Giao diện sàn thương mại điện tử tỉnh Long An
Mạnh dạn tiếp cận cái mới
Trên địa bàn tỉnh, hạ tầng công nghệ thông tin nói chung và hạ tầng phục vụ phát triển TMĐT nói riêng đã có những chuyển biến đáng kể. Nhiều DN, HTX, CSSX chủ động đổi mới, tăng cường đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin, tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, giảm chi phí tiếp thị và giao dịch. Bên cạnh việc lập website để phục vụ việc tiếp thị, quảng bá, hỗ trợ bán hàng cũng như tìm kiếm thị trường, các DN đã vận dụng linh hoạt các ứng dụng trên nền tảng số để đưa nhiều sản phẩm hàng hóa lên sàn TMĐT như Sendo, Voso, Postmart,...
Nhiều lần có mặt tại Sở Công Thương trong những buổi hướng dẫn đưa hàng hóa lên các sàn giao dịch điện tử, chủ Cơ sở mật ong Quang Vinh - Bùi Minh Quang (thị trấn Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa) đã thao tác khá thành thục so với lần đầu tiếp cận cách làm mới cách đây mấy tháng, sản phẩm của cơ sở đã đăng bán trên các trang TMĐT với hình ảnh đẹp, thông tin đầy đủ, rõ ràng. Để làm được như vậy, anh Quang đã chịu khó học hỏi và thao tác thường xuyên hơn.
Anh Quang chia sẻ: “Hiện nay, người dân mua hàng qua mạng rất nhiều, nó dần trở thành một xu thế. Một số cơ sở đã tiếp cận, khai thác, làm tốt và hiệu quả TMĐT nên cơ sở của tôi cũng học hỏi theo để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường. Hiện tại, dù số lượng bán ra chưa nhiều nhưng bước đầu cũng có những tín hiệu tích cực, nhiều khách hàng ở xa đã biết đến và đặt hàng của cơ sở”.
Sớm đưa tất cả sản phẩm của Công ty Vườn Nhà Mình lên sàn thương mại điện tử
Cùng suy nghĩ này, anh Phạm Ngọc Anh Tuấn (Giám đốc Công ty (Cty) TNHH Một thành viên Vườn Nhà Mình, xã Tân Bình, huyện Tân Trụ) cho biết: “Kinh doanh trong điều kiện dịch bệnh gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại, nhất là khâu tiếp thị, quảng bá sản phẩm của Cty. Nhờ có TMĐT mà tình hình tiêu thụ các sản phẩm của Cty có phần khởi sắc hơn. Hy vọng thời gian tới, ngành chức năng tiếp tục hỗ trợ để Cty đưa tất cả sản phẩm lên sàn TMĐT. Hiện nay, Cty nghiên cứu, áp dụng các chính sách bán hàng, giao hàng, quy cách thiết kế phù hợp với đặc thù sản phẩm”.
Lợi ích khi đưa sản phẩm lên sàn TMĐT là rất lớn, tuy nhiên mỗi cơ sở cũng cần có cách làm riêng, phù hợp với tình hình, quy mô và loại sản phẩm. Giám đốc HTX Nông nghiệp Sản xuất Thương mại Hoàng Anh (huyện Tân Thạnh) - Phạm Hoàng Giang chia sẻ: “Sản phẩm chủ lực của HTX là mít trái và mít xẻ miếng. Trong đó, mít xẻ miếng rất khó để vận chuyển đi xa. Vì vậy, HTX tiếp tục củng cố và mở rộng hệ thống kênh phân phối truyền thống, tạo mạng lưới dày đặc hơn ở các tỉnh, thành. Mặt khác, HTX sẽ linh hoạt xử lý khi có đơn hàng phát sinh từ trang TMĐT, kết nối với đại lý để rút ngắn thời gian, bảo đảm sản phẩm đến tay khách hàng nhanh và không giảm chất lượng”.
Cần trợ lực để phát huy hiệu quả
Hiện nay, các DN trên địa bàn tỉnh tham gia các sàn TMĐT: Lazada, Shopee, Sendo, Tiki, Voso, Postmart,... và một số DN tham gia các sàn TMĐT quốc tế như Alibaba, Amazon; cấp tỉnh thì có sàn TMĐT tỉnh Long An. Tuy nhiên, sàn TMĐT tỉnh Long An chủ yếu hỗ trợ DN quảng bá hình ảnh sản phẩm của DN, chưa phát sinh giao dịch qua sàn, hiện có 478 sản phẩm của 180 gian hàng được trưng bày trên sàn TMĐT tỉnh Long An.
Bên cạnh sàn TMĐT của tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng có sàn giao dịch và truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông nghiệp an toàn. Các tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh có thể đăng ký trên sàn, ghi nhật ký điện tử gắn với truy xuất nguồn gốc, tự tạo mã QR và đưa sản phẩm lên sàn để tiếp cận đơn vị thu mua. Ngoài ra, còn có thông tin vùng nguyên liệu gắn với truy xuất địa lý để các DN có thể liên hệ hợp tác dễ dàng hơn.
Sản phẩm của Công ty Vườn Nhà Mình đăng bán trên sàn thương mại điện tử tỉnh Long An
Theo đánh giá của các DN, HTX, CSSX, hiệu quả khi tham gia các sàn TMĐT chưa cao, doanh số bán hàng trên các sàn TMĐT còn thấp. Đa số DN còn gặp khó khăn trong nhân sự vận hành gian hàng trên sàn, quay clip và chụp hình sản phẩm đăng trên sàn, nhân sự chăm sóc khách hàng và chi phí chạy quảng cáo trên các sàn. Tuy nhiên, các DN, HTX, CSSX vẫn tiếp tục tham gia các sàn TMĐT trong thời gian tới vì thông qua các sàn TMĐT, DN có thể dễ dàng, nhanh chóng đưa sản phẩm tiếp cận người tiêu dùng.
Cùng với sự chủ động của các DN, HTX, CSSX, các sở, ngành, địa phương cũng triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ các đơn vị đưa sản phẩm lên sàn TMĐT. Để kịp thời trợ lực và khuyến khích các DN, HTX, CSSX trên địa bàn tỉnh thích ứng và phát triển, Phó Giám đốc Sở Công Thương - Châu Thị Lệ cho biết, mục tiêu của Sở là sẽ phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục đưa tất cả sản phẩm chủ lực và OCOP của tỉnh lên sàn TMĐT. Hiện các đơn vị chuyên môn tổng hợp nhu cầu của các cơ sở để đề xuất hỗ trợ trong thời gian tới.
Thời gian qua, Sở Công Thương triển khai nhiều chương trình hỗ trợ DN tham gia các sàn TMĐT như kết nối tiêu thụ dưa hấu (Cty Tài Lộc), mít (HTX Hoàng Anh), thanh long (Hiệp hội Thanh long) để tiêu thụ trên sàn TMĐT Tiki, theo phương thức Tiki mua rồi Tiki triển khai bán; phối hợp sàn Postmart đưa 174 sản phẩm của tỉnh lên sàn với 30 nhà cung cấp, trong đó có 5 đơn vị OCOP. Trong tháng 3-2022, Sở sẽ tập trung phối hợp các HTX, DN, hộ sản xuất nông nghiệp để đưa tất cả sản phẩm OCOP lên sàn TMĐT; giới thiệu Bưu điện tỉnh hỗ trợ 10 DN quảng bá, phát triển sản phẩm và nhận diện thương hiệu, nhất là trên sàn Postmart.
Sản phẩm của Cơ sở mật ong Quang Vinh được bán trên sàn thương mại điện tử tỉnh Long An
Tuy nhiên, do số lượng gian hàng, sản phẩm trên các sàn TMĐT quá lớn nên lượt hiển thị sản phẩm của tỉnh rất thấp và không thể tiếp cận được nhiều khách hàng. Hiện tại, một số DN đã lên sàn TMĐT như Cty Mecofood (gạo), Cty Chao Hưng Phát, Cty Vườn Nhà Mình,... thông tin doanh số bán trên các sàn TMĐT của các DN này vẫn còn rất thấp.
Hiện nay, Sở Công Thương phối hợp Trung tâm Phát triển TMĐT xây dựng phần mềm truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Phần mềm này nhằm mục đích hỗ trợ các đơn vị sản xuất, kinh doanh các sản phẩm đặc trưng của tỉnh tạo sự tin tưởng ổn định đối với khách hàng truyền thống; đồng thời, phát triển khách hàng tiềm năng; góp phần thúc đẩy việc quảng bá hình ảnh, thương hiệu các sản phẩm đặc trưng của tỉnh.
“Thời gian tới, Sở Công Thương tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ DN tham gia các sàn TMĐT. Cụ thể, Sở triển khai chương trình hỗ trợ 20 DN tham gia các sàn TMĐT lớn của Việt Nam (Shopee, Sendo, Lazada, Tiki, Voso, Postmart) và hỗ trợ 6 DN tham gia sàn TMĐT bán sỉ quốc tế Alibaba. Đồng thời, Sở hỗ trợ DN xây dựng bộ thương hiệu chuẩn quốc tế cho các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh trên môi trường trực tuyến (dự kiến hỗ trợ 12 đơn vị theo đề án TMĐT quốc gia năm 2022); tiếp tục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực để phát triển TMĐT. Ngoài ra, Sở đề xuất Cục TMĐT và Kinh tế số danh sách các DN, sản phẩm tham gia các chương trình phát triển, ứng dụng TMĐT do Bộ Công Thương triển khai (Gian hàng Việt trực tuyến, xuất khẩu TMĐT xuyên biên giới, Goonline, Online Friday,...)” - bà Lệ cho biết thêm.
TMĐT là một xu hướng tất yếu, thích hợp với điều kiện dịch bệnh và sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, đây vẫn là một hướng đi mới, cần thời gian và quyết tâm của DN, HTX, CSSX và sự chung tay hỗ trợ của các cấp, các ngành liên quan./.
Thời gian tới, Sở Công Thương tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ DN tham gia các sàn TMĐT. Đồng thời, Sở hỗ trợ DN xây dựng bộ thương hiệu chuẩn quốc tế cho các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh trên môi trường trực tuyến (dự kiến hỗ trợ 12 đơn vị theo đề án TMĐT quốc gia năm 2022); tiếp tục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực để pPhát triển TMĐT”.
Phó Giám đốc Sở Công Thương - Châu Thị Lệ
|
Bùi Tùng