Tiếng Việt | English

02/12/2024 - 14:40

Thực hiện ước mơ 'an cư, lạc nghiệp' cho người nghèo

Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc ta luôn nêu cao truyền thống đoàn kết, “tương thân, tương ái’, “bầu bí thương nhau”. Truyền thống tốt đẹp này không ngừng được gìn giữ, phát huy, trở thành hồn cốt văn hóa, sức mạnh nội sinh của đất nước.

Trong thời đại Hồ Chí Minh, chăm lo cho người nghèo là một chủ trương nhân văn và cần thiết, phản ánh sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta trong việc bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống cho mọi người dân, “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Việc chăm sóc cho hộ nghèo, cận nghèo là nhiệm vụ quan trọng nhằm tạo sự ổn định và phát triển cộng đồng.

Ở phạm vi cả nước, chương trình xây dựng nhà ở xã hội đã được Chính phủ phê duyệt, với mục tiêu xây dựng ít nhất một triệu căn nhà cho đối tượng có thu nhập thấp và người lao động, nhằm giúp họ ổn định cuộc sống. Những căn nhà Đại đoàn kết, nhà tình thương, mái ấm Công đoàn,... được xây dựng, trao tặng, mang lại mái ấm cho nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Những hoạt động này không chỉ cải thiện điều kiện sống mà còn giúp củng cố tinh thần cộng đồng, khơi dậy lòng “tương thân, tương ái” trong xã hội.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức cần vượt qua. Đến nay, cả nước còn hơn 315.000 hộ gặp khó khăn về nhà ở (khoảng 106.000 hộ người có công, 46.000 hộ thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia và 153.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo khác) cần được hỗ trợ cải thiện nhà ở bảo đảm an toàn, ổn định.

Những năm qua, công tác vận động, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình chính sách, người có công, người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Long An luôn được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện, các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức tôn giáo, nhà hảo tâm đồng tình hưởng ứng, ủng hộ. Toàn tỉnh có hàng ngàn hộ gia đình được hỗ trợ xây dựng mới, sửa chữa nhà ở bảo đảm an toàn, ổn định để “an cư, lạc nghiệp”, góp phần giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống, thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương.

Tuy nhiên, đời sống của một bộ phận người dân trên địa bàn tỉnh vẫn còn khó khăn, rất cần sự hỗ trợ về nhà ở; đặc biệt, nhiều hộ gia đình phải ở trong nhà tạm, nhà dột nát nhưng không đủ khả năng tự sửa chữa, nâng cấp; điều kiện nguồn lực địa phương còn hạn chế, chưa đáp ứng đủ nhu cầu kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các hộ gia đình trong toàn tỉnh. Theo thống kê sơ bộ (chưa đầy đủ) của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, nhu cầu hiện nay còn 122 hộ (36 hộ nghèo, 86 hộ cận nghèo) có đất và 41 hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa có đất để vận động xây dựng, sửa chữa nhà tạm, dột nát.

Trước hoàn cảnh trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị về việc tăng cường sự lãnh, chỉ đạo của Đảng thực hiện công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh. Qua đó, nhằm phát huy tinh thần, nguồn lực, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tiếp tục triển khai, thực hiện tốt công tác phát triển nhà ở cho người dân, đặc biệt chung tay hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu toàn hệ thống chính trị quán triệt sâu sắc quan điểm xóa nhà tạm, nhà dột nát là những biện pháp, hoạt động thiết thực, ý nghĩa, góp phần thực hiện chủ trương lớn, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước về công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững. Xác định rõ đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp, các ngành, địa phương, cần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt để phấn đấu hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh trong năm 2025.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể tổ chức tuyên truyền sâu, rộng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và thu hút sự quan tâm của toàn xã hội, nhất là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên tinh thần “tương thân, tương ái ”, “ai có gì giúp nấy, ai có công giúp công, ai có của giúp của, ai có ít giúp ít, ai có nhiều giúp nhiều”; tập trung triển khai, thực hiện theo phương châm “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, MTTQ và các đoàn thể hỗ trợ, Nhân dân làm chủ” với các nguồn hỗ trợ.

Xóa nhà tạm, nhà dột nát là chủ trương hết sức nhân văn trong việc bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống cho mọi người dân, “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Chủ trương này cần được tuyên truyền, lan tỏa mạnh mẽ, tạo động lực, truyền cảm hứng xã hội, tạo ra phong trào thi đua hiệu quả nhằm khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường dân tộc, khát vọng phát triển đất nước, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cùng góp phần “an cư, lạc nghiệp” cho hộ nghèo, hộ cận nghèo”./.

Giúp người dân 'an cư, lạc nghiệp' 

Tạo điều kiện cho người dân sống cặp mé kênh, người không có chỗ ở ổn định được “an cư, lạc nghiệp” là cách huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người dân...

Tân An

Chia sẻ bài viết