Tiếng Việt | English

04/03/2020 - 14:36

Thủ Thừa 'căng mình' chịu hạn, mặn

Cử tri một số xã cặp kênh Bo Bo, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An kiến nghị UBND tỉnh sớm đầu tư cống ngăn mặn cho vùng chuyên canh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) ấp 3, xã Tân Thành. Đồng thời, nông dân các xã Mỹ Thạnh, Mỹ Lạc, Long Thạnh và Long Thuận cũng đề nghị ngành chức năng của tỉnh có giải pháp ngăn mặn và thông báo tình hình mặn xâm nhập để nông dân chủ động trong sản xuất mùa vụ cho các năm tới.

Cần đầu tư cống ngăn mặn cho vùng chuyên canh ƯDCNC

Kênh Bo Bo của huyện Thủ Thừa nối kênh Vàm Thủ Đoàn và sông Vàm Cỏ Tây - Vàm Cỏ Đông. Khi mặn xâm nhập trên sông Vàm Cỏ Tây - Vàm Cỏ Đông thì nguy cơ ảnh hưởng đối với vùng chuyên canh nông nghiệp là rất cao. Tất cả kênh nội đồng của ấp 3, xã Tân Thành đều nối với kênh Bo Bo và kênh Lò Đường rồi ra kênh Vàm Thủ Đoàn. Việc đầu tư cống ngăn mặn là thật sự cần thiết cho nông dân.

Cánh đồng lúa ấp 11, thị trấn Thủ Thừa bị khô hạn do thiếu nước tưới

Bà Nguyễn Thị Hằng, ngụ ấp 3, xã Tân Thành thông tin: Năm nay, mặn xâm nhập sâu vào đồng ruộng, ấp 3 có nhiều kênh, rạch thông với kênh Bo Bo, một số hộ không biết cách lấy nước tưới nên vài hecta chanh đã bị chết khô do độ mặn cao.

Hiện nay, nhiều hộ trồng thanh long, chanh và na Thái phải tự tìm nguồn nước, một số trang trại lớn phải tự khoan giếng lấy nước tưới. Nguy cơ ảnh hưởng tới mạch nước ngầm và khá tốn kém.

Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Tân Thành - Lê Văn Hồng cho biết: “Toàn xã cần trên 40 cống ngăn mặn lớn, hiện tình hình mặn xâm nhập ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất và chăn nuôi trên địa bàn, nhất là khu vực được UBND tỉnh Long An quy hoạch ƯDCNC trên 1.000ha thuộc ấp 3”.

Tự làm cống ngăn mặn trên kênh T2 - Đường tỉnh 818

Hiện nay, ngoài khu ƯDCNC ấp 3, xã Tân Thành thì nông dân thuộc các xã Bình Đức, huyện Bến Lức; Tân Lập, Long Thạnh, huyện Thủ Thừa cũng chịu ảnh hưởng do bị mặn xâm nhập.

Anh Nguyễn Văn Năm, ấp 5, xã Bình Đức chia sẻ: “Hiện nhiều nông dân xã Tân Thành và Bình Đức bỏ đất không sản xuất vì hạn mặn, cũng không có ai thuê đất vì không biết trồng cây gì, nuôi con gì.”

Hạn mặn xâm nhập ngày càng khốc liệt

Hầu như toàn bộ các xã phía Bắc huyện Thủ Thừa và một phần các xã Bình Đức, Thạnh Đức, huyện Bến Lức tiếp giáp với sông và kênh lớn đều chưa có hệ thống cống ngăn mặn.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy Lợi - Huỳnh Văn Nam, huyện Thủ Thừa còn rất nhiều điểm "hở" tiếp giáp sông lớn, hạn mặn có thể xâm nhập sâu, trong đó có xã Tân Thành, Mỹ Lạc, Mỹ Thạnh, Long Thạnh, Long Thuận, Bình An, Bình Thạnh, Nhị Thành (huyện Thủ Thừa) và các xã Bình Đức, Thạnh Đức, Nhựt Chánh (huyện Bến Lức). Hàng năm, mặn trên sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây xâm nhập sâu, dự báo sẽ còn phức tạp hơn trong thời gian tới.

Một số cống lớn trên Đường tỉnh 818 (cặp kênh Bo Bo) chưa có cửa ngăn mặn

Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thủ Thừa - Nguyễn Hữu Lợi cho biết: Đến thời điểm này, toàn huyện Thủ Thừa có trên 800ha lúa Đông xuân sắp thu hoạch bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hạn, mặn. Hiện trên các sông và kênh rạch lớn đều bị nhiễm mặn nên không thể tưới cho lúa. Một số kênh nội đồng đã cạn khô, ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất lúa.

Người dân các xã Mỹ Thạnh, Mỹ Lạc và Long Thạnh, Long Thuận (huyện Thủ Thừa) còn lo lắng tình hình mặn xâm nhập ảnh hưởng đến việc nuôi trồng thủy sản vì khu vực này cặp sông Vàm Cỏ Tây, một số vùng chưa có đê bao và cống ngăn mặn. Nhiều nơi, người dân chuyển từ trồng lúa sang trồng mai, thanh long, cây ăn trái nhưng cũng rất lo lắng vì nguồn nước tưới bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Kênh Cầu Ngang, xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa trơ đáy

Anh Đỗ Hoàng Xê, huyện Thủ Thừa buồn bã: "Hiện tôi canh tác 2ha lúa, không dám lấy nước kênh tưới lúa vì độ mặn quá cao. Tình trạng này kéo dài có lẽ phải bỏ ruộng".

Xả nước sinh hoạt cứu lúa tại xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa (cặp cao tốc TP.HCM - Trung Lương)

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thủ Thừa, để cứu khoảng 300ha lúa sắp thu hoạch của 2 xã Nhị Thành và Bình Thạnh. Công  ty Cổ phần cấp nước Bình Ảnh đã xả van ống dẫn nước vào kênh nội đồng với công suất 1.000m3/h. Khối lượng xả khoảng 24.000m3.

Như vậy, để bảo đảm sản xuất nông nghiệp của 2 huyện Thủ Thừa và Bến Lức, thời gian tới, rất cần các ngành chức năng của tỉnh khảo sát, có kế hoạch đầu tư hệ thống thủy lợi và ngăn mặn hoàn chỉnh./.

Lâm Đỗ

Chia sẻ bài viết