Tiếng Việt | English

22/07/2017 - 11:44

Thơ Hoài Vũ và cái tình với mảnh đất Long An

Nhà thơ Hoài Vũ tên thật là Nguyễn Đình Vọng, sinh năm 1935, quê ở Mộ Đức, Quảng Ngãi. Sớm tham gia cách mạng và trở thành cán bộ Hội Văn nghệ giải phóng.

Ông đa tài, viết cả truyện ngắn, dịch thuật, nhưng nổi tiếng hơn cả là những bài thơ tình giàu hình tượng làm rung động biết bao trái tim bạn đọc. Ngoài bài thơ “Vàm Cỏ Đông” ông viết ngay từ những ngày đầu kháng chiến chống Mỹ được nhạc sĩ Trương Quang Lục phổ nhạc mà ai cũng nhớ, cũng yêu, còn có một số bài thơ nổi tiếng khác ông sáng tác dành riêng cho Long An - nơi có đôi dòng Vàm Cỏ xinh đẹp và anh hùng như các bài: Anh ở đầu sông, em cuối sông, Hương tràm, Nàng Thơm hay Gửi người bạn trong tù,...

Những giai thoại về xuất xứ các bài thơ trên đến nay được bạn bè của ông kể lại. Chuyện nào cũng đầy ắp tình cảm cộng với tài ba của tác giả làm nên tên tuổi ông - một nhà thơ kháng chiến. Năm 1968, nhà thơ Hoài Vũ được Hội Văn nghệ giải phóng cử xuống chiến trường Long An vừa đi thực tế sáng tác, vừa mở lớp đào tạo những cây bút trẻ. Trong lớp học ấy, có một nữ sinh hoạt động trong phong trào đấu tranh ở đô thị vừa được cử ra hậu cứ, tên Bảy Nhàn. Cô học viên ấy nổi bật bởi dáng người thon thả, dễ thương với giọng nói trong trẻo cùng vốn kiến thức về văn học khá rộng, tiếp thu bài học thật nhanh.

Chưa hết khóa học, Bảy Nhàn đã có tác phẩm đầu tay với truyện ngắn “Làng ven sông”. Nhà thơ Hoài Vũ rất cảm mến cô học viên đặc biệt này. Ngược lại, Bảy Nhàn cũng tận tình chăm sóc Hoài Vũ mỗi lần bị sốt rét như đối với một người anh - người thầy. Còn tình cảm của nhà thơ dành cho Bảy Nhàn theo đó cũng ngày càng sâu đậm.

Thế rồi, chiến trường Long An ngày càng ác liệt, lớp học cũng kết thúc, Hoài Vũ được lệnh phải trở về R. Hai người từ đó bặt tin nhau, ít lâu sau, Hoài Vũ sáng tác bài thơ “Anh ở đầu sông, em cuối sông” thể hiện tình cảm thật tha thiết với những vần điệu mượt mà: “Anh ở đầu sông, em cuối sông/Uống chung dòng nước Vàm Cỏ Đông/Thương nhau đã chín ba mùa lúa/Chưa ngày gặp lại nhớ mênh mông...”. Nhà thơ dành một tình cảm đặc biệt cho người con gái anh yêu để rồi yêu luôn cả miền quê của người ấy: “Ôi bát ngát chân trời miền hạ/Tím tình yêu tím cả ước mong...”.

Thời gian sau, vẫn trong nỗi nhớ mong da diết, nhà thơ Hoài Vũ còn sáng tác nhiều bài thơ khác dành cho Long An, trong đó có bài thơ “Nàng Thơm” với hai câu mở đầu thật gợi cảm: “Nàng Thơm tên lúa hay tên em/Nghe dịu tâm hồn ngọt gió đêm...”. Rồi bài “Đi trong hương tràm” cũng với cung bậc khắc khoải, nhớ thương hình tượng văn học đậm chất vùng sông nước Nam bộ: “Gió Tháp Mười đã thổi, thổi rất sâu/ Có nỗi thương đau, có niềm hy vọng/ Bầu trời thì cao cánh đồng thì rộng/ Hương tràm bên anh mà em đi đâu...”.

Nhưng thật đáng tiếc, những bài thơ trên, đặc biệt là bài “Nàng Thơm” mà tác giả thể hiện tình cảm đặc biệt dành cho người thương đã không đến được tay người nhận. Thời gian sau đó, trên đường đi công tác, Bảy Nhàn không may sa vào ổ phục kích của địch, bị bắt và đày ra đảo Phú Quốc. Tin đau buồn này ập đến với nhà thơ Hoài Vũ. Anh viết ngay bài thơ “Gửi người bạn gái trong tù” với bao niềm thương nhớ khôn nguôi người con gái Long An xinh đẹp, tài giỏi và dũng cảm.

Tuy mối tình dang dở nhưng chính từ tình cảm yêu thương, tình yêu quê hương, đất nước, Hoài Vũ để lại cho văn đàn cả nước nói chung và Long An nói riêng những bài thơ tình lãng mạn cùng những tác phẩm văn học cách mạng mang tính hiện thực sâu sắc. Nhiều bài thơ được các nhạc sĩ phổ nhạc trở thành những bài hát nổi tiếng trong “Giai điệu tự hào” sống mãi với thời gian,... ./.

Ngọc Lộc

Chia sẻ bài viết