Tiếng Việt | English

19/02/2018 - 07:45

Thịt gà, thanh long vào thị trường khó tính

Thanh long, thịt gà là 2 mặt hàng nông sản của Việt Nam lần đầu tiên xuất sang Úc và Nhật Bản trong năm 2017. Cả 2 sự kiện này mang đậm dấu ấn của ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và tỉnh Long An nói riêng.

Gà sạch “sang” Nhật

Tháng 9/2017, lô gà thịt đầu tiên xuất sang Nhật Bản được Công ty Cổ phần Hùng Nhơn (tỉnh Bình Phước) chuẩn bị trong thời gian dài. Để có được lô thịt gà xuất sang Nhật, một nhóm doanh nghiệp cùng phối hợp thực hiện, gồm: Công ty TNHH De Heus (thuộc Tập đoàn De Heus - Hà Lan) cung cấp thức ăn; Công ty CP Bel Gà (Bỉ) cung cấp giống; Tập đoàn Hùng Nhơn Group (Bình Phước) thực hiện chăn nuôi đàn gà trong các trang trại gà đạt chuẩn GlobalGAP. Ngoài ra, Công ty TNHH Koyu & Unitek (Đồng Nai) nhận trách nhiệm thu mua, giết mổ và xuất khẩu sang Nhật Bản. Chuỗi liên kết này tạo nên một dây chuyền khép kín, tạo ra sản phẩm thịt gà sạch đạt tiêu chuẩn chất lượng khắt khe của thị trường Nhật Bản. 

Lô hàng gà sạch đầu tiên được xuất khẩu sang Nhật Bản Ảnh: Mai Hùng Dũng

Đặc biệt, trong chuỗi liên kết mang đậm dấu ấn của ngành nông nghiệp Việt, Cảng Quốc tế Long An đóng vai trò khá đặc biệt, một mắc xích trong chuỗi giá trị. Đây là đơn vị thực hiện các dịch vụ logistics cho xuất khẩu, đáp ứng các quy định và tiêu chuẩn quốc tế về thời gian, bảo quản thịt gà trong quá trình di chuyển. Cảng Quốc tế Long An thực hiện tất cả công đoạn từ vận chuyển, thủ tục hải quan, cước vận chuyển quốc tế tại nhà máy chế biến ở Việt Nam đến thực hiện thủ tục, vận chuyển, phân phối đến nhà máy, các điểm phân phối tại Nhật Bản. Để tiếp tục hoàn thiện dịch vụ logistics, Cảng Quốc tế Long An tất bật thực hiện cầu Cảng số 2 nhằm tiếp nhận tàu có tải trọng trên 50.000 DWT; phục vụ nhu cầu đóng hàng và xuất, nhập khẩu hàng container của các doanh nghiệp nông sản trong khu vực như gạo, phân bón, thức ăn gia súc. 

Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hùng Nhơn - Vũ Mạnh Hùng phấn khởi: “Để có được lô gà xuất khẩu đạt tiêu chuẩn phía Nhật Bản đưa ra, Hùng Nhơn đầu tư hàng chục triệu USD vào chuồng trại, thiết bị máy móc hiện đại. Đơn vị chúng tôi xây dựng hệ thống quản lý chuyên nghiệp và khoa học, đủ kiểm soát sức khỏe hàng triệu con gà mỗi ngày. Bên cạnh đó, gà chăn nuôi tại Hùng Nhơn “nói không” với chất kháng sinh. Từ đó, cho ra con gà sạch đúng nghĩa, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sang Nhật. Chi phí đầu tư để xuất khẩu thành công thịt gà sang Nhật cao gấp 3 lần bán trong nước nhưng lợi nhuận tăng thêm 20%”. 

Với sự kiện thịt gà của Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Xuân Cường cho rằng: Nhật Bản là thị trường rất khắt khe. Việc xuất khẩu thành công thịt gà sang Nhật Bản chứng tỏ trình độ tổ chức sản xuất, khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường của nền chăn nuôi trong nước.

Thanh long “đi” Úc

Lô thanh long đầu tiên của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Úc vào tháng 9-2017 của Công ty TNHH MTV Hoàng Phát (huyện Châu Thành) được nhận định là bước ngoặt để trái thanh long Long An có thể xâm nhập vào các thị trường khó tính khác. Đến nay, công ty xuất khẩu khoảng 60 tấn thanh long sang Úc và dự kiến năm 2018, xuất khẩu 500 tấn sang thị trường này. 

Theo Giám đốc Công ty TNHH MTV Hoàng Phát - Nguyễn Thị Kim Thoa, sau hơn 9 năm đàm phán giữa các bên, trái thanh long của Việt Nam được cấp phép tại thị trường khó tính này. Đặc biệt hơn, Việt Nam là quốc gia đầu tiên và duy nhất hiện nay được Úc cấp phép nhập khẩu thanh long. Để có thể xuất khẩu thanh long vào thị trường Úc, công ty phải bảo đảm hàng loạt quy định khắt khe. Cụ thể, phải có giấy phép hợp lệ do Bộ Nông nghiệp và Nguồn nước Úc cấp. Muốn có giấy phép, công ty nộp đơn xin phép nhập khẩu. Trước khi xuất khẩu, thanh long cũng phải được Cục Bảo vệ thực vật Việt Nam kiểm dịch và trên giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật phải ghi rõ: Ngày xử lý, nhiệt độ và thời gian xử lý; tên cơ sở đóng gói/xử lý và số đăng ký; số thùng trong lô hàng; số container và số niêm phong.

Nông dân phấn khởi vì thanh long xuất khẩu sang thị trường khó tính

Bà Nguyễn Thị Kim Thoa chia sẻ thêm: Sản phẩm thanh long của công ty “đi” Úc là thành công lớn. Tuy nhiên, đơn vị tiếp tục chinh phục nhiều thị trường khác để có sự phát triển bền vững hơn cho cây thanh long. Công ty tiếp tục hợp tác chặt chẽ cùng nông dân trên địa bàn tỉnh sản xuất 1.000ha thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Công ty còn hoàn thiện nhà máy xử lý nhiệt hơi với năng lực xử lý 16 tấn/ngày. Đến thời điểm này, công ty đủ năng lực sản xuất và xuất khẩu trên 7.000 tấn/năm đối với thanh long ruột trắng và trên 3.000 tấn/năm đối với thanh long ruột đỏ và trái xoài,...”.

Ông Nguyễn Văn Phi (xã An Lục Long, huyện Châu Thành) vui mừng nói: “Tôi được Công ty TNHH MTV Hoàng Phát ký hợp đồng và hỗ trợ kỹ thuật sản xuất theo đúng quy trình VietGAP, bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu. Mặc dù sản xuất theo hướng VietGAP chi phí cao hơn nhưng bảo đảm đầu ra ổn định. Tôi vừa thu hoạch trên 10 tấn, giá bán ra trên 20.000 đồng/kg, cao hơn giá bên ngoài khoảng 5.000 đồng/kg, lợi nhuận trên 150 triệu đồng”. 

Còn ông Nguyễn Thành Nhơn (xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành) chia sẻ: “Tôi trồng gần 1ha thanh long ruột trắng. Thời gian qua, giá thanh long ruột trắng luôn thấp hơn thanh long ruột đỏ và rất ít thị trường tiêu thụ. Nhưng nay, thanh long ruột trắng được thị trường Úc chấp nhận, đây là tin vui cho nông dân”. 

Thanh long được xuất khẩu sang Úc, thịt gà vào thị trường Nhật Bản là sự kiện quan trọng, triển vọng mới đối với ngành nông nghiệp Việt Nam. Hy vọng, trong tương lai, không chỉ có thanh long, thịt gà mà nhiều mặt hàng nông sản khác cũng được sự quan tâm của các ngành, địa phương, doanh nghiệp để đạt tiêu chuẩn “thực phẩm sạch” và tìm đường xuất ngoại. Điều đó giúp các trang trại, nông dân tiêu thụ được nông sản mang tính bền vững./.

Thanh long được xuất khẩu sang Úc, thịt gà vào thị trường Nhật Bản là sự kiện quan trọng, triển vọng mới đối với ngành nông nghiệp Việt Nam. Hy vọng, trong tương lai, không chỉ có thanh long, thịt gà mà nhiều mặt hàng nông sản khác cũng được sự quan tâm của các ngành, địa phương, doanh nghiệp để đạt tiêu chuẩn “thực phẩm sạch” và tìm đường xuất ngoại. 

Gia Hân - Lê Huỳnh

Chia sẻ bài viết