Tại Hoa Kỳ, nghiên cứu cho thấy 34% phụ nữ trong độ tuổi 18 - 50 bị thiếu sắt - Ảnh: ER of Texas
Theo báo cáo của JAMA Open Network, ước tính có khoảng 14% người trưởng thành ở Hoa Kỳ bị thiếu khoáng chất này, vốn có vai trò tạo ra các tế bào hồng cầu. Tuy nhiên khi thu hẹp phạm vi, nghiên cứu cho thấy 34% phụ nữ trong độ tuổi 18 - 50 bị thiếu sắt.
Nhiều người thiếu sắt nhưng không nhận ra
Mặc dù thiếu sắt được phát hiện là "rất phổ biến" trong dân số "dường như khỏe mạnh", và có liên quan đến tử vong do mọi nguyên nhân trong một bài báo năm 2020 được công bố trên Clinical Research in Cardiology, nhưng lại không được kiểm tra thường xuyên.
"Có rất nhiều người bị thiếu sắt trong thời gian dài mà không hề hay biết", bác sĩ Imo J. Akpan, chuyên gia về huyết học tại New York Presbyterian, cho biết. "Phát hiện sớm có thể giúp điều trị sớm, ngăn ngừa thiếu máu và các triệu chứng khác", bao gồm hội chứng chân không yên, suy giảm chức năng thần kinh và giảm khả năng thể chất, theo nghiên cứu năm 2024.
Phụ nữ đặc biệt có nguy cơ vì hệ sinh sản của họ. Nếu bạn có kinh nguyệt hằng tháng, bạn sẽ mất sắt qua máu kinh. Ngoài ra, người mang thai cần nhiều sắt hơn để nuôi dưỡng thai nhi.
Nhận biết dấu hiệu thiếu sắt
Sắt là khoáng chất tự nhiên đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển oxy trong cơ thể. Nhiệm vụ chính của sắt là tạo ra hemoglobin, giúp vận chuyển oxy đến các tế bào hồng cầu, và myoglobin, giúp vận chuyển oxy đến các cơ bắp, theo Viện Y tế quốc gia Hoa Kỳ.
Để kiểm tra sự thiếu hụt sắt, các bác sĩ thường xem xét mức ferritin, một loại protein trong máu chứa sắt. Bạn có thể coi con số này như một "tài khoản tiết kiệm". Dự trữ ferritin được sử dụng khi cần thiết và bổ sung qua chế độ ăn uống.
Thiếu sắt thường được đề cập trong bối cảnh thiếu máu, một tình trạng xảy ra khi lượng sắt dự trữ quá thấp. Thiếu máu là khi bạn không có đủ tế bào hồng cầu, mà sắt đóng vai trò tạo ra, nhưng xét nghiệm thiếu máu không phát hiện thiếu sắt.
Thiếu sắt có thể ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống. Nếu thiếu sắt, bạn có thể gặp bất kỳ triệu chứng nào sau đây, gồm mệt mỏi; chóng mặt, choáng váng, hoặc ngất xỉu; thèm ăn những thứ không phải là thức ăn; đau ngực, bao gồm cảm giác khó chịu hoặc đau thắt; suy giảm chức năng não; khó thở; cáu gắt hoặc thay đổi tâm trạng; hội chứng chân không yên; rụng tóc.
Khi sắt thấp, điều đó có thể do bạn không nhận đủ lượng sắt hoặc bạn đang mất quá nhiều, bác sĩ Keri Peterson, chuyên gia nội khoa, cho biết. Bạn nhận sắt qua chế độ ăn uống, vì vậy việc đảm bảo đủ lượng sắt có thể là một thách thức đối với người ăn chay hoặc thuần chay, vì chúng ta hấp thụ sắt tốt nhất từ các nguồn động vật.
Nếu bạn mắc tình trạng tiêu hóa như hội chứng ruột kích thích, bệnh Crohn, bệnh Celiac, hoặc đã trải qua phẫu thuật dạ dày, bạn cũng có thể gặp khó khăn trong việc hấp thụ sắt và do đó không nhận đủ. Một số loại thuốc cũng có thể ảnh hưởng đến việc hấp thụ sắt.
Mất sắt có thể là do kinh nguyệt hoặc các tình trạng nghiêm trọng hơn như loét, u xơ, hoặc ung thư đại trực tràng. Đối với người đã mãn kinh, việc xác định nguyên nhân thiếu sắt là rất quan trọng vì nó không thể giải thích bằng kinh nguyệt, bác sĩ Peterson cho biết.
Ngược lại, kinh nguyệt là lý do phổ biến nhất khiến phụ nữ thiếu sắt, bác sĩ Akpan nói. Mặc dù bạn không cần phải thay đổi chế độ ăn uống vào thời kỳ kinh nguyệt để bù lại lượng sắt mất đi, nếu kinh nguyệt quá nhiều khiến bạn thiếu sắt, bạn nên gặp bác sĩ.
Mức sắt cũng đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ mang thai, những người cần nhiều hơn để hỗ trợ thai nhi đang phát triển. Có nhiều người không biết họ bị thiếu sắt, điều này có thể là vấn đề khi mang thai.
Người mang thai không biết mình bị thiếu sắt có nguy cơ bị thiếu máu. Ngoài ra, thiếu sắt nghiêm trọng có thể dẫn đến nhau thai bất thường, sinh non hoặc nhẹ cân, theo một nghiên cứu năm 2020 được công bố trên Nutrients./.
Bổ sung sắt bằng cách nào?
Bạn hấp thụ sắt tốt nhất qua các nguồn thịt. Các thực phẩm giàu sắt bao gồm thịt bò, gà, trứng, cừu, giăm bông và gà tây. Các lựa chọn thực vật bao gồm đậu lăng, đậu gà, đậu Hà Lan, hạnh nhân, hạt hướng dương, rau bina, bông cải xanh, và nước ép mận.
Bạn cũng có thể tìm thấy các loại ngũ cốc được bổ sung sắt. Tuy nhiên, có một số thực phẩm cản trở việc hấp thụ sắt như cà phê, trà và canxi. Trong khi đó, vitamin C có thể giúp tăng cường hấp thụ sắt.
|
Theo tuoitre.vn
Nguồn: https://tuoitre.vn/thieu-sat-co-the-la-nguyen-nhan-gay-met-moi-lien-tuc-2024101614113901.htm