Tiếng Việt | English

01/08/2018 - 21:21

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tiếp tục duy trì động lực tăng trưởng

Chiều 01/8, kết luận buổi thảo luận về tình hình kinh tế xã hội của đất nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra yêu cầu cần tiếp tục duy trì động lực tăng trưởng không chỉ cho năm nay mà còn những năm tiếp theo 2019-2020.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

“Chúng ta tiếp tục tạo niềm tin thị trường, niềm tin cho doanh nghiệp để tiếp tục phát triển sản xuất, kinh doanh ở nước ta trong giai đoạn tiếp theo,” Thủ tướng nói và nhấn mạnh đây là vấn đề cần quán triệt trong công tác quản lý điều hành. 

4 mục tiêu kinh tế vĩ mô được đảm bảo 

Nhận xét tình hình kinh tế xã hội của đất nước, Thủ tướng phân tích 4 mục tiêu cơ bản kinh tế vĩ mô của đất nước tiếp tục được đảm bảo: GDP tăng, ổn định giá cả, tăng việc làm, giảm thất nghiệp và xuất khẩu ròng 2018. Lần đầu tiên chỉ số thất nghiệp quốc gia giảm 2,2%. 

Nền kinh tế có dấu hiệu đổi chiều, bắt đầu tăng từ quý 2/2017 và theo đánh giá của các chuyên gia, kết quả này có được nhờ những cải cách thể chế, sự chỉ đạo, điều hành tập trung của Chính phủ, lợi ích từ hội nhập sâu rộng…Việc ứng dụng thành tựu công nghệ mới bước đầu làm tăng năng suất lao động tăng; chỉ số logistic của Việt Nam tăng 5 bậc, đứng thứ thứ 3 trong ASEAN, sau Thái Lan và Singapore. Cùng với đó, đời sống người dân được cải thiện, nông nghiệp được mùa, giá cả ổn định. 

Thủ tướng cũng chỉ ra những thách thức, rủi ro trong ngắn hạn mà nền kinh tế phải đối mặt đó là: Ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, tình trạng nhập siêu, rủi ro về dòng vốn FDI đảo chiều, kiều hối giảm, vấn đề bảo hộ thương mại... 

“Chúng ta tăng dự trữ ngoại tệ rất đáng mừng, trên 63 tỷ USD nhưng không thể chủ quan cho rằng Việt Nam đủ sức kiểm soát tỷ giá trước tác động của thị trường tài chính toàn cầu,” Thủ tướng nói. 

Khẳng định quan điểm nhất quán thực hiện các mục tiêu: Tăng trưởng, cuộc sống và môi trường, Thủ tướng lưu ý trong phát triển kinh tế cần chú trọng vấn đề môi trường và đảm bảo an toàn cho người dân tốt hơn, bao gồm an ninh trật tự, an toàn xã hội, bão lũ.. 

Sát sao, quyết liệt hơn 

Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ sát sao hơn, quyết liệt hơn trong triển khai các giải pháp, lĩnh vực của ngành mình phụ trách. Các Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh cần có kế hoạch cụ thể, phân công nhiệm vụ rõ ràng, giao trách nhiệm kiểm tra đôn đốc các nhiệm vụ, nhất là việc tháo gỡ nút thắt về thể chế.” 

“Chúng ta có rất nhiều quy định, có nhiều hội nghị bàn rất sâu những giải pháp, chỉ đạo những bất cập, tồn tại để tháo gỡ nhưng đâu đó, cấp này, cấp khác vẫn có sự trì trệ trong phát triển đất nước, làm ảnh hưởng đến không chỉ góc độ tăng trưởng mà cả niềm tin của người dân,” Thủ tướng trăn trở. 

Chỉ đạo những giải pháp cụ thể, Thủ tướng đề nghị siết chặt kỷ luật tài khóa, hoàn thành kế hoạch thu ngân sách, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công theo đúng kế hoạch bởi hiện tiến độ nhiệm vụ này còn rất chậm. 

Thủ tướng chỉ đạo từng bộ, địa phương cần đánh giá cụ thể nguyên nhân những rào cản, hạn chế trong công tác quản lý để “các công trình dự án có vốn, có tiền phải được giải ngân, phát huy tác dụng," tiêu biểu như một số dự án xây dựng bệnh viện, trường đại học dù có vốn nhưng giải ngân vẫn rất khó khăn. 

Các Bộ trưởng cần nghiêm túc xem xét lại vấn đề giải ngân trong lĩnh vực bộ mình quản lý, đi vào chiều sâu của công tác quản trị; tiến hành thanh tra, kiểm tra nghiêm túc, thường xuyên. 

Xác định nút thắt của vấn đề này chính là công tác thể chế, Thủ tướng đồng ý đề nghị tiếp tục hoàn thiện luật đầu tư công; đẩy mạnh các công trình trọng điểm quốc gia, nhất là trong lĩnh vực giao thông vận tải. 

Thủ tướng nhất trí không thay đổi các chính sách tài chính trong năm tài khóa 2018 kể cả thuế xăng dầu, VAT, giá các loại hàng hóa, dịch vụ công; kiểm soát chặt chẽ giá dịch vụ giáo dục, y tế tránh làm gia tăng lạm phát. 

Đặc biệt, Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu ổn định tỷ giá đồng Việt Nam linh hoạt; không giảm lãi xuất cho vay, “không chạy trước đón đầu thị trường tài chính quốc tế như nhiều người khuyến nghị khi chưa có yếu tố tác động cụ thể.”

Trong việc gia tăng số lượng và chất lượng tăng trưởng, Thủ tướng định hướng cần tập trung cả vào cung và cầu. Một mặt chú trọng đến thị trường xuất khẩu nhưng cũng cần quan tâm thỏa đáng hơn đến thị trường nội địa gần 100 triệu dân với chất lượng phục vụ, tiêu dùng tốt hơn, đặc biệt quan tâm nhiều hơn đến vấn đề an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khỏe người dân. 

“Cần xem xét lại hệ thống cơ chế kiểm soát chất lượng sản phẩm.” - Thủ tướng nhấn mạnh. 

Thủ tướng cũng chỉ đạo tiếp tục tạo niềm tin tăng trưởng 30% cho du lịch Việt Nam đi đôi với chấn chỉnh lại chất lượng hoạt động du lịch; phát huy việc thu hút khách chất lượng cao. 

Toàn cảnh phiên họp Chính phủ. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Công khai những địa phương chậm trễ trong cổ phần hóa doanh nghiệp 

Quan ngại trước thực trạng nhiều địa phương vẫn rất chậm trễ trong công tác cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, Thủ tướng chỉ đạo cần công khai những địa phương này và yêu cầu Tổ công tác của Thủ tướng trực tiếp làm việc với các địa phương này để đôn đốc, kiểm tra. 

Về nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Thủ tướng giao các bộ, ngành, ngày 15/ 8 này phải hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung điều kiện kinh doanh, hoàn thành rà soát, đề xuất cắt giảm 50% danh mục hàng hoá phải kiểm tra chuyên ngành, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp. 

Thủ tướng cũng đề nghị tái cơ cấu mạnh mẽ, thực chất hơn nữa lĩnh vực nông nghiệp; triển khai có hiệu quả Nghị định 57, thúc đẩy mạnh mẽ doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp nhằm tăng thu nhập cho người nông dân và tăng năng suất lao động. 

Cùng với đó là tổ chức lại thị trường trong lĩnh vực chế biến, chế tạo để có thể phát triển bền vững trong giai đoạn dài hơi hơn sau 2020. 

Thủ tướng giao Bộ Ngoại giao phối hợp tốt với các cơ quan liên quan chuẩn bị tốt cho sự kiện đối ngoại hội nghị WEF – ASEAN sẽ được tổ chức trong năm 2018. 

Thủ tướng hoan nghênh lực lượng Công an đã chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt việc xử lý điểm nóng ma túy tại Sơn La và nhiều vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng khác. 

Thủ tướng nhắc lại nhiệm vụ và yêu cầu các bộ Y tế, Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chấn chỉnh vấn đề nhà vệ sinh tại các bệnh viện, trường học, phát động toàn xã hội cùng tham gia, để “năm học này vấn đề này được cải thiện tốt nhất.” 

Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành liên quan xây dựng chương trình chủ động hơn trong công tác phòng, chống thiên tai, lũ lụt. 

Đề cập đến những vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng thời gian qua, Thủ tướng giao Bộ Giao thông và Vận tải cần chỉ đạo một cách khoa học hơn việc thực thi các chủ trương, biện pháp đảm bảo an toàn giao thông, xác định rõ trách nhiệm nhà xe chứ không chỉ có lái xe. 

Tại buổi làm việc, Thủ tướng cũng đề nghị các Bộ trưởng cần làm gương, làm nghiêm việc triển khai quy hoạch báo chí trong ngành và trong các hội, hiệp hội liên quan. Các cơ quan báo chí cần tăng cường những thông tin tích cực lấn át những thông tin gây hoài nghi, thiếu niềm tin trong xã hội. 

Nhắc lại những tổn thất lớn về cán bộ sau các vụ việc sai phạm tại Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông vừa qua, Thủ tướng cũng đề nghị các thành viên Chính phủ cần làm gương trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm, hoàn thiện việc xây dựng phong cách phục vụ nhân dân tốt hơn nữa, sát dân hơn nữa, chống quan liêu, tham nhũng để đem lại hiệu quả, hiệu lực công việc một cách tốt nhất./. 

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết