Tiếng Việt | English

12/11/2024 - 14:55

Thiết thực các mô hình chuyển đổi số

Những năm qua, các cấp, các ngành và đoàn thể địa phương trong tỉnh quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS), đặc biệt triển khai nhiều mô hình thiết thực góp phần thúc đẩy CĐS toàn diện của tỉnh Long An.

1. Thời gian qua, việc triển khai Tổ Công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) cho thấy một số địa phương có cách làm hay, hiệu quả. Huyện Cần Giuộc tiếp tục triển khai mô hình Câu lạc bộ IT áo xanh tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, app Long An Số, Tổng đài 1022,... cho người dân trên địa bàn; thực hiện mô hình Thư viện số, thiết kế các Infographic dạng cây thư mục sử dụng mã QR tích hợp những thông tin về văn bản quy phạm pháp luật; truyền thống lịch sử địa phương, thủ tục hành chính;...

Huyện Đoàn Cần Giuộc thực hiện công trình thanh niên Thắp sáng Di tích lịch sử Gò bà Sáu Ngọc (Ảnh: Địa phương cung cấp)

Bí thư Huyện Đoàn Cần Giuộc - Đỗ Thị Thảo Phương cho biết, Đoàn Thanh niên (TN) huyện thực hiện mô hình Tuyến đường số đối với những tuyến đường mang tên Mẹ Việt Nam Anh hùng; lắp các bảng có mã QR, quét truy cập những thông tin về tiểu sử của nhân vật được đặt tên đường ở đầu và cuối đường. Đội TN xung kích thực hiện mô hình Tiếng loa TN cũng tuyên truyền lưu động đến các ngõ, xóm, ấp hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng số của tỉnh và Trung ương xây dựng (Long An Số, VNeID, VssID,...); triển khai, thực hiện “Số hóa di tích lịch sử” trên địa bàn huyện như Nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của huyện (xã Phước Lâm), Đình Bình Đức (xã Long Hậu), Chùa Tôn Thạnh (xã Mỹ Lộc), Miếu Hai Bà Trưng (xã Mỹ Lộc) để người dân tìm hiểu, nắm biết về truyền thống lịch sử cách mạng của địa phương, từ đó khơi dậy lòng tự hào dân tộc, khát vọng cống hiến, xây dựng huyện Cần Giuộc ngày càng văn minh, hiện đại.

Thời gian qua, huyện Bến Lức và Cần Đước cũng tích cực xây dựng mã QR quảng bá, giới thiệu các di tích lịch sử trên địa bàn huyện; triển khai, thực hiện “Số hóa di tích lịch sử” tại Di tích lịch sử Ngã tư Rạch Kiến, xã Long Hòa, huyện Cần Đước.

2. Tại Tân Hưng, thời gian qua, huyện tổ chức cuộc thi ảnh, video Câu chuyện CĐS với mục đích tuyên truyền nâng cao nhận thức về CĐS, vai trò của Tổ CNSCĐ và lựa chọn ảnh, video clip xuất sắc sử dụng trong công tác thông tin, tuyên truyền về CĐS trên địa bàn huyện. Huyện tổ chức nói chuyện chuyên đề Phụ nữ, gia đình và bình đẳng giới trong thời đại công nghệ số nhân họp mặt kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 08/3 và 1.984 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng cho gần 200 đại biểu nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức về CĐS. Một số đơn vị xã, thị trấn đang áp dụng

các mô hình tại bộ phận “một cửa” như TN tình nguyện với dịch vụ công trực tuyến; tổ giúp việc Ban Chỉ đạo CĐS trực ban bộ phận “một cửa”, giúp tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn người dân đến làm thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” các xã, thị trấn;... với lực lượng nòng cốt là đoàn viên (ĐV), TN, thành viên Tổ CNSCĐ và cán bộ, công chức là thành viên của tổ giúp việc Ban Chỉ đạo CĐS xã.

Tại huyện Thạnh Hóa, một số xã, thị trấn đang áp dụng các mô hình tại bộ phận “một cửa” như TN tình nguyện với dịch vụ công trực tuyến; Một người biết CĐS cả gia đình biết CĐS giúp tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ hướng dẫn người dân, người thân biết làm thủ tục hành chính dịch vụ công trực tuyến; sử dụng các nền tảng số.

Tuyên truyền, vận động các hộ dân tại  ấp Mới 1, xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa thanh toán không dùng tiền mặt

Tại huyện Đức Hòa, thời gian qua, UBND xã Mỹ Hạnh Nam xây dựng mô hình Tuyến phố thanh toán không dùng tiền mặt tại ấp Mới 1, đến nay, có 90 hộ kinh doanh tham gia. UBND xã phối hợp Ngân hàng Quân đội (MB) - Chi nhánh Đức Hòa tổ chức tuyên truyền, vận động người dân và các hộ kinh doanh hình thành thói quen thanh toán không dùng tiền mặt. Qua đó, từng bước đưa phương thức thanh toán số trở thành công cụ thanh toán chủ yếu trong quá trình giao dịch mua bán hàng hóa của người dân.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông - Bùi Nguyên Khởi cho biết, những nỗ lực của các cấp, các ngành, đoàn thể, địa phương góp phần giúp Long An thành 1 trong 6 tỉnh trong cả nước vừa được Liên hiệp Các hội khoa học Việt Nam trao chứng nhận đạt hạng mục Top tổ chức các địa phương tiêu biểu chủ động thực hiện Cách mạng công nghiệp 4.0 và CĐS.

Thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông cùng các địa phương, đoàn thể, doanh nghiệp công nghệ số tiếp tục thúc đẩy, tổ chức triển khai hoạt động mạng lưới Tổ CNSCĐ, góp phần cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ CĐS của tỉnh, trong đó tập trung tăng cường năng lực cho thành viên mạng lưới, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành viên Tổ CNSCĐ hoạt động

MTTQ Việt Nam, các đoàn thể, đặc biệt là lực lượng ĐVTN tiếp tục phát huy vai trò xung kích trong tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của CĐS; chủ động, tích cực phối hợp mạng lưới Tổ CNSCĐ triển khai các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn trực tiếp sử dụng nền tảng, kỹ năng số cho hội viên và người dân./.

Chuyển đổi số để phát triển kinh tế nông nghiệp 

Ngành Nông nghiệp tỉnh có nhiều đổi mới, nhất là chuyển đổi số đang được kỳ vọng là động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững trên lĩnh vực nông nghiệp.

Hà Lan

Chia sẻ bài viết