Nguyên nhân ô nhiễm do kênh là nơi tiếp nhận nước thải từ hoạt động công nghiệp và nước thải sinh hoạt từ các khu dân cư tập trung.
Ngoài ra, nước mặt kênh Thầy Cai nhiễm phèn nặng, nguyên nhân do đặc điểm thổ nhưỡng tự nhiên và một phần tác động từ các nguồn thải ven kênh.
Ngày 23/2/2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1435 về quan trắc chất lượng môi trường tỉnh giai đoạn 2021-2025 để thực hiện. Theo kế hoạch này, hệ thống kênh, rạch chính trên địa bàn tỉnh có 25 vị trí quan trắc môi trường; nước mặt ở các sông có 68 vị trí quan trắc môi trường. Tần suất quan trắc của kênh, rạch chính và mặt nước sông là 6 lần/năm vào các tháng: 02, 4, 6, 8, 10, 11.
|
Nhiều giải pháp để bảo vệ chất lượng nguồn nước mặt
Theo Sở TN&MT, nhìn chung, qua kết quả quan trắc chất lượng môi trường nước mặt trên địa bàn tỉnh cho thấy các tuyến kênh, rạch chính đều bị ô nhiễm về chất hữu cơ, dinh dưỡng.
Nguyên nhân đây là những khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các hoạt động chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sinh hoạt của dân cư, các hoạt động sản xuất công nghiệp.
Mặt khác, một số tuyến kênh nội đồng bị bồi lấp, nhiều vật cản trên kênh như rác, cỏ, lục bình, đóng cống thủy lợi ngăn mặn vào mùa khô,... làm cho quá trình tiêu thoát nước bị hạn chế, suy giảm khả năng tự làm sạch của kênh và gây ra tình trạng ô nhiễm cục bộ vào mùa khô.
Cụ thể một số tuyến như sông Chợ Đệm, kênh 79, kênh số 3 gần bãi rác Tâm Sinh Nghĩa, kênh thoát nước thị trấn Đức Hòa, kênh Lò Lu,...
Để cải thiện chất lượng môi trường nước mặt, góp phần bảo vệ tài nguyên nước mặt của tỉnh, cơ quan quản lý môi trường đã và tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp. Đó là tăng cường công tác quy hoạch, kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ các nguồn nước thải từ sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp thải vào các sông, kênh, rạch đã và đang bị ô nhiễm. Xây dựng và vận hành hiệu quả các hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt khu dân cư tập trung. Đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, dự án đầu tư, xây dựng và vận hành hệ thống quan trắc và dự báo, cảnh báo chất lượng nước; các nhiệm vụ, dự án xử lý, cải thiện chất lượng nước khu vực, đoạn sông bị ô nhiễm. Đối với những vị trí có nồng độ các thông số vượt quy chuẩn quy định nhiều lần hoặc vị trí có nhiều thông số vượt quy chuẩn cần theo dõi thường xuyên và lưu ý trong việc sử dụng nước đúng mục đích nhằm hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Bên cạnh đó, nạo vét làm thông thoáng dòng chảy của các tuyến kênh, rạch nội đồng, vớt rác, lục bình trên sông, rạch để bảo đảm tưới tiêu, lưu thông đường thủy và vệ sinh môi trường. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao ý thức của cộng đồng doanh nghiệp và người dân về BVMT.
Ngoài ra, tiếp tục thực hiện chương trình quan trắc định kỳ hằng năm nhằm đánh giá diễn biến nồng độ của các thông số ô nhiễm và tạo cơ sở dữ liệu để cơ quan quản lý thực hiện các biện pháp quản lý phù hợp với thực tế./.
Lam Hồng