Tiếng Việt | English

01/12/2023 - 18:12

Thượng tọa Thích Lệ Tấn gần 30 năm ‘nối nhịp bờ vui’

Thượng tọa Thích Lệ Tấn - Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An Trụ trì chùa Giác Hoa (xã Hậu Thạnh Đông, huyện Tân Thạnh), là điển hình tiêu biểu của tỉnh trong thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với nhiều việc làm ý nghĩa hướng về cộng đồng.

Thượng tọa Thích Lệ Tấn kể lại hành trình thiện nguyện của mình

Hành trình gần 30 năm

Tâm nguyện của Thượng tọa rất giản dị, chỉ muốn người dân nông thôn có cây cầu kiên cố nối liền đôi bờ kênh, rạch, thay cho cầu cây tạm bợ, nhỏ, hẹp. Tâm nguyện ấy được Thượng tọa hiện thực hóa trong gần 30 năm nay.

Thượng tọa Thích Lệ Tấn quê gốc ở vùng “rốn phèn” Tân Thạnh. Đến năm 13 tuổi, ông xuất gia. Sau nhiều năm tu tập và tham gia công tác thiện nguyện, nhận thấy địa phương có kênh, rạch chằng chịt nhưng thiếu cầu giao thông, một số nơi người dân phải đi “cầu khỉ” hoặc bơi xuồng rất vất vả nên Thượng tọa phát nguyện vận động xây cầu giao thông để người dân đi lại thuận tiện hơn.

Thượng tọa Thích Lệ Tấn chia sẻ, ban đầu, do thiếu kinh phí lẫn kinh nghiệm, các cây cầu chỉ đủ rộng cho xe máy chạy, ngoài trụ bêtông, nhịp chính vẫn bằng gỗ. Về sau, Thượng tọa tham khảo mô hình xây cầu ở nhiều nơi để rút kinh nghiệm, đến tận TP.HCM chọn vật liệu và trực tiếp giám sát thi công để bảo đảm chất lượng công trình tốt nhất.

Toàn bộ cầu giao thông nông thôn trước khi thi công đều được Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tân Thạnh thẩm định. Tuy không qua trường lớp đào tạo nhưng nhờ nhiều năm tự tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu, Thượng tọa rất hiểu các kiến thức về xây dựng, có thể đọc và góp ý bản thiết kế, tính được tải trọng cầu. Vì vậy, nhiều người dân địa phương còn gọi Thượng tọa là “kỹ sư áo nâu”.

Từ cây cầu đầu tiên được xây dựng vào năm 1997, đến nay, Thượng tọa Thích Lệ Tấn đã vận động, tổ chức thi công xây dựng khoảng 300 cây cầu giao thông ở vùng sâu, vùng xa khu vực Đồng Tháp Mười với tổng kinh phí hàng chục tỉ đồng. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để người dân đi lại, góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Thượng tọa khá bận rộn. Vừa cầm cuốn sổ ghi chép lại thông tin sau khi đi khảo sát xây cầu, xây nhà tình thương, 2 chiếc điện thoại của Thượng tọa reo liên tục. “Một ngày nghe mấy chục cuộc gọi là bình thường. Có khi là thông tin người dân báo tiến độ xây cầu, có lúc là mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí,...” - Thượng tọa Thích Lệ Tấn chia sẻ khi đang cùng chính quyền địa phương đi kiểm tra tiến độ xây cầu bêtông có kinh phí khoảng 700 triệu đồng tại xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh. Tiếp đó, Thượng tọa đến thăm hỏi tiến độ xây nhà tình nghĩa quân - dân tại xã Hậu Thạnh Tây, huyện Tân Thạnh. Khi trời đổ cơn mưa, Thượng tọa tiếp tục vượt hành trình trên 10km kiểm tra tiến độ một cây cầu giao thông khác nối tỉnh Tiền Giang và Long An tại xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh.

Hạnh phúc là được giúp đời

Thượng tọa Thích Lệ Tấn cho hay: “Đạo Phật là “hộ quốc, an dân”, phụng sự chúng sanh là tôn chỉ, cho nên tâm niệm của chúng tôi còn sức khỏe là còn làm. Tôi muốn góp một phần công sức của mình không chỉ cho quê hương tôi mà còn cho những địa phương khác”. Vì lẽ đó mà từng năm qua đi, không chỉ huyện Tân Thạnh, những cây cầu dáng cong cong sơn màu vàng nhà chùa xuất hiện ngày càng nhiều tại các địa phương khác như huyện Mộc Hóa, Tân Hưng, Vĩnh Hưng đến tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp.

Cầu treo xã Hậu Thạnh Đông kinh phí hơn 1,6 tỉ đồng do Thượng tọa Thích Lệ Tấn cùng UBND huyện Tân Thạnh phối hợp xây dựng

Trân quý tấm lòng đó nên những cây cầu do Thượng tọa Thích Lệ Tấn xây dựng, còn có đội ngũ thợ phụ là người dân địa phương. Mỗi khi cầu được khởi công, người dân đến công trường xin phụ việc hoặc thay phiên nấu ăn cho những thợ xây. Như cây cầu bắc qua kênh Hai Hạt, nối huyện Tân Thạnh với huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, có khi một ngày gần 100 người dân 2 tỉnh đến đăng ký góp công sức.

Chạy xe đạp trên chiếc cầu bêtông kiên cố vừa hoàn thiện, em Lê Hoài Linh (ấp Xóm Cò, xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh, học sinh lớp 7A1, Trường THCS Hậu Mỹ Bắc B, xã Hậu Mỹ Bắc B, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) bộc bạch: “Em rất vui khi có cây cầu mới. Chúng em có thể chạy xe an toàn hơn, nhất là vào mùa mưa”. Niềm vui của em Linh cũng là niềm vui của người dân xã Nhơn Ninh và xã Hậu Mỹ Bắc B. Cây cầu có chiều dài 37m, rộng 3,7m, tổng kinh phí 1,2 tỉ đồng - là một trong những cây cầu có số tiền xây dựng nhiều nhất từ trước đến nay do Thượng tọa Thích Lệ Tấn phối hợp vận động.

“Từ nay đến cuối năm 2023, chỉ tiêu còn 8 cây cầu nữa phải hoàn thành, tâm nguyện của tôi là làm sao mỗi năm phải xây mới khoảng 30 cây cầu. Tôi chỉ mong mình có sức khỏe để giúp đỡ nhiều hơn nữa cho người dân. Với tôi, không có niềm vui nào hơn là được giúp người, giúp đời” - Thượng tọa Thích Lệ Tấn tâm sự.

Từ những hành động đẹp của mình, nhiều năm qua, Thượng tọa Thích Lệ Tấn được nhận nhiều giấy khen, bằng khen từ cấp huyện, tỉnh đến Trung ương. Trong đó, tiểu biểu là bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huân chương Lao động hạng Ba./.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết