Chiều muộn, anh bạn luật sư Trần Vĩnh Trinh gọi điện cho tôi, báo tin chú Sáu Du - chú ruột của anh - vừa mất. Dẫu biết chú ở tuổi xưa nay hiếm nhưng tôi vẫn cảm thấy một niềm tiếc thương dâng trào.
Tôi nhớ ngày đó tôi đến thăm, chú đã nghỉ hưu mấy năm rồi, ở bên kia bờ kênh Bắc Chan thuộc xã Tuyên Thạnh, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An (nay là xã Thạnh Hưng, thị xã Kiến Tường). Con kênh qua mấy mùa kháng chiến vẫn chỉ có vài chiếc “cầu tre lắt lẻo”, sang bờ bên kia lại gặp sình lầy ngập nước.
Chú sống đạm bạc trong căn nhà tole cột bạch đàn tạm bợ. Nghĩ, trước sau gì ông già cũng xây được cái nhà tường khang trang cho mình thôi. Tối đó, chú rọi đèn pin dắt tôi lội sình đi sang nhà người anh ruột, thứ Ba (cụ Ba Đời) ở cách nhà chú 3 mảnh ruộng và một cái ao sâu. Gặp ở bàn tròn với cái ấm trà bằng đất nấu bếp củi, 2 anh em chú say sưa kể chuyện ngày xưa, chuyện Cách mạng Tháng Tám, chuyện “Mùa thu rồi, ngày hăm ba”...
Bắt đầu là chuyện ông cố ở Huế theo ghe lưu dân đi đường biển tới “xứ sở lạ lùng, con chim kêu cũng sợ, con cá vùng cũng kinh” là Bắc Chan này. Ra đi, ông cố có mang theo một gốc mai vàng để trồng mà nhớ về miền cố thổ cội nguồn. Tới đời 2 chú đã gần trăm năm Pháp thuộc, vùng này vẫn còn hoang sơ.
“Hai anh em chèo xuồng đi học, trên bờ bên kênh cây rừng bao phủ; khỉ kéo tới cả bầy rung cây hù nhát đủ trò” - chú Sáu kể.
Chú bảo, hồi đó trên kênh Bắc Chan còn có cá nược, giống cá từ sông Mêkông bơi xuống, thỉnh thoảng nổi lên, bơi theo xuồng. Mùa khô cỏ cháy, heo rừng xộc vào vườn nhà dân ủi phá hoa màu, dân gõ thùng thiếc xua đi, không dám đuổi đánh vì sợ chúng tấn công nguy hiểm.
Như sực nhớ điều gì gây cảm xúc, chú Ba bất chợt lên tiếng: “Khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra, anh em chú đều “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu”; chú Sáu nó thoát ly vô bưng kháng chiến, còn chú tham gia ở địa phương”... Hốt nhiên, chú Ba cất tiếng hát: “Mùa thu rồi, ngày hăm ba/ Ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến/ Rền khắp trời lời hoan hô dân quân Nam nhịp chân tiến lên trận tiền/ Thuốc súng kém, chân đi không/ mà lòng người giàu lòng vì nước/ Nóp với giáo mang ngang vai/ Nhưng thân trai nào kém oai hùng...”.
Chú Sáu chợt hứng thú, nhịp tay lên bàn và hát theo: “Cờ thắm tung bay ngang trời/ Sao vàng xao xuyến khắp nơi bưng biền/ Một lòng nguyện với tổ tiên/ Thề quyết thắng quân ngoại xâm/... Thề quyết chống quân gian tham/ Ta đem thân ta liều cho nước/ Ta đem thân ta đền ơn trước/ Xây giang sơn hạnh phúc muôn đời/ Nền độc lập khắp nước Nam”...
Hình như tinh thần ngày Nam bộ kháng chiến (23/9/1945) trong bài hát Nam bộ kháng chiến của Tạ Thanh Sơn đang cháy trong tâm hồn hai bậc lão thành khiến tôi chạnh nhớ lần đi với cố nhà thơ Kiên Giang tới thăm thương binh đặc biệt Lê Thống Nhất ở quận 3, TP.HCM. Hai ông già cựu kháng chiến ấy cũng nhớ tới mốc son lịch sử ấy và hát bài Nam bộ kháng chiến tràn đầy cảm xúc.
Nhà cụ Lê Thống Nhất còn dành cả gian phòng khách treo đầy kỷ vật của những ngày đầu “kháng chiến 9 năm” đầy tự hào của mình. Chú Sáu vốn trầm tính, nhưng khi nhắc thuở “nóp với giáo mang ngang vai” là chú trở nên sôi nổi, tưởng như mình đang sống lại khung trời thần thánh “Mùa thu rồi, ngày hăm ba” dưới ngọn cờ cách mạng.
Rồi cách nay hơn mười năm, tôi đi thăm chú Sáu. đứng bên này bờ kênh Bắc Chan, tôi cất tiếng kêu như mọi lần để chú sai con trai chèo xuồng sang đón, nhưng tôi thấy chú ngồi im trên xuồng cột vào bờ kênh Bắc Chan trước nhà, mắt đăm đắm nhìn khoảng sân trống. Mãi lúc sau, chú mới giật mình ngó lên.
Thấy tôi, chú tự tay chèo xuồng đưa tôi lên nhà chú. Vẫn căn nhà tole cũ nhưng cột tràm đã được thay bằng cột bêtông và nền đất được tráng xi măng. Vậy ra, ông già vẫn chưa cất được nhà ngói! Còn nhớ cuối năm trước, tôi ghé thăm, thấy chú bắc thang lên cội mai cổ thụ trong cái chậu xi măng dày lớp rêu cổ kính chiếm hơn nửa vuông sân trước nhà để tuốt lá đặng mai ra bông kịp Tết Cổ truyền, tôi hỏi thăm về cội mai, chú có hơi ngần ngại, rồi cất giọng buồn buồn: “Bán rồi!”.
Tiếng “bán rồi” như nghẹn trên môi héo hắt của chú. Về sau tôi mới biết, có người gạ đổi chiếc máy cày Nhật Bản lấy cây mai, trong lúc đời sống khó khăn, nếu có máy cày, con trai chú có thể vừa cày ruộng nhà (ít thôi), vừa cày thuê để tăng thu nhập, chú đành bấm bụng để “lão” mai di sản thiêng liêng của bề trên “đội nón ra đi”.
Từ đó, chú sống trong nỗi khắc khoải hoài niệm lão mai khôn nguôi. Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ nghe chú than phiền điều gì hay trách cứ ai. Chú cứ an nhiên, tự tại, nghĩ điều tốt cho đời. Thỉnh thoảng chú được Đảng, Nhà nước tạo điều kiện đi thủ đô viếng Lăng Bác và đi thăm các di tích lịch sử. Khi kể lại những chuyến đi ấy, tôi thấy chú bộc lộ nhiều cảm xúc hân hoan.
Chú Sáu ơi! Bây giờ chú ra đi ở tuổi 94. Xin chú nhẹ bước vân du về với thế giới “người hiền”./.
*(Thay nén nhang dâng chú Sáu Trần Trung Du - nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, vừa ra đi ở tuổi thượng thọ 94)
Quang Hảo