Thổi hồn nghệ thuật thêu tay vào sản phẩm thời trang
Không thể phủ nhận sức hút của nghệ thuật thêu tay trên các sản phẩm thời trang. Chính những nét thêu uyển chuyển, mềm mại đã tạo nên điểm nhấn độc đáo cho bộ trang phục. Giữa cuộc sống hiện đại, cứ ngỡ ít người còn tỉ mỉ từng đường kim, mũi chỉ, thế nhưng, nghệ thuật thêu tay vẫn có một sức sống mãnh liệt, mang đến cho bộ trang phục những nét chấm phá mà không một loại máy móc, công nghệ nào có thể thay thế được.
Nhà thiết kế Thơ Thơ
Ngược dòng về lịch sử nghề thêu
Không ai xác định được nghề thêu tay truyền thống có từ khi nào. Tương truyền, từ thời Vua Hùng, những người phụ nữ đã dùng chỉ, tơ, sợi nhuộm màu để thêu các họa tiết cỏ cây, hoa lá, chim thú, cảnh sinh hoạt,... lên khăn, túi, xiêm y, cờ trướng,... Trong cuốn Lịch sử Việt Nam (tập 1) đã mô tả trang phục của người Lạc Việt như sau: “Người Lạc Việt mặc áo chui đầu, áo cài khuy bên trái, những chàng trai có khăn khố đẹp, những cô gái có váy áo thêu…”.
Tuy nhiên, người được xem là ông tổ nghề thêu Việt Nam là Lê Công Hành (1606-1661), người làng Quất Động (huyện Thường Tín, Hà Nội ngày nay). Sử sách ghi rằng, trong một lần đi sứ sang Trung Quốc, vì thấy ông là người thông minh nên triều đình nhà Minh nhốt ông trên một lầu cao trong thành, không có thang xuống.
Trong thời gian bị nhốt ở đây, ông hạ 2 bức nghi môn và 2 chiếc lọng bên trong tháp xuống, quan sát tỉ mỉ từng sợi chỉ, đường thêu, cách tháo lắp cán chân của chiếc lọng. Nhờ vậy, ông biết cách làm lọng và kỹ thuật thêu của Trung Quốc lúc bấy giờ. Khi đã biết cách làm lọng, ông lại hạ bức trướng xuống, tháo các đường chỉ xem cách thêu, rồi lại dùng chỉ đó thêu vào lại như lúc ban đầu. Lúc hoàn tất, ông ngắm nghía thấy nét chữ thêu giống hệt như cũ.
100% sản phẩm tại Tiệm Thơ đều được thêu tay
Sau khi về nước, ông truyền nghề thêu cho dân làng. Từ đó, Quất Động trở thành “cái nôi” của nghề thêu. Theo thời gian, nghề thêu được lưu truyền, phát triển và ứng dụng trên nhiều sản phẩm khác nhau như tranh thêu, vỏ gối, khăn tay, quần áo,... Việc đưa nghệ thuật thêu truyền thống vào sản phẩm thời trang đã xuất hiện từ khá lâu và khá “kén” người dùng, một phần bởi giá thành cao, một phần ít người hiểu được giá trị từ những sản phẩm truyền thống này.
Giữ hồn nghệ thuật thêu truyền thống
Được biết đến là người đam mê nghệ thuật thêu truyền thống và đưa những sản phẩm thêu tay vào tác phẩm thời trang đương đại, nhà thiết kế Nguyễn Thơ Thơ (Hà Nội) chọn khởi nghiệp với bộ môn nghệ thuật này. Tiệm Thơ ra đời từ niềm đam mê đó và được định hướng là thương hiệu thuần Việt tìm về giá trị xưa cùng nét văn hóa truyền thống lâu đời của dân tộc. Dù mang đậm giá trị truyền thống nhưng các thiết kế của Tiệm Thơ vẫn luôn phù hợp với thời cuộc, thích hợp cho hình mẫu người phụ nữ Việt Nam hiện đại, trẻ trung.
Nhà thiết kế Nguyễn Thơ Thơ cho biết: “Với phân khúc sản phẩm truyền thống, chỉ đẹp là chưa đủ, các thiết kế phải được thổi hồn để mang những câu chuyện và dấu ấn đặc biệt với ý nghĩa và sức lan tỏa riêng. Toàn bộ sản phẩm của Tiệm Thơ đều được thêu tay 100% và sử dụng chất liệu truyền thống như nhung, lụa, tơ tằm thượng hạng,... Để có được những thiết kế chất lượng và mẫu mã độc đáo, tôi cất công tìm những thợ thêu giàu kinh nghiệm, thuyết phục nghệ nhân ở các làng nghề thêu nổi tiếng để phối hợp hoàn thiện sản phẩm”.
Nhà thiết kế Thơ Thơ mở workshop với mong muốn truyền cảm hứng đến các bạn trẻ về nghệ thuật thêu tay truyền thống
Từ một cửa hàng thời trang thêu tay truyền thống nhỏ, Tiệm Thơ dần được nhiều người biết đến, trong đó có nhiều ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng tìm đến đặt những thiết kế riêng. Có được thành công đó, nhà thiết kế Thơ Thơ cho rằng mình đã “đánh trúng” tâm lý những khách hàng yêu thích vẻ đẹp xưa cũ, truyền thống nhưng lại được biến tấu thể hiện sự hiện đại, trẻ trung.
Chị Thơ Thơ cho biết thêm: “Đối với tôi, thành công lớn nhất chính là góp phần lưu truyền nét đẹp của nghề thêu tay truyền thống và khơi gợi lại nét đẹp văn hóa mà có lẽ giới trẻ ngày nay ít người biết đến”.
Khởi nghiệp vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, sau đó là khoảng thời gian dài bị ảnh hưởng về kinh tế nhưng nhà thiết kế Thơ Thơ lại cho đó là may mắn bởi trong khó khăn, chị mới có cơ hội vươn lên, vượt qua chính mình. “Thời điểm mọi người thực hiện giãn cách xã hội, không thể ra ngoài và có nhiều thời gian rảnh rỗi, tôi xuất hiện và kể ra một câu chuyện mới về thời trang. Đó là câu chuyện trang phục gắn liền với văn hóa lâu đời của Việt Nam, là việc hồi phục nghề thêu tay truyền thống đã bị nhiều người quên lãng. Và chúng tôi thành công là nhờ có được câu chuyện truyền lửa, chạm đến cảm xúc của nhiều người. Việc ưu tiên họa tiết truyền thống vào các thiết kế đã giúp tôi nhận ra những hình ảnh tuy mộc mạc, giản đơn như bông lúa hay con trâu,... khi thêu lên váy lại trở thành nét đặc sắc rất riêng, khó lẫn với trang phục của bất cứ quốc gia nào” - chị Thơ Thơ chia sẻ.
Không chỉ nhà thiết kế Thơ Thơ mà từ lâu, nhiều nhà thiết kế khác cũng đưa nghệ thuật thêu tay truyền thống vào những sản phẩm thời trang đương đại và tạo được hiệu ứng riêng. Không chỉ xuất hiện trên sàn diễn, những sản phẩm này được nhiều người ưa chuộng và trở thành trang phục ngày thường, dạ hội,...
Đặc biệt, những trang phục thêu tay truyền thống rất được du khách nước ngoài ưa chuộng. Tại những tuyến phố lớn như Nguyễn Huệ, Đồng Khởi (quận 1, TP.HCM), có nhiều cửa hàng bán trang phục thêu tay truyền thống và phần lớn phục vụ du khách nước ngoài.
Thời trang thêu tay không đơn thuần chỉ là trang phục...
Những mẫu thời trang thêu tay truyền thống thường được thực hiện trên nền vải nhung, lụa, tơ tằm, linen,... Mỗi bộ trang phục thêu tay đều mang một dấu ấn riêng biệt là sự thiết kế hài hòa giữa nét hiện đại và yếu tố dân tộc.
Xã hội càng hiện đại, người “nên duyên” với thêu tay càng ít, thay vào đó, người ta sử dụng các sản phẩm thêu máy, giá thành không quá cao và thời gian thực hiện nhanh hơn. Tuy nhiên, suy nghĩ trên chưa hẳn đúng khi các lớp dạy thêu tay đang thu hút rất đông người tham gia. Dạo một vòng trên mạng xã hội, không khó để tìm kiếm những hội, nhóm trao đổi kinh nghiệm, hướng dẫn thêu tay truyền thống. Khó có thể ngờ, bộ môn nghệ thuật truyền thống đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì như thêu tay lại có sức hút với các bạn trẻ nhiều đến thế.
Hà Trang (sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) chia sẻ: “Mình là tín đồ của thời trang linen. Mình yêu linen bởi sự mộc mạc trong từng sớ vải. Những bộ trang phục bằng vải linen kết hợp thêu tay tạo ra những tác phẩm vừa cổ điển, vừa hiện đại. Ban đầu chỉ là yêu thích, sau đó mình tham gia các nhóm dạy thêu tay rồi học thêm tại một số nơi. Càng học càng bị “cuốn” bởi vẻ đẹp và giá trị truyền thống của thêu tay”.
Tranh đông Hồ là một trong những mẫu thêu được khách hàng ưa chuộng bởi mang nét đặc sắc riêng... rất Việt Nam
Thêu tay truyền thống vẫn âm thầm len lỏi trong cuộc sống hiện đại và vẫn còn rất nhiều bạn trẻ yêu thích bộ môn này. Cũng chính vì điều đó mà nhà thiết kế Thơ Thơ khởi xướng và xây dựng mô hình thời trang kết hợp workshop với mong muốn truyền cảm hứng đến các bạn trẻ và giúp khách hàng hiểu hơn về giá trị món đồ mà họ chi tiền để sở hữu. Qua đó, khách hàng có cơ hội cảm nhận sự cầu kỳ và tinh tế của từng sản phẩm, thấy được tinh hoa của nghề thủ công Việt và hun đúc thêm tình yêu với mặt hàng truyền thống.
Thời trang thêu tay truyền thống không đơn thuần là phục trang mà thông qua đó, mọi người được nghe kể về dòng chảy lịch sử dân tộc, về nét đẹp của một đất nước ngàn năm văn hiến. Và bất kỳ người phụ nữ Việt Nam nào, khi khoác lên mình những bộ trang phục mang đậm bản sắc dân tộc như thế cũng tự hào bởi những sản phẩm đó không kém cạnh bất kỳ món đồ hàng hiệu nào./.
Hải Miên
- Huỳnh Thị Thanh Thủy nói gì khi đăng quang Hoa hậu Quốc tế? (14/11)
- Khai mạc Hội thi Người dẫn chương trình tỉnh Long An lần thứ I năm 2024 (14/11)
- 'Mở lối' cho phát triển du lịch nông thôn (13/11)
- Đại diện nhan sắc Việt Nam Thanh Thủy đăng quang Miss International 2024 (13/11)
- Họp báo thông tin về Tuần Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Long An lần thứ 2 (12/11)
- Ngôn ngữ tâm hồn qua từng nét chữ (12/11)
- Để phát triển du lịch từ nguồn tài nguyên di tích (11/11)
- Chùa Pháp Minh - Nơi lịch sử hòa quyện với tâm linh (11/11)