Thiết bị này do Viện Điện tử (Viện Khoa học và Công nghệ quân sự (KHCNQS), Bộ Quốc phòng) phối hợp với Viện Hóa học Môi trường quân sự (Binh chủng Hóa học) nghiên cứu, chế tạo.
Trung tá, TS Phan Huy Anh, Trưởng phòng Nghiên cứu tác chiến vũ khí công nghệ cao, Viện Điện tử cho biết: "Thiết bị trinh sát phóng xạ đường không sử dụng thiết bị bay không người lái (UAV) đa cánh quạt. Dữ liệu trinh sát gồm suất liều, thông tin phổ bức xạ gắn kèm thời gian và vị trí quan trắc được truyền theo thời gian thực về trạm mặt đất để xử lý và hiển thị trực quan trên nền bản đồ số, theo các kịch bản quan trắc khác nhau với khả năng chỉ thị đồng vị. Thiết bị có chức năng đo suất liều phóng xạ trong không khí, phân tích phổ tín hiệu và gửi thông tin về sở chỉ huy. Mỗi bộ thiết bị trinh sát có thể hoạt động độc lập hoặc kết hợp hai hoặc ba thiết bị với nhau theo bài toán trinh sát được đặt ra".
Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và các đại biểu tham quan thiết bị trinh sát phóng xạ đường không tại Binh chủng Hóa học, tháng 9-2022.
Để chế tạo thành công thiết bị này, đội ngũ kỹ sư của Viện KHCNQS cùng Binh chủng Hóa học phải tìm tòi, nghiên cứu trong gần một năm để cho ra các sản phẩm chính: Ba thiết bị UAV đa cánh quạt chuyên dụng để mang các detector đo suất liều và đo phổ thực hiện nhiệm vụ trinh sát phóng xạ đường không; ba bộ tay cầm điều khiển dạng máy tính bảng có phần mềm điều khiển bay kết nối vô tuyến với UAV và trạm điều khiển mặt đất để điều khiển bay và chuyển tiếp thông tin từ UAV tới trạm điều khiển mặt đất; ba modul đo suất liều gamma thực hiện đo suất liều phóng xạ trên không để đưa vào bộ xử lý và truyền dữ liệu; ba bộ xử lý và truyền dữ liệu để nhận dữ liệu từ các modul đo phóng xạ, tiền xử lý dữ liệu, lưu trữ và truyền về trạm điều khiển mặt đất qua đường vô tuyến.
Cùng với đó là modul đo phổ thực hiện đo và ghi phổ phóng xạ trên không để đưa vào bộ xử lý và truyền số liệu. Ba trạm điều khiển mặt đất để thu dữ liệu trinh sát phóng xạ đường không truyền về từ bộ xử lý và truyền dữ liệu trên UAV để lưu cơ sở dữ liệu, hiển thị trên nền bản đồ số và truyền về máy chủ. Ngoài ra, trạm điều khiển mặt đất còn thu thông tin bay và hình ảnh camera từ UAV chuyển tiếp qua bộ điều khiển cầm tay để hiển thị trên phần mềm điều khiển bay.
Các tính năng chiến thuật, kỹ thuật của từng thiết bị cũng như của toàn bộ hệ thống đã được kiểm tra, thử nghiệm đạt kết quả tốt. Chia sẻ với chúng tôi, Thượng tá Đinh Tiến Hùng, Trưởng phòng Phóng xạ, Viện Hóa học Môi trường Quân sự, cho hay: "Thiết bị trinh sát phóng xạ đường không sử dụng kỹ thuật truyền dữ liệu mã hóa trải phổ nên có độ ổn định và bảo mật cao. Theo kỹ thuật này, thiết bị sử dụng có kích thước nhỏ gọn, nguồn tiêu thụ ít nhưng vẫn bảo đảm cự ly liên lạc xa. Bên cạnh đó, với các đầu đo Geiger-Muller LND7121 và LND716, đề tài đã sử dụng phương pháp ổn định phổ thụ động kết hợp giải pháp lọc số cho kết quả độ phân giải năng lượng cao, độ tin cậy lớn, khoảng đo rộng và kích thước nhỏ gọn để phù hợp trong quá trình tích hợp lên UAV".
Một trong những "điểm cộng" của thiết bị là đã tích hợp lên UAV detector đo phổ và phân tích dữ liệu để đưa ra các đồng vị chính xác. Ngoài ra, chức năng mapping xác định vị trí nguồn phóng xạ đã được nhóm đề tài dành nhiều thời gian nghiên cứu và thu được kết quả tốt. Thiết bị bước đầu thành công trong việc tiếp cận công nghệ chế tạo cảm biến phóng xạ có kích thước nhỏ gọn, hiệu suất ghi cao, phù hợp với các loại hình trinh sát trên không, tích hợp lên robot, khí tài quan trắc cá nhân.
Đặc biệt, việc ứng dụng detector đo phổ CZT cũng mở ra hướng nghiên cứu đầu đo phóng xạ đa chức năng với kích thước và trọng lượng siêu nhỏ, có khả năng đưa ra hàng loạt thông tin phóng xạ từ cường độ bức xạ, thông tin phổ phóng xạ, bản đồ quan trắc, khả năng xác định nhiều đồng vị cùng một lúc.
Kết quả của đề tài mở ra hướng nghiên cứu áp dụng công nghệ mới về thiết kế, chế tạo UAV để tích hợp các loại cảm biến khác nhau phục vụ trinh sát hóa học. Sản phẩm nghiên cứu cũng có thể mở rộng ứng dụng với nhiều loại hình trinh sát trên không cho các lực lượng khác trong quân đội, như trinh sát pháo binh, trinh sát biên phòng, cảnh sát biển, trinh sát bộ binh cơ giới...
Ngoài ra, sản phẩm đề tài cũng làm cơ sở để phát triển các loại cảm biến trinh sát khác như quan trắc môi trường, dò tìm chất độc, phát hiện các loại bức xạ để tích hợp lên những loại UAV có công năng khác nhau, nhằm tăng cường loại hình và phạm vi trinh sát hóa học trong chiến đấu cũng như ứng phó sự cố./.
Theo Báo QĐND