Tiếng Việt | English

29/12/2021 - 14:27

Thuốc điều trị COVID-19 rất hứa hẹn nhưng cũng đầy thách thức

Nguồn cung cấp thuốc của Pfizer rất hạn chế trong khi phương pháp điều trị của Merck lại kém hiệu quả hơn so với kỳ vọng và những loại thuốc này không dành cho tất cả mọi người.


Thuốc Paxlovid điều trị COVID-19 do hãng dược phẩm Pfizer sản xuất tại Freiburg, Đức. (Ảnh: THX/TTXVN)

Thuốc Paxlovid của hãng dược phẩm Pfizer và thuốc Molnupiravir do Merck và Ridgeback Biotherapeutics phát triển đã được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) của Mỹ cấp phép vào tuần trước.

Những loại thuốc viên này được đánh giá có thể thay đổi cục diện đối với những người dễ tổn thương nhất trong đại dịch COVID-19, do có thể giúp họ tránh nguy cơ nhập viện và tử vong chỉ bằng cách đơn giản là uống thuốc trong 5 ngày, mỗi ngày 2 lần.

Các nhà nghiên cứu cho biết thuốc Paxlovid có hiệu quả tới 88-89% trong việc ngăn chặn nguy cơ bệnh trở nặng, khi dùng trong vòng 3-5 ngày đầu sau khi xuất hiện triệu chứng COVID-19. Trong khi đó, Molnupiravir cũng cho thấy hiệu quả, dù ở mức độ thấp hơn so với kỳ vọng.

Tuy nhiên, giới chuyên gia Mỹ cũng nhận định rằng ngoài việc trở thành bước đột phá đáng kể trong việc kiểm soát đại dịch COVID-19, hai loại thuốc kháng virus này cũng đi kèm một số cảnh báo đáng kể.

Ông Andrew Pekosz - Giáo sư vi sinh vật học và miễn dịch học thuộc trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg, đánh giá những viên thuốc này là “rất hứa hẹn." Ông nêu rõ: “Chúng có vai trò quan trọng trong việc hạn chế bệnh trở nặng. Nhưng cũng sẽ là thách thức để sử dụng chúng một cách hiệu quả."

Theo ông Pekosz, những thách thức đó bao gồm thực tế là nguồn cung cấp thuốc của Pfizer rất hạn chế, trong khi phương pháp điều trị của Merck lại kém hiệu quả hơn so với kỳ vọng và những loại thuốc này không dành cho tất cả mọi người.

Cả hai phương pháp điều trị trên sẽ chỉ được áp dụng đối với những người có nguy cơ cao phải nhập viện hoặc tử vong do COVID-19 - đó cũng chính là những nhóm đối tượng được nghiên cứu trong các thử nghiệm lâm sàng đối với Paxlovid và Molnupiravir. Ngoài ra, thuốc của Merck sẽ không được áp dụng đối với trẻ em hoặc người đang mang thai.

Trong khi đó, thuốc của Pfizer được khuyến nghị không sử dụng cho những người có vấn đề về gan hoặc thận và có thể phát sinh các phản ứng phụ nếu tương tác với các loại thuốc khác cùng sử dụng trong quá trình điều trị.

Một bất cập nữa là khả năng tiếp cận các loại thuốc này. Cả Paxlovid và Molnupiravir đều cần được uống càng sớm càng tốt sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Trong khi đó, kết quả xét nghiệm tại một vài địa phương đôi khi phải mất tới vài ngày. Thêm vào đó, chỉ các bác sỹ mới được phép kê đơn cho thuốc Paxlovid và Molnupiravir.

Theo kế hoạch, Mỹ sẽ có 65.000 liều thuốc của Pfizer sẵn sàng đưa vào sử dụng trong tháng này, trong khi 200.000 liều tiếp theo sẽ có vào tháng 1/2022, trong bối cảnh nước này dự báo sẽ có thêm hàng trăm nghìn trường hợp mắc bệnh do biến thể Omicron lan rộng. Vì vậy, số lượng thuốc phân bổ sẽ rất hạn chế. Ví dụ, thủ đô Washington của Mỹ sẽ chỉ nhận đủ thuốc cho 120 người, mặc dù thành phố này có tỷ lệ mắc mới cao nhất trong cả nước.

Tình trạng thiếu hụt này có khả năng sẽ kéo dài trong ngắn hạn. Việc tạo ra thuốc kháng virus rất phức tạp và sẽ mất từ 6-8 tháng để tăng cường sản xuất, trong đó Pfizer dự kiến sẽ sản xuất 120 triệu liệu trình điều trị vào năm 2022.

Chính phủ Mỹ đã đặt hàng trước 10 triệu liệu trình điều trị đối với thuốc của Pfizer và 3 triệu liệu trình thuốc của Merck. Giống như vaccine và kháng thể đơn dòng, thuốc kháng virus do chính phủ mua sẽ được cung cấp miễn phí cho người dân.

Thuốc kháng virus Molnupiravir do hãng Merck & Co của Mỹ bào chế. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngoài vấn đề nguồn cung, một thách thức khác nữa của Paxlovid là sự tương tác với các loại thuốc khác. Không phải tất cả các loại thuốc đều bị ảnh hưởng, nhưng một số loại - ví dụ như một số loại thuốc điều trị tim mạch và thuốc làm loãng máu, hay một số loại thảo dược có thể sẽ ảnh hưởng tới chất lượng điều trị của thuốc kháng virus này. Theo đó, những người sử dụng thuốc của Pfizer sẽ cần hợp tác chặt chẽ với bác sỹ, để theo dõi các tương tác thuốc này.

Thuốc điều trị của Merck chỉ giúp giảm 30% tỷ lệ nhập viện ở những bệnh nhân có nguy cơ cao. Phương pháp điều trị của Merck chỉ dành cho người trưởng thành, do có thể cản trở sự phát triển của xương và sụn ở trẻ em. Loại thuốc này cũng không được khuyến khích dùng thai phụ vì các nghiên cứu trên động vật cho thấy có thể có một số ảnh hưởng đến thai nhi.

Theo ông Anderson, nam giới muốn có con nên đợi 90 ngày sau khi điều trị. Ông nêu rõ: “Loại thuốc này hoạt động bằng cách tạo ra các đột biến và lỗi trong quá trình sao chép vật chất di truyền, và điều đáng lo ngại là quá trình này có thể lặp lại trong việc nhân bản vật chất di truyền trong giao tử, hoặc tinh trùng và phôi mới."

Cũng trong ngày thuốc của Pfizer được FDA cấp phép, một nghiên cứu về Remdesivir được công bố trên tạp chí New England Journal of Medicine cho thấy thuốc kháng virus liệu trình 3 ngày này có hiệu quả cao trong việc tránh nguy cơ nhập viện và tử vong nếu được sử dụng sớm khi mắc bệnh.

Chính phủ Mỹ cũng đang đặt hàng thêm Sotrovimab - các kháng thể đơn dòng từ GlaxoSmithKline và Công nghệ sinh học Vir có tác dụng chống lại biến thể Omicron. Đơn đặt hàng mới nhất của Sotrovimab gần đây đã được giao, nhưng Mỹ đang đặt hàng thêm 1 triệu liều, với 300.000 sẽ được cung cấp vào tháng tới.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh các phương pháp điều trị bệnh COVID-19 không phải là giải pháp thay thế vaccine. Chúng đặc biệt quan trọng đối với những người không thể tiêm chủng hoặc những người không đáp ứng tốt với vaccine, chẳng hạn như những người bị suy giảm hệ miễn dịch và người cao tuổi.

Ông Pekosz cho biết: “Những loại thuốc này sẽ giúp mọi người không phải đến bệnh viện. Chúng sẽ không giúp bạn cảm thấy tốt hơn vào ngày hôm sau khi bạn dùng nó. Chúng sẽ không làm giảm các triệu chứng của bạn. Nó chỉ giúp bạn không phải đến bệnh viện - một điều cực kỳ quan trọng đối với những nhóm có nguy cơ cao"./.

Thanh Phương (TTXVN/Vietnam+)

Chia sẻ bài viết