Tiếng Việt | English

04/05/2020 - 16:27

Thiếu nhà ở cho công nhân, lao động có thu nhập thấp

Thời gian qua, các cấp Công đoàn (CĐ) trong tỉnh Long An luôn quan tâm và có nhiều hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân, lao động (CNLĐ). Tuy nhiên, vấn đề nhà ở cho CNLĐ được đặt ra từ nhiều năm nhưng kết quả thực hiện vẫn còn rất hạn chế.


Phần lớn công nhân ở các khu, cụm công nghiệp vẫn phải tạm trú tại các khu nhà trọ

Theo số liệu thống kê từ Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, hiện nay, toàn tỉnh có 17 doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở cho CNLĐ với khoảng 1.000 phòng. Bình quân diện tích mỗi phòng từ 12-40m2. Với số lượng phòng như vậy chỉ đủ chỗ ở cho hơn 3.400 CNLĐ. Các trường hợp còn lại, hầu hết đều phải thuê phòng trọ của tư nhân. Thế nhưng, nhiều khu nhà trọ chưa bảo đảm điều kiện sinh sống cơ bản và thiếu thốn các tiện ích công cộng.

Phó Trưởng ban Chính sách pháp luật, LĐLĐ tỉnh - Lê Văn Ẩn cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp chưa có khu nhà ở tập trung dành cho CNLĐ, do đó việc tìm nhà ở và xây dựng nhà tạm để cho thuê diễn ra một cách tự phát. Cụ thể, tại một số khu, cụm công nghiệp, do thiếu nhà ở, hàng trăm CN phải thuê nhà bên ngoài với giá cao, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, tạm bợ, có chỗ không đáp ứng nhu cầu cuộc sống tối thiểu, đó là chưa kể đến vấn đề an ninh, trật tự. Tiền thuê nhà là một gánh nặng đối với LĐ ngoại tỉnh. Với mức lương CN hiện nay, họ phải dành ra một khoản để trả tiền thuê nhà hàng tháng, chưa tính đến tiền nước, điện theo giá “niêm yết” mà các chủ trọ đặt ra. Chính vì điều này đã hạn chế việc thu hút các nguồn LĐ từ tỉnh khác đến”.

Chị Lê Thị Thoãn - CN may đang thuê phòng trọ gần Khu công nghiệp Thuận Đạo, huyện Bến Lức, cho biết, vợ chồng chị làm CN với mức lương khoảng 13 triệu đồng/tháng. Sau khi trừ các chi phí, mỗi tháng, vợ chồng chị để dành được 4 triệu đồng cho kế hoạch mua nhà. “Không chỉ riêng gia đình tôi mà nhiều gia đình CN khác cũng muốn có một “chốn đi về” cố định và các con được sinh hoạt, học tập trong điều kiện tốt nhất. Do đó, chúng tôi rất mong UBND tỉnh sớm triển khai những dự án xây dựng nhà ở cho CNLĐ có thu nhập thấp. Bởi, chỉ có như vậy thì chúng tôi mới có cơ hội có được căn nhà thuộc sở hữu của riêng mình” - chị Thoãn bày tỏ.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh - Hồ Văn Xuân, những năm qua, LĐLĐ tỉnh quan tâm thực hiện nhiều chương trình, hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho CNLĐ. Tuy nhiên, những hoạt động này vẫn còn hạn chế, nhất là ở các khu, cụm công nghiệp. Công tác xây dựng các công trình phúc lợi, nhà ở, nhà trẻ, bệnh viện, khu vui chơi, giải trí,... vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu cho CNLĐ.

“Đối với việc xây dựng nhà lưu trú cho CNLĐ trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, hiện nay, chủ trương của UBND tỉnh là kêu gọi xã hội hóa theo lộ trình giao quyền sử dụng đất, ưu đãi thuế, doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư xây dựng nhà ở cho CN,... Nhưng thực tế, số doanh nghiệp đầu tư xây nhà lưu trú cho CN còn quá ít so với nhu cầu của CNLĐ hiện tại. Vừa qua, LĐ tỉnh phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư tiến hành khảo sát một số vị trí đất ở các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh để tham mưu UBND tỉnh xem xét, quyết định vị trí xây dựng thiết chế công đoàn. Dự án này sẽ góp phần giải quyết phần nào khó khăn về nhà ở cũng như nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho CNLĐ” - ông Xuân cho biết thêm./.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết