Tiếng Việt | English

21/06/2018 - 14:50

Thực phẩm an toàn: Còn nhiều khó khăn

Mục tiêu của các cơ quan chức năng hiện nay là tuyên truyền, khuyến khích người sản xuất làm ra thực phẩm sạch và kết nối đến người tiêu dùng. Tuy nhiên, vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi người sản xuất còn đặt nặng lợi nhuận, người tiêu dùng chưa ý thức lựa chọn thực phẩm an toàn cho bữa cơm gia đình.

Trang trại sản xuất rau sạch Nutifarm (TP.Tân An, tỉnh Long An)

Thách thức lớn

Ngày 15/5/2018, Cục Bảo vệ thực vật nhận thông báo của Bộ Công Thương về việc Ủy ban châu Âu (EC) dự định tăng cường kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đối với thanh long Việt Nam xuất khẩu sang EU, dự kiến có hiệu lực giữa tháng 6/2018. Nguyên nhân, thanh long xuất khẩu sang EU bị phát hiện lạm dụng thuốc BVTV. Phía EC dự định áp dụng quy định, mỗi lô thanh long xuất khẩu phải có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm (ATTP), dư lượng thuốc BVTV bảo đảm không vượt mức cho phép tối đa của EU kèm theo kết quả xét nghiệm. Đồng thời, phía EC tăng tần suất kiểm tra tại cửa khẩu (hiện là 10%).

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện cho biết: Hiện, nhiều người trồng thanh long sử dụng thuốc BVTV không đúng quy định, hướng dẫn của nhà sản xuất. Nếu các cơ quan chức năng không có biện pháp quản lý tốt thì chắc chắn, việc xuất khẩu thanh long sẽ gặp rủi ro. Trước thông báo của Bộ Công Thương, doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cần làm việc với các tổ chức sản xuất, thống nhất quy trình lấy mẫu và các chỉ tiêu dư lượng cần kiểm nghiệm, bảo đảm kết quả phù hợp với yêu cầu trước khi xuất khẩu thanh long.

Mới đây, một DN tại huyện Châu Thành bị đối tác nước ngoài trả 1 lô thanh long xuất khẩu do nhiễm nấm Carbendazim, gây hại sức khỏe người dùng. Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Vạn Thành (huyện Châu Thành) - Nguyễn Vạn Thành chia sẻ: “Hiện nay, nhiều nông dân trồng thanh long chưa áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào quy trình sản xuất, chủ yếu trồng và chăm sóc theo kinh nghiệm, bỏ qua khuyến cáo của ngành chức năng. Vì vậy, không riêng HTX Vạn Thành, một số DN, HTX khác đôi lúc cũng bị động, khan hiếm nguồn hàng bảo đảm ATTP để xuất khẩu sang các nước EU, Hàn Quốc, Nhật Bản,... Trong khi đối tác nhập khẩu ở nước ngoài cần lượng hàng lớn để tiêu thụ. Nếu như trước đây, thanh long xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc không kén chọn nguồn gốc, xuất xứ thì nay, nhiều DN buộc chúng tôi phải có giấy chứng nhận ATTP, truy xuất nguồn gốc. Nếu các cơ quan chức năng không quản lý tốt về việc sử dụng thuốc BVTV trên cây thanh long cũng như các cây trồng khác, việc xuất khẩu sẽ gặp khó khăn trong thời gian tới”.

Theo ông Lê Phước Tồn - thành viên HTX Rau an toàn Mười Hai (xã Long Khê, huyện Cần Đước), trồng rau theo quy trình an toàn vất vả hơn kiểu canh tác truyền thống vì phải tuân thủ đúng các quy định: Ghi chép đầy đủ, sử dụng thuốc theo danh mục cho phép, cách ly trước khi thu hoạch đúng thời gian ghi trên bao bì,... Tuy nhiên, rau an toàn hiện chưa được liên kết với DN tiêu thụ đầu mối nên phải bán cho thương lái với giá chợ. Nếu không vì sự phát triển bền vững, chúng tôi sẽ không mặn mà.

Nỗi niềm của ông Tồn cũng là trăn trở của anh N.V.L, ngụ phường 4, TP.Tân An. Trước đây, anh L. từng có công việc ổn định với thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng nhưng anh bỏ việc, đầu tư gần 100 triệu đồng xây dựng nhà lưới, hệ thống tưới phun, trồng rau ăn lá theo hướng hữu cơ sinh học. Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm, dịch hại tấn công (vì không sử dụng thuốc BVTV), sản lượng rau mỗi ngày thấp khiến anh không có lãi. Anh L. bộc bạch: “Tôi trồng rau an toàn nhưng khách hàng không nhiều nên nản lòng, không làm nữa và trở lại với công việc cũ”.

Phải thay đổi nhận thức

Ông Nguyễn Chí Thiện cho rằng: “Hiện, không ít nông dân chỉ quan tâm đến sản xuất và bán trực tiếp cho thương lái, chưa quan tâm thị trường đang cần gì và làm thế nào để có nguồn tiêu thụ sản phẩm ổn định. Mặt khác, vì nhận thức việc sản xuất các sản phẩm an toàn, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, có thương hiệu,... để phát triển bền vững còn hạn chế nên nhiều nông dân, HTX vẫn chạy theo lợi nhuận, chưa tạo được niềm tin cho người tiêu dùng, chữ tín với các DN phân phối”.

Sản xuất rau ở Hợp tác xã Rau an toàn Mười Hai

Ngoài ra, trên thực tế, người tiêu dùng có quan tâm về ATTP nhưng thói quen tiêu dùng chưa thay đổi. Bằng chứng là hiện nay, chợ tự phát xuất hiện rất nhiều và thu hút khách hàng hơn các chợ truyền thống, điểm kinh doanh cố định. Anh Nguyễn Hùng Thanh - chủ Cửa hàng Rau an toàn Phước Hòa (chợ phường 2, TP.Tân An), cho biết: “Hiện tại, đa số người tiêu dùng còn chọn lựa hàng chợ giá rẻ, chưa mặn mà với rau an toàn, chất lượng. Mỗi ngày, cửa hàng bán ra khoảng 500kg rau, củ, quả các loại, con số này ít so với lượng rau các tiểu thương bán tại chợ phường 2”. Đây cũng là nguyên nhân các cơ sở kinh doanh cố định còn ngại mở rộng, dẫn đến thực phẩm an toàn chưa được bán phổ biến.

Trên thực tế, Long An có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn nhưng số lượng nông sản có thể truy xuất nguồn gốc chỉ được một phần nhỏ. “Chỉ khi nào truy xuất được nguồn gốc thì giá trị nông sản mới được nâng lên và nông dân, doanh nghiệp tiêu thụ mới có được giá trị gia tăng từ sản phẩm an toàn và phát triển bền vững hơn” - ông Nguyễn Chí Thiện cho biết thêm./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết