Tiếng Việt | English

05/05/2018 - 10:32

Thực hiện cam kết FTA: Nhiều thách thức với nguồn thu ngân sách

Ôtô nhập khẩu tại cảng container Trung tâm Sài Gòn (SPCT). (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Việc ký kết và tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã đem lại nhiều cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam, cũng như có tác động tích cực đối với các doanh nghiệp trong hội nhập và mở rộng thị trường. 

Tuy nhiên đi kèm đó là số thu ngân sách của ngành hải quan giảm do nhiều mặt hàng có kim ngạch lớn, thuế suất cao theo lộ trình phải cắt giảm sâu thuế suất thuế nhập khẩu. Điều này trực tiếp tác động lên nguồn thu ngân sách nhà nước.

Giảm thu khoảng 30.000 tỉ đồng trong năm 2018

Theo các chuyên gia kinh tế, việc thực hiện các cam kết FTA cũng đặt ra không ít thách thức cho nền kinh tế của Việt Nam như: giá trị gia tăng của hàng xuất khẩu thấp, nguồn thu ngân sách Nhà nước giảm đáng kể do thuế nhập khẩu giảm. 

Điều này có thể lấy ví dụ từ tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước hằng năm của ngành hải quan. Nếu như từ năm 2007 đến năm 2014 tốc độ thu trung bình tăng trên 10%/năm, thì đến năm 2015 tốc độ này chỉ tăng khoảng 3,6%, năm 2016 tăng 3,8%.

Năm 2018, Tổng cục Hải quan được Quốc hội và Bộ Tài chính giao dự toán thu ngân sách nhà nước 283.000 tỉ đồng trong khi Tổng cục đặt chỉ tiêu phấn đấu thu đạt 293.000 tỉ đồng. Số thu ngân sách Nhà nước của ngành hải quan trong 3 tháng đầu năm đạt 64.450 tỷ đồng, bằng 23,82% dự toán. 

Chia bình quân cho 3 tháng, mỗi tháng thu đạt hơn 21.483 tỉ đồng, trong khi đó với chỉ tiêu phấn đấu cả năm đạt 293.000 tỉ đồng thì bình quân mỗi tháng ngành hải quan phải thu 24.417 tỷ đồng.

Trong khi đó, nhiều hiệp định thương mại tự do khác như ASEAN-Hàn Quốc, ASEAN- Trung Quốc, ASEAN-Nhật Bản bước vào giai đoạn cắt giảm thuế nhập khẩu mạnh dẫn đến việc thu ngân sách cũng bị ảnh hưởng lớn. 

Khi Việt Nam tham gia sâu rộng các hiệp định này, xu hướng dịch chuyển nhập khẩu hàng hóa từ khu vực không được hưởng thuế ưu đãi sang các khu vực được hưởng ưu đãi cũng gây giảm nguồn thu ngân sách trong năm nay.

Bốc dỡ hàng hóa xuất nhập khẩu. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)

Đặc biệt từ 01/01/2018, Việt Nam thực hiện Hiệp định thương mại tự do ASEAN (ATIGA), 90 dòng hàng có thuế suất giảm xuống còn 0%, rơi vào nhóm hàng ôtô trong khi đây là nhóm hàng chiếm tỷ trọng thu rất lớn trong năm 2017.

Ông Lưu Mạnh Tưởng, Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan, cho biết đối với mặt hàng ôtô nguyên chiếc các loại, ngoài ảnh hưởng từ các FTA, ôtô dưới 9 chỗ ngồi nhập khẩu từ ASEAN có thuế suất giảm từ 30% xuống 0%, còn có ảnh hưởng của Nghị định 116/2017/NĐ-CP về quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô (Nghị định 116) có hiệu lực từ 01/01 cũng làm giảm số thu từ mặt hàng này trong 3 tháng đầu năm 2018.

Trong 3 tháng đầu năm nay, số lượng ôtô nguyên chiếc nhập 4.100 chiếc, trị giá đạt 114,4 triệu USD, giảm 83,9% về lượng và giảm 75,1% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Số thuế phải thu đạt 1.180 tỉ đồng, giảm 87% so với cùng kỳ năm trước, làm giảm thu 7.868 tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước. 

Ghi nhận từ thị trường cho thấy, nguồn cung ô tô nhập khẩu trên thị trường đang khan hiếm vì bị nghẽn lại do Nghị định 116. Nếu như 3 tháng đầu năm 2017 cả nước nhập khẩu 26.366 xe ôtô nguyên chiếc thì quý đầu tiên của năm 2018 các doanh nghiệp chỉ nhập 4.100 xe. Mức sụt giảm được xem là không phanh, khi lượng hàng nhập về giảm mạnh, kéo theo ngân sách bị hụt thu.

Ông Lưu Mạnh Tưởng cho biết việc ký kết và đưa vào thực hiện các FTA đã làm giảm số thu ngân sách của ngành hải quan do nhiều mặt hàng có kim ngạch lớn, thuế suất cao theo lộ trình phải cắt giảm sâu thuế suất thuế nhập khẩu.

Theo tính toán của Tổng cục Hải quan, giảm thu do các FTA trong năm 2018 ước khoảng 30.150 tỉ đồng; trong đó, dự kiến giảm thu của mặt hàng ô tô dưới 9 chỗ ngồi khoảng 2.500 tỉ đồng; thuế linh kiện phụ tùng ôtô giảm thu khoảng 1.100 tỉ đồng; giảm thu khi doanh nghiệp đáp ứng được các điều kiện quy định tại Nghị định 125/2017 (về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan) khoảng 3.500 tỉ đồng. 

Trong quý 1, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động và cung cấp ra thị trưởng khoảng 3,5 triệu tấn, với giá dầu thô hiện hành gần 60 USD/thùng, nên giảm thu thuế nhập khẩu từ mặt hàng xăng dầu khoảng 8.300 tỉ đồng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Định Tiến Dũng cho biết riêng khoản thu của ngành hải quan do chịu tác động từ việc cắt giảm thuế từ các FTA là giảm hơn 30.000 tỉ đồng. Do vậy, việc đưa ra các giải pháp để đạt mục tiêu thu ngân sách nhà nước năm nay là một bài toán khó đối với ngành hải quan.

Bàn cách khắc phục

Theo ông Phạm Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) thì lộ trình giảm thuế nhập khẩu đối với mặt hàng ôtô đã được quy định nhưng giá bán xe còn phụ thuộc vào các thành tố có liên quan khác. Vấn đề là các thành tố đó được giữ nguyên hay thay đổi.

Việc nhiều dòng thuế nhập khẩu giảm về 0% sẽ ảnh hưởng tới số thu ngân sách từ hoạt động nhập khẩu. Tuy nhiên, từ những năm trước, khi tham gia ký kết các FTA, Việt Nam đã xác định nguồn thu từ hoạt động xuất nhập khẩu sẽ giảm. Do đó, để bảo đảm thu và cân đối ngân sách đối với loại thuế này, trong quá trình xây dựng dự toán hàng năm, ngành tài chính đã tính đến các yếu tố nói trên.

Khu vực tiếp nhận, giải quyết hồ sơ của doanh nghiệp tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đình Vũ. (Ảnh: Minh Thu/TTXVN)

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng để đảm bảo thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế, tận dụng được thuận lợi, giảm thiểu những tác động bất lợi do quá trình cắt giảm thuế đảm bảo ổn định, bền vững cho nguồn thu ngân sách trong dài hạn, Việt Nam cần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng kim ngạch thương mại bền vững để tăng thu thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường ở khâu nhập khẩu đồng thời tiếp tục cải cách hệ thống thuế với mục tiêu xây dựng hệ thống thuế đồng bộ vừa khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển, vừa đảm bảo nguồn lực tài chính đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội.

Bên cạnh đó, ngành tài chính thực hiện rà soát và điều chỉnh những bất cập trong chính sách thuế đảm bảo phù hợp với những quy định của các cam kết; đẩy mạnh các chính sách khai thác các nguồn thu từ thuế nội địa như cải cách các chính sách về thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế sử dụng đất... để đảm bảo tính ổn định cho ngân sách về dài hạn.

Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội), từng bình luận khi các dòng thuế giảm theo lộ trình, tạo áp lực lên nguồn thu ngân sách, với số thu có thể bị giảm, Nhà nước sẽ đưa ra thêm nhiều loại thuế, phí mới để bù đắp nguồn thu. Điển hình, như với xăng dầu, khi thuế nhập khẩu giảm thì Bộ Tài chính tăng thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng; hoặc thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô. Theo tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, các gánh nặng này sẽ đổ lên doanh nghiệp khiến doanh nghiệp nội kém cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài.

Đại diện lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục rà soát việc miễn, giảm, hoàn thuế, không thu thuế theo quy định của pháp luật thuế. Phát hiện sai sót, vi phạm trong miễn, giảm, hoàn thuế; trong đó tập trung kiểm tra các dự án, các trường hợp được hưởng ưu đãi thuế có sự khác biệt giữa Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 45/2005/QH11 và Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13. Cùng đó, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản về miễn thuế, hoàn thuế, không thu thuế khắc phục những sơ hở bất cập trong thực hiện.

Bên cạnh đó, cơ quan này cũng sẽ tăng cường kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành; trong đó tập trung vào các mặt hàng có trị giá lớn, thuế suất cao, hàng hóa nhập khẩu của các doanh nghiệp từ các thị trường có nghi vấn; hàng hóa khai giảm giá, mức giá khai báo thấp hơn cơ sở dữ liệu; hàng hóa khai báo thuế suất ưu đãi đặc biệt, khai thuộc đối tượng miễn thuế, hoàn thuế; hàng hóa khai sai loại hình sau đó đề nghị thanh khoản hoàn thuế.../.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết