Tiếng Việt | English

24/02/2022 - 09:44

Thúc đẩy phục hồi sản xuất và phát triển kinh tế

Sở Công Thương Long An vừa ban hành Chương trình hành động thực hiện nhiệm vụ ngành Công Thương năm 2022. Sở sẽ chủ động triển khai, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trên lĩnh vực công thương, nhất là phối hợp thực hiện, thúc đẩy phục hồi sản xuất và phát triển kinh tế với nhiều giải pháp thích hợp.

Hội nghị triển khai nhiệm vụ của ngành Công Thương năm 2022

Nhiều chỉ tiêu cụ thể

Giám đốc Sở Công Thương - Nguyễn Tuấn Thanh cho biết, mục tiêu chung của Sở năm 2022 là tổ chức quán triệt, triển khai, thực hiện các nhiệm vụ do Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Bộ Công Thương giao cho ngành Công Thương, quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, chỉ tiêu chủ yếu mà kế hoạch đề ra. Các chỉ tiêu chủ yếu của ngành, gồm: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) (theo giá so sánh năm 2010) đạt 6,5-7%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ là 96.400 tỉ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 6,4 tỉ USD; kim ngạch nhập khẩu đạt 5 tỉ USD; 99,97% hộ sử dụng điện;...

Về hạ tầng công nghiệp, Sở tập trung theo dõi, đôn đốc, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các cụm công nghiệp (CCN) hoàn chỉnh hạ tầng, đủ điều kiện tiếp nhận nhà đầu tư thứ cấp. Phấn đấu có thêm từ 2 CCN đi vào hoạt động trong năm 2022. Về hạ tầng năng lượng, Sở tiếp tục rà soát, đề xuất, đôn đốc, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình điện theo kế hoạch phân bổ vốn của ngành Điện. Phấn đấu năm 2022 nghiệm thu đóng điện 1 nhà máy năng lượng mặt trời, công suất 49 MWp (TTC Đức Huệ 2).

Về hạ tầng thương mại, Sở tập trung xúc tiến thu hút đầu tư chợ, siêu thị trên địa bàn tỉnh. Trong đó, chú trọng mời gọi nhà đầu tư như siêu thị Go, Co.opMart trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố. Phấn đấu năm 2022 phát triển ít nhất thêm 10 cửa hàng tiện ích (San Hà, Co.opFood, Bách Hóa Xanh, Vinmart+, Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh,...); thu hút, triển khai đầu tư ít nhất 1 dự án trung tâm logistics theo quy hoạch được duyệt.

Giải pháp thích hợp

Ông Nguyễn Tuấn Thanh cho rằng, năm 2022, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, để đạt mục tiêu đề ra, ngành Công Thương tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh thông qua hướng dẫn, kiểm tra, giúp doanh nghiệp trong giai đoạn mới theo quy định. Công tác tuyên truyền nâng cao ý thức phòng, chống dịch cũng được tập trung thực hiện. Qua đó, giúp doanh nghiệp không chủ quan trước dịch bệnh, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh trong trạng thái “bình thường mới”, bù đắp thời gian ngưng sản xuất do dịch bệnh. Đồng thời, ngành nâng cao hiệu quả công tác lập và triển khai các quy hoạch, kế hoạch của ngành thông qua thực hiện các chương trình đột phá và công trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI; phát triển mạng lưới cấp điện, CCN, thương mại được phê duyệt, tích hợp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Song song đó, ngành cũng đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế gắn với phục hồi, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Năm 2022, ngành Công Thương tập trung thu hút, tham gia xúc tiến đầu tư và phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, giảm chế biến thô và sơ chế, nâng cao tỷ trọng chế biến các mặt hàng nông sản có giá trị gia tăng cao. Việc kết nối, giới thiệu, liên kết hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa tiếp tục được thực hiện, nhất là liên kết hợp tác với các tỉnh, TP.HCM để thúc đẩy tiêu thụ nông sản. Sở chú trọng phát triển chuỗi cung ứng nông sản sạch, an toàn, sản phẩm OCOP vào kênh phân phối hiện đại.

Ngoài ra, Sở Công Thương tiếp tục tập trung phát triển, tái cơ cấu ngành công nghiệp, thu hút và hỗ trợ các dự án đầu tư trọng điểm, công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp năng lượng sạch. Ngành kịp thời tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các doanh nghiệp ổn định sản xuất, phát triển kinh doanh hậu Covid-19; tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận các giải pháp phục hồi kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy liên kết và phát triển chuỗi giá trị nông sản đảm bảo chất lượng, quy định về truy xuất nguồn gốc; triển khai, thực hiện các giải pháp kích cầu, tiêu thụ hàng hóa; các giải pháp khôi phục chuỗi cung ứng xuất khẩu và đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sau dịch Covid-19./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết