Tiếng Việt | English

18/05/2019 - 05:23

Thủ tướng đề nghị Brazil tạo thuận lợi cho hàng nông sản Việt Nam

Thủ tướng đề nghị Brazil tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này, trong đó có tôm và cá tra.

Chiều 17/5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp bà Terresa Cristina Correea, Bộ trưởng Nông nghiệp, Chăn nuôi và Cung ứng Brazil. Thủ tướng đề nghị Brazil tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này, trong đó có tôm và cá tra.

Tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chào mừng chuyến thăm của bà Bộ trưởng, đánh giá cao kết quả làm việc giữa Bộ Nông nghiệp hai nước nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực giàu tiềm năng này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp bà Terresa Cristina Correea, Bộ trưởng Nông nghiệp, Chăn nuôi và Cung ứng Brazil. 

Thủ tướng vui mừng nhận thấy quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Brazil trong suốt 30 năm qua đã đạt nhiều thành tựu và phát triển tích cực về mọi mặt. Việt Nam coi trọng quan hệ với Brazil, người dân Việt Nam yêu mến đất nước Brazil, trong đó có bóng đá và Brazil cũng là đất nước có nền kinh tế phát triển nhanh, quy mô lớn. Do đó, Thủ tướng đề nghị hai bên cần thúc đẩy hợp tác nhiều lĩnh vực, nhất là thương mại, đầu tư, nông nghiệp.

Bộ trưởng Terresa Cristina Correea trân trọng cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dành thời gian tiếp và thông báo tới Thủ tướng kết quả làm việc hiệu quả với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam. Bà cho biết, Brazil rất coi trọng quan hệ với Việt Nam và chuyến thăm lần này của đoàn là nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai nước, đặc biệt là lĩnh vực mà hai nước có tiềm năng là nông nghiệp. 

Bày tỏ ấn tượng về sự phát triển của Việt Nam, một thị trường giàu tiềm năng, Bộ trưởng Nông nghiệp, Chăn nuôi và Cung ứng Brazil cho biết, Brazil mong muốn xuất khẩu hàng hóa sang Việt Nam những sản phẩm có thể mạnh, trong đó có hàng nông sản như thịt bò. Đoàn có nhiều cán bộ cấp cao và khoảng 20 doanh nghiệp Brazil thăm làm việc tại Việt Nam lần này, cho thấy sự quan tâm đặc biệt tới thị trường Việt Nam.

Cho rằng nông nghiệp là lĩnh vực tiềm năng trong hợp tác hai nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn hai bên hợp tác trong lĩnh vực này, qua đó góp phần giảm nhập siêu từ Brazil của Việt Nam. Kim ngạch hai chiều tăng gần 9 lần trong 10 năm trở lại đây, đưa Brazil trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh và thứ hai tại châu Mỹ (chỉ sau Hoa Kỳ). Thủ tướng đề nghị Brazil tạo điều kiện thuận lợi cho nông sản của Việt Nam, trong đó có cá tra và tôm cùng các mặt hàng nông sản khác.

Thủ tướng vui mừng nhận thấy quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Brazil trong suốt 30 năm qua đã đạt nhiều thành tựu và phát triển tích cực về mọi mặt. 

Để tạo cơ sở thúc đẩy hai bên, Thủ tướng đề nghị thời gian tới, hai nước thúc đẩy trao đổi đoàn các cấp, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực, trong đó thúc đẩy thương mại và đầu tư với quy mô lớn hơn. Hai bên cần sớm tái khởi động phiên 3 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam-Brazil để rà soát, đôn đốc và xây dựng các chương trình, dự án hợp tác cụ thể trong thời gian tới, đồng thời tăng cường vận động, thúc đẩy các doanh nghiệp thiết lập quan hệ hợp tác đầu tư trên các lĩnh vực hai bên có tiềm năng, thế mạnh và tính bổ trợ lẫn nhau. Hai bên cũng cần thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng và giáo dục.

Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối để thúc đẩy quan hệ giữa ASEAN và Mercosur;  đề nghị hai bên phối hợp nghiên cứu khả năng khởi động đàm phán Hiệp định Thương mại Việt Nam - Mercosur.

Nhân dịp này, Thủ tướng cảm ơn Brazil đã ủng hộ Việt Nam ứng cử trở thành Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021.

Tán thành với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về các vấn đề nêu ra, Bộ trưởng Nông nghiệp, Chăn nuôi và Cung ứng Brazil cho biết ngay sau chuyến thăm sẽ báo cáo Tổng thống Brazil để có giải pháp thúc đẩy hợp tác hai nước. Trong đó có việc thúc đẩy trao đổi đoàn các cấp, thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, giáo dục. Brazil cũng sẽ nỗ lực giải quyết vấn đề nhập khẩu ngay một số sản phẩm nông sản của Việt Nam, nhất là những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như tôm, cá tra./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết