Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại Phiên họp toàn thể giữa các nhà lãnh đạo ASEAN và Thủ tướng Ấn Độ. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Chiều tối 25/01, tại Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ Đối tác đối thoại ASEAN-Ấn Độ diễn ra ở thủ đô New Delhi, Ấn Độ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu với tư cách nước điều phối quan hệ ASEAN-Ấn Độ.
Xin trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Phiên họp toàn thể của Hội nghị này.
Thưa Ngài Thủ tướng Narendra Modi,
Thưa các Quý vị đồng nghiệp,
1. Là quốc gia điều phối quan hệ ASEAN-Ấn Độ, cùng các đồng nghiệp Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), tôi xin chúc mừng các đồng nghiệp ASEAN, Ấn Độ và ngài Thủ tướng Narendra Modi nhân kỷ niệm 25 năm quan hệ đối tác đối thoại và nay là quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-Ấn Độ. Tôi tin rằng thành công của Hội nghị lần này sẽ mở ra chặng đường mới phát triển tốt đẹp của quan hệ hợp tác hữu nghị hai bên.
2. Người dân Ấn Độ và khu vực Đông Nam Á có những mối liên hệ truyền thống về thương mại, sự kỳ diệu trong giao thoa văn hóa từ hơn 2.000 năm trước. Nhiều dòng sông lớn của hai khu vực chúng ta (sông Hằng, Irrawaddy, Chao Phraya và Mekong) đều có mạch nguồn từ khu vực rộng lớn của Dãy Hymalaya, đỉnh cao nhất, nóc nhà hùng vĩ của thế giới.
Theo dòng chảy của những dòng sông và trên biển Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương bao la là những chuyến tàu hàng hóa ngược xuôi, mà trĩu nặng trong mỗi sản phẩm là kết tinh của những giá trị văn hóa, tôn giáo. Trải qua thời gian, nền văn minh Ấn-Hằng, dấu ấn văn hóa, tôn giáo Ấn Độ đã chạm tới, lan tỏa trong nhiều mặt đời sống của người dân Đông Nam Á.
Phải chăng sự giao lưu tốt đẹp này, là do Ấn Độ và Đông Nam Á, chúng ta đã đến với nhau một cách tự nhiên bằng con đường của hòa bình, hợp tác cùng với tư duy, triết lý sâu sắc của Phật giáo, Ấn Độ giáo về lòng từ bi, sự hiền hòa, bao dung mà dấu ấn còn khắc ghi sâu đậm trên những kiến trúc đền, đài, chùa độc đáo, uy nghi tại các quốc gia khu vực. Bộ tem kỷ niệm chúng ta vừa phát hành hôm nay, một lần nữa, cho thấy sức mạnh của liên kết lâu đời và bền vững ASEAN-Ấn Độ.
3. Trong 25 năm hợp tác vừa qua, ASEAN và Ấn Độ đã tiếp bước những kết nối lịch sử hữu nghị lâu đời để vun đắp cho nền móng vững chắc của quan hệ chính trị tin cậy, mở đường cho hợp tác toàn diện ASEAN-Ấn Độ đạt nhiều kết quả hợp tác tích cực vì hòa bình và thịnh vượng chung:
Hợp tác chính trị tin cậy là nội hàm chủ đạo trong quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-Ấn Độ (2012). Hiện nay, hai bên có 30 cơ chế đối thoại Cấp cao và các cấp, đang phát huy tác dụng tích cực, bổ sung lẫn nhau, hướng tới hòa bình, ổn định, xây dựng cấu trúc khu vực an ninh cân bằng, bền vững và minh bạch. Chúng tôi tin rằng Ấn Độ sẽ luôn là một đối tác đáng tin cậy của ASEAN.
Hợp tác kinh tế là nội dung quan trọng trong quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-Ấn Độ. Các Hiệp định về thương mại, đầu tư và dịch vụ ký năm 2009 và 2014 đã tạo nên cơ sở cho sự hợp tác chặt chẽ. Kim ngạch song phương đã tăng gần 2,5 lần trong 10 năm qua, đạt tới 76 tỷ USD năm 2017[1]. ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Ấn Độ và Ấn Độ là đối tác thương mại đứng thứ 6 của ASEAN.
Dòng vốn đầu tư giữa hai bên đạt 110 tỷ USD kể từ năm 2000 (trong đó đầu tư từ ASEAN là hơn 70 tỷ USD; đầu tư từ Ấn Độ đạt hơn 40 tỷ USD). Chúng tôi đánh giá cao cam kết của Ấn Độ về thúc đẩy hợp tác đường bộ, hàng không, hàng hải, kết nối số với ASEAN; hoan nghênh nhiều sáng kiến hợp tác kết nối, như khoản vay 1 tỷ USD dành cho các dự án kết nối số và kết nối hạ tầng, dự án đường cao tốc Ấn Độ-Myanmar-Thái Lan...
Là cường quốc về khoa học-công nghệ, Ấn Độ đã chia sẻ, hợp tác với ASEAN trên nhiều lĩnh vực, nhất là về nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ số, công nghệ vũ trụ, quốc phòng, bảo đảm an ninh hàng hải, chống khủng bố... Trong khuôn khổ ASEAN, Dự án “Trạm dò tìm, tiếp nhận dữ liệu và Trung tâm xử lý dữ liệu ảnh vệ tinh” do Ấn Độ tài trợ đặt tại Việt Nam vừa đáp ứng nhu cầu về dữ liệu viễn thám, vừa đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao cho ASEAN.
Bên cạnh đó, hợp tác văn hóa, giao lưu nhân dân được đẩy mạnh thông qua các chương trình gặp gỡ thanh niên, quan chức chính phủ, học giả, trao đổi tôn giáo, du lịch tâm linh... Chúng tôi đánh giá cao các hoạt động kỷ niệm 25 năm quan hệ ASEAN-Ấn Độ như Hội nghị Cấp cao Thanh niên, Trại sáng tác nghệ thuật, Liên hoan âm nhạc…đã tạo cơ hội giao lưu cho thế hệ trẻ ASEAN và Ấn Độ.
Trong hợp tác phát triển, Ấn Độ là đối tác có nhiều đóng góp quý báu với nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN. Nhiều trung tâm Công nghệ thông tin, Đào tạo phát triển và hỗ trợ doanh nghiệp, Giảng dạy tiếng Anh… đã hoạt động tại Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực cho nhiều người dân, doanh nghiệp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại Phiên họp toàn thể giữa các nhà lãnh đạo ASEAN và Thủ tướng Ấn Độ. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Thưa Quý vị,
4. Chúng ta có cơ sở để tin rằng hợp tác ASEAN-Ấn Độ sẽ là điểm sáng trong thành công của Thế kỷ châu Á-Thái Bình Dương. Hiện nay, chúng ta là cộng đồng của 1,8 tỷ dân có mức sống và sức mua ngày càng cao, chiếm gần 1/4 dân số toàn cầu; với tổng GDP đạt gần 3.800 tỷ USD, quy mô tương đương nền kinh tế thứ 3 thế giới. Đó là những tiềm năng to lớn, cần phải hợp tác để phát huy hiệu quả trong bối cảnh cạnh tranh và sự lan tỏa của cách mạng công nghiệp 4.0 trên toàn cầu.
Là nước điều phối quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-Ấn Độ, Việt Nam cùng các nước ASEAN tự hào về sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ hai bên thời gian qua và sự tham gia tích cực của Ấn Độ trong các vấn đề khu vực. Việt Nam đã và sẽ làm hết sức mình để cùng các nước ASEAN hiện thực hóa Tầm nhìn ASEAN 2025 gắn kết với Chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ.
5. Trên tinh thần đó, Tôi xin chia sẻ một số phương hướng hợp tác sau đây:
Đầu tiên, chúng ta cần coi hợp tác thương mại và đầu tư là động lực chính, ưu tiên hàng đầu của Đối tác chiến lược ASEAN-Ấn Độ. Triển khai hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do, sớm ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (RCEP) tạo nên khu vực kinh tế chiếm 40% thương mại toàn cầu, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp tăng cường hợp tác khai thác hiệu quả tiềm năng thị trường ASEAN và Ấn Độ. Tận dụng cơ hội Cách mạng công nghiệp 4.0, đẩy mạnh hợp tác đổi mới, sáng tạo, kết nối các ngành kinh tế, phát triển nguồn nhân lực công nghệ số, hình thành các chuỗi giá trị khu vực, tham gia hiệu quả vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thứ hai, tăng cường kết nối là nhân tố then chốt, bảo đảm tính bền vững liên khu vực. Hai bên cần sớm triển khai các dự án đường cao tốc, cảng biển, hoàn tất đàm phán các Hiệp định vận tải biển và hàng không...; khuôn khổ đối tác công-tư và khoản tín dụng 1 tỷ USD của Ấn Độ sẽ là nguồn lực quan trọng hỗ trợ các hoạt động hợp tác này. Mong Ấn Độ chia sẻ kinh nghiệm về phát triển 100 thành phố thông minh. Trong triển khai dự án đường cao tốc Ấn Độ-Myanmar-Thái Lan tôi đề nghị nghiên cứu kéo dài tới Campuchia, Lào và Việt Nam trong tương lai.
Thứ ba, hợp tác không thể thành công nếu thiếu hòa bình, ổn định tại khu vực và trên biển Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Trong bối cảnh khu vực chúng ta đang phải đối mặt với một số điểm nóng, căng thẳng địa chính trị, chủ nghĩa tôn giáo cực đoan, khủng bố, biến đổi khí hậu, an ninh mạng…, ASEAN mong muốn tăng cường hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực với Ấn Độ. Bởi thực tiễn lịch sử cho thấy, chúng ta chỉ có thể vượt qua những khó khăn, thách thức to lớn này bằng sự hợp tác tin cậy, đoàn kết thống nhất thực sự trên tinh thần thượng tôn pháp luật quốc tế, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau vì hòa bình, thúc đẩy tự do thương mại, mở rộng hợp tác toàn diện và phát triển thịnh vượng tại khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
Thưa Quý vị,
6. Nền tảng lịch sử của quan hệ truyền thống, văn hoá lâu đời; tình hữu nghị, và tầm nhìn chung về một khu vực hoà bình, an ninh, tiến bộ và thịnh vượng là tài sản vô giá mà ASEAN và Ấn Độ cần phải gìn giữ, vun đắp và phát huy mạnh mẽ.
Tất cả chúng ta đang đứng trước nhiều cơ hội thuận lợi to lớn và phải hợp tác cùng nhau vượt qua thách thức để hiện thực hoá những cơ hội và tiềm năng, đưa quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-Ấn Độ lên tầm cao mới, thực chất, hiệu quả hơn nữa, vì lợi ích của người dân, góp phần duy trì hoà bình, ổn định, hợp tác phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Xin cám ơn./.
Theo TTXVN