Tiếng Việt | English

29/06/2021 - 19:52

Thông điệp đằng sau việc Hàn Quốc lần đầu tập trận lớn cùng Mỹ và Australia

Dù phía Hàn Quốc khẳng định, việc tham gia cuộc tập trận không nhắm vào quốc gia cụ thể nào nhưng giới quan sát cho rằng, động thái này nhằm gửi thông điệp đến Trung Quốc, cũng như tiết lộ phần nào chiến lược ngoại giao sắp tới của Seoul.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc mới đây thông báo, Hải quân nước này sẽ cử một tàu khu trục 4.400 tấn tham gia cuộc tập trận hải quân quy mô lớn nhất giữa Mỹ và Australia - dự kiến diễn ra vào giữa tháng 7 tới. Đây sẽ là lần đầu tiên Hàn Quốc tham gia cuộc tập trận chung có tên gọi Talisman Sabre này.

Ảnh minh họa: Reuters

Nhắm tới Trung Quốc?

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong chuyến thăm Mỹ vào hồi tháng 5 vừa qua đã thống nhất với Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng hai đồng minh phản đối mọi hoạt động chống lại “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ” và cam kết “duy trì một Ấn Độ Dương hòa nhập, tự do và cởi mở”. Đồng thời, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Hàn Quốc cũng cam kết duy trì “tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông” đồng thời nhấn mạnh “tầm quan trọng của việc gìn giữ hòa bình và ổn định ở Eo biển Đài Loan”.

Như vậy, việc Hàn Quốc quyết định tham gia tập trận cùng với Mỹ và Australia lần này trước tiên cho thấy, Hàn Quốc đồng ý để Mỹ “dẫn dắt” trong câu chuyện này. Bên cạnh đó, do dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế của Trung Quốc, nên Trung Quốc dù có thể sẽ phản đối, nhưng cũng sẽ ít thực hiện những biện pháp trừng phạt, nhất là ở khía cạnh kinh tế.

Sau một thời gian do dự với đề xuất tham gia nhóm Bộ Tứ Kim cương (Quad) gồm Mỹ - Nhật - Australia - Ấn Độ theo cơ chế mở rộng, dường như với chiến lược quyết đoán mới của Mỹ nhằm liên kết đồng minh ứng phó Trung Quốc, chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đang phải đưa ra thái độ rõ ràng hơn. 

Thúc đẩy hiện thực hóa khu vực 4 nước cũng là một nhiệm vụ ngoại giao quan trọng của chính quyền Tổng thống Joe Biden. Điều này đã được chính Tổng thống Joe Biden đề cập trong cuộc hội đàm với Tổng thống Moon Jae-in tại Washington hồi tháng 5.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, Washington không có kế hoạch mở rộng Bộ Tứ thành Bộ Tứ Kim cương +, nhất là khi dịch Covid-19 đang căng thẳng. Có nhiều dự đoán cho rằng có thể phải từ năm 2024 trở đi khi đạt được miễn dịch cộng đồng, các nước mới thực sự bắt tay vào khôi phục nền kinh tế. Nghĩa là các quốc gia sẽ tập trung chủ yếu vào những vấn đề lớn trong nước.

Trong bối cảnh đó, Hàn Quốc đang muốn biến ảnh hưởng của dịch Covid-19 thành cơ hội vàng để phát triển kinh tế. Động thái đầu tiên là tìm kiếm sự hợp tác của Mỹ để Hàn Quốc sớm trở thành trung tâm sản xuất vaccine Covid-19 toàn cầu. Để Mỹ giúp thực hiện được mong muốn này, đương nhiên Hàn Quốc phải có động thái để tỏ ý thiện chí, cũng như “giải ngân” những thỏa thuận đã cam kết với Tổng thống Joe Biden.

Hàn Quốc sẽ được lợi nhiều từ Mỹ, nhưng quyết định có tham gia vào Bộ Tứ Kim cương hay không thì vẫn chưa chắc chắn, bởi Hàn Quốc đang có nhiều khúc mắc với Nhật Bản. Vì thế, việc tham gia tập trận cùng Mỹ và Australia lần này thể hiện việc Hàn Quốc đang thực hiện đúng tư cách là đồng minh của Mỹ.

Hàn Quốc “tiến thoái lưỡng nan” hay “ung dung tự tại”?

Tuy nhiên, chính quyền Hàn Quốc hẳn chưa quên những thiệt hại nghiêm trọng khi Seoul đồng ý việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ tại nước này hồi năm 2017, dẫn tới các đòn trừng phạt của Bắc Kinh.

Sau khi Hàn Quốc quyết định triển khai Hệ thống thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ hồi tháng 6/2017, quan hệ giữa hai nước đã rơi vào tình trạng căng thẳng nghiêm trọng. Trung Quốc đã tiến hành liên tiếp nhiều biện pháp hạn chế du lịch, thương mại và cả hoạt động ngoại giao với Hàn Quốc. Nhưng sau đó, hai nước cũng đã có những biện pháp tích cực nhằm cải thiện quan hệ.

Trong khi đó, dưới thời cựu Tổng thống Trump, Trung Quốc đã phải hứng nhiều đòn trừng phạt về mặt kinh tế. Nhiều nhà phân tích cho rằng chính sách của ông Donald Trump khi đó thực sự có hiệu quả khi ông muốn thực hiện chính sách củng cố “Nước Mỹ trên hết”, loại trừ những rủi ro khiến Mỹ suy thoái. Chính quyền Mỹ hiện tại của ông Joe Biden tuy chưa thể hiện rõ, nhưng sẽ tiếp tục những chính sách lớn kiềm chế Trung Quốc của người tiền nhiệm. Những chính sách này sẽ không thua kém và thậm chí còn mạnh mẽ hơn những gì mà ông Trump đã làm trước đó.

Về quan hệ kinh tế với Trung Quốc, Hàn Quốc không có nhiều lo ngại. Về mặt ngoại giao, quan hệ Mỹ - Hàn chủ yếu tập trung vào việc hợp tác nhằm giải quyết vấn đề Triều Tiên. Do đó, trong bối cảnh như vậy, cùng với sự tự tin khi duy trì quan hệ với Mỹ, tình thế của Hàn Quốc không hẳn là “tiến thoái lưỡng nan” mà thậm chí còn có thể nói là “ung dung tự tại” với những quyết định của mình, ngay cả khi Trung Quốc thực hiện những biện pháp căng thẳng để ứng phó./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết