Tiếng Việt | English

04/01/2018 - 10:04

Thủ tướng dự Hội nghị trực tuyến tổng kết năm của ngành Nông nghiệp

GDP khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,9%. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 36 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay.

Sáng 04/01, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2017 và triển khai kế hoạch năm 2018 ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Cùng dự có lãnh đạo các bộ, ngành, các địa phương qua các đầu cầu.

Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, GDP khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,9%. Kết quả này có sự nỗ lực của ngành trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ xảy ra liên tiếp. Những chỉ tiêu hoàn thành xuất sắc như kim ngạch xuất khẩu, xây dựng nông thôn mới, xây dựng thể chế và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào ngành. Chất lượng tăng trưởng của ngành cũng được cải thiện.

Đóng góp vào kết quả này có yếu tố chuyển mạnh cơ cấu sản phẩm theo hướng tăng tỷ trọng các ngành hàng, sản phẩm có lợi thế và thị trường thuận lợi. Các địa phương đã chuyển gần 186.000 ha đất lúa kém hiệu quả sang các loại rau, màu, cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản.

Nông nghiệp thắng lớn, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 3 tỷ USD (Ảnh: sggp.org.vn)

Thị trường tiêu thụ nông sản ngày càng được mở rộng, trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 36 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay và tăng tới 13% so với năm 2016. Trong đó, nhiều mặt hàng tăng trưởng xuất khẩu rất mạnh như rau quả tăng trên 40%, cao su tăng trên 35%, tôm tăng 22%...

Năm qua Bộ cũng triển khai chủ trương của Chính phủ về thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Trực tiếp Thủ tướng đã chủ trì 3 hội nghị, diễn đàn về nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, qua đó thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào lĩnh vực này.

Một số địa phương phát biểu tại hội nghị cho biết, đang tập trung vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao dựa trên những giống cây, con, thời tiết khí hậu mang tính lợi thế, tạo sản phẩm giá trị gia tăng cao.

Tuy vậy, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng nêu lên một số tồn tại của ngành như cơ cấu lại nông nghiệp chưa đạt kết quả đồng đều, có địa phương còn lúng túng và kết quả chưa rõ ràng. Năng suất lao động thấp, hiệu quả sản xuất và thu nhập của nông dân cải thiện chậm.

Dù tình trạng biến đổi khí hậu và thiên tai xảy ra ngày càng nhiều, nhưng vẫn có địa phương chủ quan, thiếu quyết liệt trong công tác phòng, chống nên thiệt hại lớn, ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành.

Trong khi đó công nghiệp chế biến chậm phát triển; công tác nghiên cứu, dự báo thị trường còn bất cập nên xảy ra tình trạng cung vượt cầu đối với một số sản phẩm như thịt lợn, dưa hấu. Ngành còn gặp thách thức do hội nhập quốc tế, như việc EU rút “thẻ vàng” đối với hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Tình trạng vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, phá rừng, khai thác thủy sản trái phép vẫn còn ở nhiều nơi.

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, địa phương cơ cấu nông nghiệp rất thành công, trong đó có mô hình “hội quán nông dân” cho rằng, cùng với việc đẩy mạnh xuất khẩu thì cần phải chú trọng đến thị trường trong nước, bởi thực tế ngày càng nhiều hàng hóa nông sản được nhập khẩu vào thị trường Việt Nam. Do đó cần phải tạo lòng tin của người tiêu dùng trong nước đối với sản phẩm nông sản do trong nước sản xuất.

Dù cho biết vai trò của hợp tác xã là rất quan trọng trong phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với thị trường, nhưng ông Lê Minh Hoan cho rằng, việc thông tin tuyên truyền để người dân hiểu và tự nguyện tham gia là chưa hiệu quả. Cách thức truyền đạt nghiệp vụ, chuyên môn cho nông dân mang tính lý thuyết và hàn lâm, dẫn đến chưa đạt hiệu quả cao.

Bên cạnh đó, cần có sự phân biệt giữa loại hình hợp tác xã như dịch vụ, sản xuất, thương mại…để có sự hướng dẫn, hỗ trợ người nông dân tham gia hợp tác xã một cách phù hợp./.

Năm 2018, Bộ phấn đấu tốc độ tăng trưởng của ngành đạt từ 2,8 - 3,0%; kim ngạch xuất khẩu khoảng 37 - 38 tỷ USD. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,6%.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến hết năm 2017 có 32,3%% số xã đạt chuẩn, tương đương gần 2.900 xã (tăng 524 xã so với năm 2016, tương đương 5,87%); 43 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, tăng 13 huyện so với năm 2016. Bình quân cả nước đạt 13,7 tiêu chí/xã. Vẫn còn 176 xã đạt dưới 5 tiêu chí, giảm 81 xã so với năm 2016. Bộ phấn đấu năm 2018, 37% số xã và 52 huyện đạt chuẩn nông thôn mới./.

Vũ Dũng/VOV.VN

Chia sẻ bài viết