Sáng 26/01, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp cùng hai tỉnh Hưng Yên, Hà Nam tổ chức Lễ thông xe Công trình cầu Hưng Hà và tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Thủ tướng phát lệnh thông xe cầu Hưng Hà
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến dự và phát lệnh thông xe. Đây là dự án quan trọng giúp kết nối và nâng cao khả năng khai thác của hai tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, tạo động lực lớn để phát triển kinh tế - xã hội của hai tỉnh Hưng Yên, Hà Nam nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ nói chung.
Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Tô Lâm; lãnh đạo các bộ, ngành; Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Hưng Yên, Hà Nam.
Dự án tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình có điểm đầu tuyến tiếp nối với nút giao liên thông giữa Quốc lộ 39 với đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng; điểm cuối tuyến tiếp nối với nút giao Liêm Tuyền thuộc dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Tổng chiều dài tuyến khoảng 48km, tốc độ thiết kế 80km/h với 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ.
Về phần dự án thành phần công trình cầu Hưng Hà và đường dẫn hai đầu cầu, đây là dự do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư; Ban Quản lý dự án Thăng Long quản lý thực hiện. Tư vấn Thiết kế kỹ thuật và giám sát thi công, nhà thầu thi công do các doanh nghiệp Hàn Quốc thực hiện. Tổng mức đầu tư là gần 3.000 tỉ đồng, trong đó vốn vay gần 2.500 tỉ đồng từ Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế (EDCF) Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Chiều dài toàn tuyến là khoảng 6,2 km, trong đó cầu dài khoảng 2,1km, đoạn đường dẫn phía Hưng Yên 2,1km và phía Hà Nam 1,9km. Tốc độ thiết kế là 80km/h, có 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ. Cầu được thiết kế vĩnh cửu với 41 nhịp.
Thủ tướng yêu cầu tiến tới có một tuyến cao tốc kết nối đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, việc đưa công trình cầu Hưng Hà và tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình vào sử dụng sẽ khai thác hiệu quả hơn các hạ tầng ở Hà Nam, Hưng Yên và vùng kinh tế phía Bắc; góp phần rút ngắn hành trình và chi phí cho các phương tiện khi vận chuyển, lưu thông từ các tỉnh phía Đông Bắc Bộ vào khu vực miền Trung, miền Nam và ngược lại.
Thủ tướng đánh giá cao chủ đầu tư, các nhà thầu và đơn vị liên quan đã nỗ lực để dự án hoàn thành sớm hơn 6 tháng so với kế hoạch; đồng thời biểu dương hàng nghìn hộ dân trong vùng dự án đã đồng thuận, di chuyển đến nơi tái định cư để có mặt bằng xây dựng các công trình. Thủ tướng tiểu dương sự nỗ lực, cố gắng của hai tỉnh Hưng Yên, Hà Nam, Bộ Giao thông vận tải, Ban Quản lý dự án Thăng Long trong quá trình chuẩn bị, triển khai các dự án và hỗ trợ thu xếp nguồn vốn giải phóng mặt bằng.
Nhân dịp này, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng cảm ơn Chính phủ, nhân dân Hàn Quốc, Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc đã thu xếp vốn cho nhiều công trình hạ tầng, đặc biệt là Dự án cầu Hưng Hà vượt sông Hồng và đường dẫn hai đầu cầu nối hai tỉnh Hà Nam - Hưng Yên.
Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh Hưng Yên và Hà Nam, Bộ Giao thông vận tải, Ban Quản lý dự án Thăng Long chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước trong tổ chức quản lý khai thác, bảo trì công trình, đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, hoàn thiện các công trình phụ trợ, vận hành công trình an toàn, thông suốt và hiệu quả.
Thủ tướng và các đại biểu cắt băng thông xe
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tiếp tục nghiên cứu, tìm kiếm nguồn vốn để đầu tư giai đoạn 2, hoàn thiện tuyến đường theo quy mô hoàn chỉnh trong thời gian sớm nhất, bảo đảm phát huy hiệu quả khai thác của toàn bộ dự án. Cùng với đó là phối hợp với hai địa phương cắm mốc lộ giới gấp đôi mặt cắt hiện nay để tiến tới có một tuyến cao tốc kết nối giữa đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với tầm nhìn chiến lược phát triển tốt hơn.
Cùng với yêu cầu hai tỉnh Hà Nam, Hưng Yên kiểm soát, đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến, Thủ tướng yêu cầu hai tỉnh thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội hai bên tuyến theo hướng công nghiệp, đô thị, để tạo sức bật mới cho cả Hà Nam và Hưng Yên. Cùng với đó là tạo mọi điều kiện thuận lợi để đồng bào đã nhường đất cho dự án có cuộc sống ổn định và tốt hơn./.
Vũ Dũng/VOV.VN