Sở Công Thương kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ, quảng bá sản phẩm tại Trạm dừng chân trên tuyến quốc lộ N2 qua địa bàn huyện Thạnh Hóa
Thúc đẩy liên kết
Phó Giám đốc Sở Công Thương - Châu Thị Lệ cho biết, thời gian qua, Sở tập trung hỗ trợ nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, cơ sở sản xuất nhỏ và vừa sử dụng trang thiết bị tiên tiến vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm theo hướng hàng hóa. Bên cạnh đó, Sở cũng tổ chức nhiều cuộc hợp tác, trao đổi, kết nối cho việc tiêu thụ các sản phẩm do các cơ sở này sản xuất để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Thông qua đó, nhiều cơ sở sản xuất đáp ứng tốt nhu cầu của DN là đơn vị bán lẻ, làm phong phú thêm nguồn thực phẩm trong thị trường.
Trong quá trình phát triển, Long An có nhiều sản phẩm được NTD tin dùng, được bán rộng khắp nhiều nơi. Năm 2020, UBND tỉnh đã công nhận 14 sản phẩm đặc trưng gồm: Gạo Nàng Thơm Chợ Đào, gạo Huyết Rồng Long An, nếp Long An, thanh long Long An, khóm Bến Lức, dưa hấu Long An,... Ngoài các sản phẩm này, các cơ sở, DN trong tỉnh còn có nhiều sản phẩm tiêu dùng khác có khả năng trở thành sản phẩm hàng hóa mang đặc trưng riêng của tỉnh, có khả năng cung ứng cho thị trường với sản lượng ổn định, lâu dài. Hiện Sở Công Thương đang tiến hành kết nối với một số đơn vị như Co.opMart Tân An, San Hà Foodstore, Vinmart, Bách Hóa Xanh, trạm dừng chân,... dành riêng một không gian để trưng bày, giới thiệu, bày bán sản phẩm tại các nơi này.
Về vấn đề này, đại diện Co.opMart Tân An, San Hà Foodstore, Vinmart chia sẻ, rất sẵn lòng và sẽ dành riêng một khu vực nhất định để trưng bày, bán sản phẩm. Hiện Co.opMart Tân An thực hiện các thủ tục với Saigon Co.op xây dựng các mã hàng hóa riêng biệt của tỉnh để tiêu thụ. Điều kiện chung là hàng hóa có thể truy xuất được nguồn gốc, đáp ứng tốt các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm.
Nâng chất sản phẩm
Sau một thời gian đầu tư trồng và chế biến sâm bố chính, đến nay, Công ty (Cty) TNHH Hoàng Ngọc Global (ấp 6, xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ) đã phát triển được nhiều sản phẩm từ sâm như sâm tươi, trà hoa sâm, trà củ sâm, rượu sâm, sâm ngâm mật ong, củ sâm tươi thái lát,... Cty hiện còn kết hợp sâm vào sản phẩm bánh tráng. Bánh tráng nhân sâm là món ăn có dược tính, bổ dưỡng với các món như bánh tráng cuốn, chả giò. Loại bánh này đang được nhiều người ưa dùng. Theo Giám đốc Cty - Phan Thị Ngọc Bích, hiện tại, nhân sâm được Cty liên kết với nông dân trồng theo hướng an toàn sinh học, không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nên hoàn toàn phù hợp theo hướng tiêu dùng xanh, truy xuất nguồn gốc. Mong muốn lớn nhất của Cty là ngày một hoàn thiện sản phẩm, hoàn thiện nhà máy cho tất cả các khâu sản xuất, máy sấy và chế biến, từng bước đưa sản phẩm đến gần với NTD hơn với giá cả cạnh tranh.
Là người miền Tây, chắc hẳn nhiều người biết đến thương hiệu mắm cá Châu Đốc Cô Ba Thảo. Đây là một trong những cơ sở sản xuất mắm lâu đời và nổi tiếng tại miền Tây Nam bộ hàng trăm năm nay. Đại diện cơ sở - ông Trần Chấn Thiên cho biết, cơ sở sản xuất mắm được hình thành và phát triển dựa trên những phương pháp cổ truyền. Hiện nay, ngoài lưu giữ những phương pháp truyền thống, cơ sở còn đưa trang thiết bị hiện đại vào sản xuất để nâng chất sản phẩm. Thời gian gần đây, cơ sở đầu tư sản xuất tại xã Tân Lân, huyện Cần Đước, bởi nơi đây có nguồn nguyên liệu. Cũng giống như cơ sở tại Châu Đốc, tại Cần Đước, đơn vị này cũng chế biến các loại: Cá lóc, cá linh, cá sặt, cá trèn, cá chốt, tôm đất, ba khía,... Để có thể thu hút người dùng sản phẩm, cơ sở đang xây dựng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn HACCP.
Theo nhận định của bà Châu Thị Lệ, hiện nay, trong quá trình kinh doanh, nhiều DN rất chịu khó, đầu tư kinh phí để thực hiện các công đoạn nâng chất lượng sản phẩm, đáp ứng đủ các tiêu chuẩn để có thể phân phối sản phẩm ra thị trường lớn. Trong đó, không ít DN chú trọng xây dựng và nhận diện thương hiệu qua bao bì sản phẩm. Bởi, bao bì thương hiệu là phần quan trọng trong chiến lược marketing, thể hiện được nguyên liệu, cách trình bày, màu sắc, hình ảnh và những thành phần khác mang đến sự ấn tượng cho sản phẩm.
Tuy nhiên, hiện không ít cơ sở, DN trên địa bàn tỉnh chưa chú trọng nâng chất sản phẩm, xây dựng thương hiệu nhận diện thông qua bao bì sản phẩm do ngại đầu tư chi phí. Bên cạnh đó, không ít cơ sở sản xuất chỉ chú trọng sản xuất nhưng thiếu hụt nguồn nhân lực phục vụ quá trình phân phối sản phẩm ra thị trường. Đây cũng là trở ngại lớn cho các đơn vị sản xuất bởi khi tham gia kết nối cung - cầu không đủ các điều kiện để phân phối ra thị trường.
Trước những vấn đề này, bà Châu Thị Lệ cho biết thêm, Sở Công Thương luôn khuyến khích DN, cơ sở sản xuất nhỏ, lẻ đáp ứng đủ các điều kiện về truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm thông qua bao bì, mã vạch, mã QR. Bởi đây là xu hướng, nhu cầu tất yếu trong thời đại 4.0. Việc làm này không chỉ tạo thuận lợi cho các cơ quan quản lý nhà nước giám sát chất lượng mà NTD và DN đều hưởng lợi vì nguồn gốc sản phẩm được minh bạch./.
Mai Hương