Tiếng Việt | English

05/03/2023 - 08:19

Thuốc nào trị "bệnh sợ sai": Không làm để bảo toàn cá nhân

Tâm lý sợ sai không dám làm, thu mình lại với quan niệm “không làm không sai” xuất hiện “ngày càng nhiều” kể từ sau đại dịch Covid-19.

Trong chương trình trước, VOV đã đăng phần 1 loạt bài “Thuốc nào trị bệnh sợ sai”, với nhan đề “Chờ cơ chế - Đợi thông tư”, phản ánh những bất cập trong triển khai các dự án đầu tư tại các địa phương và ngành y tế, dẫn tới những hệ luỵ như, thiếu thuốc và thiết bị y tế chữa bệnh cho dân; hàng nghìn dự án đầu tư tồn đọng, chậm trễ cản trở sự phát triển mà nguyên nhân là từ tâm lý sợ sai. Vậy căn nguyên của “bệnh sợ sai” là gì?


Tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế đang diễn ra ở nhiều nơi

"Cán bộ sợ trách nhiệm, co mình lại, không dám làm. Hệ lụy là rất rõ. Thiếu thuốc, thiếu thiết bị y tế trong những bệnh viện mà là các bệnh viện lớn. Điều đó làm hỏng cả đội ngũ cán bộ của mình và trực tiếp người dân chịu hậu quả." - Đó là những ý kiến băn khoăn, trăn trở, thậm chí là lo lắng của nhiều người dân khi nói về những hệ lụy của tình trạng cán bộ thu mình, sợ sai, không dám làm. Tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác y tế năm 2023 vừa diễn ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thẳng thắn gọi tên tâm lý này. Thủ tướng nhấn mạnh, phải khắc phục tâm lý sợ sai, "làm ít, sai ít", "không làm, không sai" đang xảy ra ở một số cơ sở y tế.

Tâm lý sợ sai không dám làm, thu mình lại với quan niệm “không làm không sai” xuất hiện “ngày càng nhiều” kể từ sau đại dịch Covid-19. Có người ví von rằng, nếu như Covid-19 rút cạn sức lực của đội ngũ nhân viên y tế, thì các cuộc thanh tra, kiểm tra diễn ra sau đó được ví như những cơn gió, làm “lạnh sống lưng” nhiều người vừa bước ra từ cuộc chiến với đại dịch. Đây là bối cảnh "giọt nước tràn ly" khiến nỗi sợ lan rộng trong ngành y tế, dẫn tới hàng loạt hệ luỵ, trong đó nghiêm trọng nhất là tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế cho các bệnh viện công lập.

Cho rằng nguyên nhân khách quan là những quy định liên quan tới mua sắm thuốc, vật tư và trang thiết bị y tế có rất nhiều văn bản pháp luật chi phối, từ Luật đấu thầu, Luật Giá, Luật Tài sản công đến các Nghị định hướng dẫn, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đồng thời cũng nhìn nhận một nguyên nhân chủ quan đó là tâm lý “sợ trách nhiệm”: “Vừa qua có rất nhiều sai phạm liên quan tới lĩnh vực mua sắm thuốc, vật tư và trang thiết bị y tế. Cũng có một số trường hợp đã gây ra tâm lý lo lắng của đội ngũ cán bộ làm công tác đấu thầu, đặc biệt, đối với đội ngũ bác sĩ không có chuyên môn về tài chính khi phải triển khai thực hiện nhiệm vụ này. Do vậy, trong quá trình thực hiện cũng có ách tắc, chậm trễ”.


Dự án AIC Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) bỏ hoang 12 năm giờ là bãi trông xe tạm.

Tương tự, hàng nghìn héc ta đất bị bỏ hoang hoá nhiều năm có nguyên nhân cả khách quan, chủ quan và từ chính các nhà đầu tư. Một số dự án gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng do chính sách thay đổi qua nhiều thời kỳ; Công tác giải quyết thủ tục hành chính liên quan tới các dự án có vốn ngoài ngân sách sử dụng đất còn chậm. Một số chủ đầu tư cố ý chây ì không làm thủ tục, chậm phối hợp giải phóng mặt bằng đưa đất vào sử dụng.

Hay việc chậm giải ngân vốn đầu tư công cũng không phải là chuyện mới. Gần hết quý 1 năm 2023 nhưng vẫn còn 33 bộ, ngành cơ quan trung ương và 55 địa phương chưa phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương; trong đó đáng chú ý là Bộ Y tế chưa thực hiện phân bổ (tức là 0%) kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2023. Nguyên nhân của tình trạng chậm chạp này được cho là do giá vật liệu xây dựng tăng cao, tác động của dịch Covid-19 khiến thời gian thực hiện dự án kéo dài. Bên cạnh đó còn do năng lực của chủ đầu tư, nhà thầu và đặc biệt do tâm lý sợ sai, quan niệm “không làm để bảo toàn cá nhân” của không ít cán bộ.

Chỉ ra nguyên nhân để có giải pháp triệt tiêu tâm lý “sợ sai”, “sợ trách nhiệm”, bà Phạm Khánh Phong Lan, Chủ tịch Hội Dược học thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, ở đây chưa có sự đồng bộ của hệ thống pháp luật đối với một số vấn đề, dẫn đến tình trạng “đối với vấn đề này áp dụng luật này thì đúng, nhưng khi thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra thì lại sai. Áp dụng vào thời điểm này thì đúng, nhưng sau đó kiểm tra thời điểm khác thì lại sai”.

Bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết: “Bằng chứng là tôi đi giám sát thực tế đến một số tỉnh, thành, ý kiến cho rằng: Lúc dịch bệnh “chống dịch như chống giặc” thì họ tích trữ thuốc theo Nghị quyết 30 của Quốc hội. Họ nghĩ có Nghị quyết của Quốc hội cứ thế làm. Nhưng khi thanh tra, kiểm toán vào thì kiểm toán theo pháp luật hiện hành. Chưa kể bây giờ còn đối mặt với lao tù, không ai dám làm, sợ”.

Theo PGS.TS Đoàn Thế Hanh, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, việc chưa hoàn thiện các quy định pháp luật cũng chỉ là yếu tố khách quan. Nguyên nhân chủ quan đó là yếu tố con người mới là chính. Bởi thực tế đã chứng minh, ở đâu người đứng đầu và cấp uỷ quan tâm, cán bộ dám đột phá thì ở đó mức độ hoàn thành nhiệm vụ rất cao: “Tôi cho rằng, sợ sai và không dám quyết ở hai dạng. Dạng thứ nhất là không nắm vững chủ trương, đường lối quan điểm của Đảng mới sợ sai. Nếu nắm vững rồi thì trên cơ sở quan điểm chủ trương, chính sách, thậm chí cả những để xuất lên để xin phép làm thí điểm thì không sợ sai. Thứ hai là kém về phẩm chất đạo đức, chưa đủ, chưa ngang tầm chứ. Nếu vì dân vì nước thì hy sinh vẫn cứ làm”.

Thực tế, trong bối cảnh khó khăn, năm 2022 vẫn có 8 bộ, ngành cơ quan Trung ương và 30 địa phương hoàn thành 100% kế hoạch được giao. Đây là nguyên nhân và minh chứng thực tế về bản lĩnh của cán bộ.

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, chỉ trong lúc khó khăn nhất mới thấy được năng lực, ý chí của những người dám đổi mới. Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Trần Văn Lâm cho rằng: “Các khâu giải ngân đầu tư công liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều cơ quan nhiều nội dung chính sách pháp luật. Trong đó có cả những nội dung chưa thực sự là rõ ràng, còn chồng chéo, làm cản trở, làm khó khăn cho quá trình thực hiện giải ngân đầu tư công. Chính những khó khăn này làm cho một bộ phận cán bộ nếu như không mạnh dạn, không dám nghĩ, dám làm, quyết đáp, không dám chịu trách nhiệm thì sẽ “chùn tay”.


Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí

Lo lắng trước xu hướng, cán bộ vì bảo toàn cho bản thân mà quan niệm “làm ít, sai ít", "không làm, không sai”, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí chỉ rõ: “Khi Đảng, Nhà nước, nhân dân giao cho cán bộ đó trách nhiệm tùy theo cương vị của mình thế nhưng lại không làm. Không làm này là biểu hiện từ mức thấp đến cao. Có thể là làm nhưng không đến nơi đến chốn. Hơn nữa là làm nhưng làm sai trái lệch vấn đề. Cao hơn nữa thậm chí bỏ trốn tránh, lười nhác, có ngần ngại và cảm thấy không mang lại lợi ích riêng cho mình. Hậu quả lại vô cùng nghiêm trọng là lẩn tránh, thiếu trách nhiệm, không chịu làm dẫn đến các công việc bị bỏ bể, thậm chí đình trệ, tắc nghẽn và hậu quả là vô cùng lớn”.

Hậu quả của tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế cho các bệnh viện công lập; hàng nghìn dự án ì ạch, chậm tiến độ, bị bỏ hoang hoá cả thập kỷ đến nay chưa tháo gỡ được vướng mắc, khó khăn… không chỉ làm mất đi cơ hội phát triển mà còn làm nghèo đất nước, gây lãng phí nguồn lực quý giá của quốc gia./.

Nguyên Nhung - Lại Hoa/VOV1

Chia sẻ bài viết